Hội thảo ba bên Việt Nam - Lào - Australia về quản trị hành chính công

Mới đây, Aus4Skills, Trung tâm Việt-Úc (VAC) phối hợp các đơn vị tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế về Xây dựng nền hành chính công hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Xây dựng nền hành chính công hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả là yêu cầu quan trọng ở các quốc gia bởi những lợi ích mang lại cho chính phủ, người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội và toàn cầu hóa hiện nay, nền hành chính công hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả giúp nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp; phục vụ đời sống Nhân dân; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như tạo dựng năng lực cạnh tranh của các quốc gia.

Nhằm tăng cường trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng nền hành chính công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Xây dựng nền hành chính công hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả: Kinh nghiệm của Việt Nam, Lào và Australia”.

Hội thảo không chỉ là diễn đàn để ba quốc gia chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau mà còn có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác quốc tế.

Hội thảo cũng là cơ hội quý báu để Việt Nam, Lào và Australia thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn trong giải quyết các thách thức chung về cải cách và xây dựng một nền hành chính công hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của từng quốc gia mà còn đóng góp vào sự tiến bộ chung của khu vực và thế giới.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các đại diện lãnh đạo ban, Bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu khoa học, học viện, trường đại học trong nước và quốc tế. Nội dung các tham luận tập trung vào 04 nhóm vấn đề chính:

Thứ nhất, làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng nền hành chính công hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả; phân tích, làm rõ nội hàm, yếu tố tác động, yêu cầu và những nhiệm vụ then chốt để xây dựng nền hành chính công hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả.

Thứ hai, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn xây dựng nền hành chính công hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả tại Việt Nam, Lào và Australia - Những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân.

Thứ ba, phân tích bối cảnh mới tác động đến quá trình xây dựng nền hành chính công hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả của các quốc gia, từ đó chỉ ra cơ hội và thách thức trong xây dựng nền hành chính công hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả.

Thứ tư, đề xuất định hướng và giải pháp tiếp tục thúc đẩy xây dựng nền hành chính công hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả tại Việt Nam, Lào và Australia trong thời gian tới.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, việc tăng cường hợp tác quốc tế là chìa khóa quan trọng để nâng cao chất lượng cải cách hành chính công. Việt Nam đang chủ động tham gia sâu vào các mạng lưới quốc tế về hành chính công, quản trị tốt, chính phủ mở, chuyển đổi số trong khu vực và toàn cầu, để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận tri thức và công nghệ tiên tiến, đồng thời thúc đẩy các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo chuyên gia hành chính công hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển của mình.

PGS. TS. Phouvong Ounkhamsen, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, nhấn mạnh, hai Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào nói chung, hai Học viện nói riêng đã tăng cường hợp tác nghiên cứu về hiện đại hóa trong hành chính công, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý của Nhà nước đối với phát triển kinh tế.

Hội thảo mang đến kinh nghiệm quý báu đối với Lào để học tập bài học kinh nghiệm của Việt Nam và Úc, rút ra bài học kinh nghiệm và vận dụng vào việc cải cách bộ máy Nhà nước ở CHDCND Lào cho tinh gọn và hiệu quả.

Bà Renee Deschamps, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, Australia coi trọng vai trò quan trọng của Việt Nam và Lào trong tiểu vùng sông Mekong.

"Các nhà lãnh đạo ở cả Việt Nam và Lào đều coi hợp tác ba bên với Australia là một cách hỗ trợ các ưu tiên chiến lược của khu vực. Đây là thời điểm thích hợp cho hội thảo ba bên đầu tiên, do Trung tâm Việt-Úc hỗ trợ tổ chức. Những cuộc trao đổi như thế này cho phép chúng ta học hỏi lẫn nhau, chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng, và đưa chúng ta lại gần nhau hơn trong hợp tác chung và tầm nhìn chung của chúng ta đối với tiểu vùng sông Mekong".

Bảo Châu

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hoi-thao-ba-ben-viet-nam-lao-australia-ve-quan-tri-hanh-chinh-cong-ar940592.html
Zalo