Hồi sinh loài sói khổng lồ đã tuyệt chủng

Theo Colossal Biosciences, công ty đang theo đuổi mục tiêu hồi sinh các loài sinh vật đã tuyệt chủng, ba con sói được sinh ra nhờ biến đổi gen được cho là trông giống với loài sói khổng lồ đã tuyệt chủng hiện đang chạy nhảy, ngủ và tru lên ở một địa điểm bí mật, được bảo vệ tại Mỹ.

Theo báo cáo từ Colossal Biosciences công bố hôm thứ Hai, ba chú sói con này nằm trong độ tuổi từ ba đến sáu tháng, chúng sở hữu bộ lông trắng dài, hàm răng mạnh mẽ và hiện đã nặng khoảng 36kg và được dự kiến sẽ đạt tới 63kg khi trưởng thành.

Hai chú sói Dire của Colossal Biosciences, Romulus và Remus, được chụp ảnh khi tròn 1 tháng tuổi, đã chào đời vào ngày 1 tháng 10. Ảnh: Colossal Biosciences

Hai chú sói Dire của Colossal Biosciences, Romulus và Remus, được chụp ảnh khi tròn 1 tháng tuổi, đã chào đời vào ngày 1 tháng 10. Ảnh: Colossal Biosciences

Sói khổng lồ (dire wolf), loài từng tồn tại cách đây hơn 12.000 năm, có kích thước lớn hơn nhiều so với sói xám - họ hàng gần gũi nhất còn sống ngày nay. Tuy nhiên, các nhà khoa học độc lập khẳng định nỗ lực lần này không đồng nghĩa với việc loài sói khổng lồ sẽ sớm trở lại các đồng cỏ ở Bắc Mỹ.

Vincent Lynch, nhà sinh học tại Đại học Buffalo, người không tham gia vào dự án, nhận định “Những gì chúng ta có thể làm hiện nay chỉ là tạo ra một sinh vật có vẻ ngoài giống với một thứ gì đó đã tuyệt chủng – chứ không thể hồi sinh hoàn toàn một loài đã tuyệt chủng”. “Tôi không thể tin là chúng tôi đang bế một con sói khổng lồ đầu tiên sau 12.000 năm,” ông chia sẻ với Bloomberg.

Tờ The Telegraph (Anh) đưa tin rằng ba chú sói con gồm hai anh em được đặt tên là Romulus và Remus – theo tên hai người sáng lập huyền thoại của thành Rome, cùng một con cái nhỏ hơn tên là Khaleesi, lấy cảm hứng từ nhân vật trong loạt phim nổi tiếng Game of Thrones. Cả ba được nuôi dưỡng bởi một con sói cái.

Nhà khoa học sinh học sinh sản Darya Tourzani, người tham gia dự án, gọi đây là “khoa học viễn tưởng ở đỉnh cao nhất.”

Công ty Colossal định nghĩa “phục sinh sinh học” (de-extinction) là “quy trình tạo ra một sinh vật vừa có ngoại hình vừa có sự tương đồng về mặt di truyền với một loài đã tuyệt chủng.”

Các nhà khoa học của Colossal đã xác định các đặc điểm riêng biệt của sói khổng lồ thông qua phân tích ADN cổ đại từ hóa thạch. Họ đã nghiên cứu một chiếc răng sói khổng lồ 13.000 năm tuổi tìm thấy tại Ohio và một mảnh sọ 72.000 năm tuổi phát hiện tại Idaho, chúng đều thuộc bộ sưu tập của các bảo tàng lịch sử tự nhiên.

Sau đó, họ lấy tế bào máu từ một con sói xám còn sống và sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR để biến đổi chúng tại 20 vị trí khác nhau, theo bà Beth Shapiro, nhà khoa học trưởng của Colossal. Vật liệu di truyền này được cấy vào tế bào trứng của chó nhà. Khi phôi phát triển đến giai đoạn thích hợp, chúng được chuyển vào tử cung của chó nhà mang thai hộ, và sau 62 ngày, những chú sói con biến đổi gen được sinh ra qua phẫu thuật.

Matt James, chuyên gia chăm sóc động vật của Colossal, nhớ lại ấn tượng đầu tiên khi bế một con sói con: “Trời ơi, con này to thật.” Tuy vậy, ông cho biết những con sói này dù có thể trông giống sói khổng lồ thời cổ đại, nhưng “chúng sẽ không bao giờ học được đòn kết liễu để hạ gục nai sừng tấm hay hươu lớn,” bởi chúng không có cơ hội học từ cha mẹ hoang dã.

Colossal trước đó cũng từng công bố các dự án tương tự nhằm biến đổi gen các loài sống hiện tại để tạo ra những sinh vật giống voi ma mút lông xoăn, chim dodo và nhiều loài đã tuyệt chủng khác.

Hôm nay, công ty cũng công bố đã nhân bản thành công bốn con sói đỏ từ máu lấy từ những cá thể hoang dã của quần thể sói đỏ đang nguy cấp ở đông nam nước Mỹ. Mục tiêu là tăng tính đa dạng di truyền cho quần thể sói đỏ nuôi nhốt hiện nay, nhằm phục vụ nỗ lực bảo tồn.

Nhà nghiên cứu sinh học hoang dã Christopher Preston từ Đại học Montana (không tham gia dự án) cho biết công nghệ này có thể được ứng dụng rộng hơn trong bảo tồn vì ít xâm lấn hơn các kỹ thuật nhân bản truyền thống. Tuy nhiên, việc gây mê một con sói hoang dã để lấy máu vẫn là một thách thức không nhỏ, ông nói thêm.

Giám đốc điều hành Colossal, Ben Lamm, cho biết nhóm đã có cuộc gặp với Bộ Nội vụ Mỹ vào cuối tháng 3 để thảo luận về dự án. Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum đã ca ngợi nghiên cứu này trên mạng xã hội X là “Đây là một kỷ nguyên mới đầy kỳ diệu của khoa học,” dù các nhà khoa học bên ngoài vẫn nhấn mạnh đến những giới hạn trong việc tái tạo quá khứ.

“Dù sói khổng lồ từng có chức năng sinh thái riêng khi còn sống, nhưng chúng không thể thực hiện những chức năng đó trong hệ sinh thái hiện tại,” Lynch kết luận.

Tất cả những dự án này nằm trong tầm nhìn dài hạn của Colossal nhằm “khôi phục những loài đã mất để chữa lành Trái đất.” Tuy nhiên, giới khoa học vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi và đạo đức của việc đưa các loài tuyệt chủng trở lại, đặc biệt trong bối cảnh môi trường sống hiện tại đã thay đổi sâu sắc so với quá khứ.

Theo Tổng hợp

Huy Hoàng

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/bao-hiem/hoi-sinh-loai-soi-khong-lo-da-tuyet-chung-139988.html
Zalo