Hồi sinh và thúc đẩy các dự án lớn: Doanh nghiệp Nhà nước khẳng định vai trò

Kết thúc năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn và tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước tính đạt 2.030.572 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh đất nước đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7% mỗi năm, tiến tới mức tăng trưởng trên hai con số trong tương lai, nhiệm vụ cấp thiết là thúc đẩy sản xuất và tránh lãng phí nguồn lực. Điều này đòi hỏi phải tái khởi động các dự án quy mô lớn từng bị đình trệ, đồng thời tăng tốc phát triển các tập đoàn kinh tế trụ cột.

Trước sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, 19 tập đoàn và tổng công ty đã tập trung nguồn lực tái cấu trúc ngành nghề, thoái vốn ngoài ngành, đổi mới quản trị doanh nghiệp, cải tiến cơ cấu nhân sự và hiện đại hóa hệ thống quản lý. Những nỗ lực này nhằm khắc phục khó khăn, tăng hiệu quả hoạt động và dần mang lại lợi nhuận ổn định.
Vượt thách thức, tạo động lực phát triển

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác thăm khu vực xưởng chế tạo cột thép tại Công ty Chế tạo cột thép Đông Anh (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) (Ảnh: VGP)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác thăm khu vực xưởng chế tạo cột thép tại Công ty Chế tạo cột thép Đông Anh (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) (Ảnh: VGP)

Trong những năm qua, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn đã phát huy vai trò chủ đạo, đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng, ổn định thị trường xăng dầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện của người dân và sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác dầu thô, than đá, và sản xuất các sản phẩm công nghiệp như hóa chất, phân bón, thép, cũng như các mặt hàng nông sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Kết thúc năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn và tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước tính đạt 2.030.572 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 111.692 tỷ đồng, tương đương 158% kế hoạch năm và tăng 56% so với cùng kỳ. Đóng góp vào ngân sách Nhà nước cũng tăng mạnh, ước đạt 206.206 tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch năm và tăng 5% so với năm trước.

Trên cơ sở Quyết định số 360 ngày 17/3/2022 của Thủ tướng và các văn bản chỉ đạo, Ủy ban đã chỉ đạo các tập đoàn hoàn thiện đề án tái cơ cấu giai đoạn đến năm 2025. Tính đến nay, 18 đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt và đang được triển khai đúng tiến độ nhằm đảm bảo hiệu quả và chất lượng.

Một trong những thành tựu nổi bật trong 6 năm qua là xử lý các dự án chậm tiến độ và kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Nổi bật là việc giải quyết 11/12 dự án yếu kém, trong đó có các dự án từng gây bức xúc như Nhà máy phân bón DAP số 1 và số 2, Nhà máy Đạm Ninh Bình, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, hay Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ. Tính đến cuối năm 2017, tổng vốn chủ sở hữu của 12 dự án âm 33,41 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả lên đến hơn 58.504 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải phát biểu tại buổi làm việc với Ban quản lý Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Tháng 5/2024). Ảnh: CMSC

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải phát biểu tại buổi làm việc với Ban quản lý Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Tháng 5/2024). Ảnh: CMSC

Với vai trò thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án này, Ủy ban đã tích cực triển khai và nhận được sự đồng thuận về chủ trương xử lý từ Bộ Chính trị. Đáng chú ý, một số dự án như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được khơi thông và đạt tiến triển rõ rệt sau thời gian dài đình trệ.

Những nỗ lực này không chỉ giúp tái khởi động các dự án mà còn tạo đà phát triển mới, đưa các tập đoàn, tổng công ty trở thành những nhân tố dẫn dắt trong nền kinh tế, khẳng định vị thế vững chắc của doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn phát triển mới.

Những kết quả ấn tượng

Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghe báo cáo về tiến độ thi công các gói thầu Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: CMSC

Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghe báo cáo về tiến độ thi công các gói thầu Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: CMSC

Năm 2024, giá trị đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn và tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được dự báo đạt 160 nghìn tỷ đồng, tương đương 130% so với cùng kỳ năm trước. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban, nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ. Điển hình là dự án Đường dây tải điện 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Với chiều dài 519km, dự án đi qua 211 xã/phường thuộc 43 huyện tại 9 tỉnh, gồm 1.177 vị trí cột và 513 khoảng néo. Tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng, dự án đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường cung cấp điện cho khu vực miền Bắc và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Dự án được thực hiện trong điều kiện khó khăn như thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp và khối lượng công việc lớn. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ngành cùng chính quyền địa phương, EVNNPT đã hoàn thành công trình chỉ trong hơn 6 tháng, thay vì 3-4 năm như thông thường. Vào ngày 25/8/2024, dự án đã chính thức đóng điện. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng dự án vào ngày 8/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là một “kỳ tích” và nhấn mạnh vai trò của ngành Điện lực trong phát triển kinh tế đất nước.

Một dự án nổi bật khác là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) triển khai. Dự án được đẩy nhanh tiến độ thi công nhờ tranh thủ thời tiết thuận lợi và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc. Hiện nay, một số đoạn tuyến đã hoàn thành, gồm đoạn từ nút giao cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (Long An) đến quốc lộ 1 (TP Hồ Chí Minh) dài 3,4km, và đoạn từ nút giao Phước An đến quốc lộ 51 (Đồng Nai) dài 6,1km. Các đoạn này sẽ sớm được đưa vào khai thác, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tại các khu công nghiệp và đô thị lớn.

Trong lĩnh vực hàng không, dự án Nhà ga hành khách T3 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng ghi nhận tiến độ tích cực. Với công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm và tổng vốn đầu tư 10.873 tỷ đồng, dự án do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, được khởi công vào ngày 14/3/2024. Công trình dự kiến hoàn thành vượt tiến độ 2 tháng, sẵn sàng khai thác đúng dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025)...

Đoàn công tác kiểm tra tại công trường thi công Dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa (thuộc Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối) và Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa. Ảnh: CMSC

Đoàn công tác kiểm tra tại công trường thi công Dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa (thuộc Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối) và Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa. Ảnh: CMSC

Không chỉ trong lĩnh vực hạ tầng, các doanh nghiệp nhà nước cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể về thương mại và sản xuất. Nổi bật là Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (VINACAFE), đã đăng ký thành công thương hiệu "Vietnam Coffee" cùng nhiều sản phẩm cà phê chế biến sâu như cà phê hòa tan và cà phê rang xay. Đây là bước chuyển mình quan trọng so với việc chỉ xuất khẩu cà phê nhân xanh trước đây, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 vào ngày 6/12/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã đánh giá cao những thành quả đạt được. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, 19 tập đoàn và tổng công ty đã góp phần quan trọng vào nền kinh tế, đóng góp khoảng 10% GDP cả nước. Các đơn vị như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam... đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận.

Việc hoàn thành xuất sắc các dự án trọng điểm không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực quốc gia mà còn khẳng định năng lực quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp tiếp tục bứt phá trong năm 2025, đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hoi-sinh-va-thuc-day-cac-du-an-lon-doanh-nghiep-nha-nuoc-khang-dinh-vai-tro/358143.html
Zalo