Hội Nông dân huyện Tân Lạc: Chú trọng dạy nghề cho nông dân dân tộc thiểu số

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần tích cực giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho hội viên nông dân (HVND), nhất là nông dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hội Nông dân (HND) huyện Tân Lạc đã và đang tập trung triển khai các chính sách, chương trình, hỗ trợ HVND tham gia đào tạo nâng cao tay nghề, giúp nông dân đáp ứng các yêu cầu của kinh tế nông nghiệp trong thời kỳ mới.

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần tích cực giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho hội viên nông dân (HVND), nhất là nông dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hội Nông dân (HND) huyện Tân Lạc đã và đang tập trung triển khai các chính sách, chương trình, hỗ trợ HVND tham gia đào tạo nâng cao tay nghề, giúp nông dân đáp ứng các yêu cầu của kinh tế nông nghiệp trong thời kỳ mới.

Được tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây có múi, nông dân xã Thanh Hối (Tân Lạc) trồng bưởi cho giá trị kinh tế khá.

Được tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây có múi, nông dân xã Thanh Hối (Tân Lạc) trồng bưởi cho giá trị kinh tế khá.

Thăm mô hình mang lại bạc tỷ mỗi năm của nông dân Nguyễn Văn Chiến, xóm Lâm Lưu, xã Phú Cường, với những nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, năm 2022, ông Chiến được Trung ương HND Việt Nam tặng bằng khen về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi. Những ngày đầu khởi nghiệp, ông Chiến tranh thủ từng diện tích đất sản xuất, nắm bắt nhu cầu thị trường để phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Ông cho biết: Sau khi được UBND và HND xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về quản lý trang trại, chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), tôi bắt đầu thực hiện khát vọng khởi nghiệp tại quê hương, từng bước xây dựng mô hình kinh tế của mình. Từ kiến thức qua các lớp đào tạo, tôi áp dụng tại trang trại của gia đình. Nhờ đó đàn vật nuôi, cây trồng phát triển tốt, cho giá trị kinh tế cao. Bình quân mỗi năm có nguồn thu nhập ổn định trên 1 tỷ đồng từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi gà thả vườn kết hợp dịch vụ kinh doanh vận tải và vật liệu xây dựng.

Thời gian qua, việc đào tạo nghề, tăng cường tập huấn KHKT cho HVHD đã góp phần thay đổi ngành nghề, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, nhất là bà con người DTTS trên địa bàn huyện Tân Lạc. Giai đoạn 2021 - 2024, với vai trò đồng hành cùng HVND các dân tộc phát triển kinh tế, các cấp HND huyện đã vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tích cực học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp; tăng cường liên kết trong sản xuất, tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác... Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn HVND đổi mới tư duy, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, đầu tư vốn, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Căn cứ nhu cầu của HVND và điều kiện thực tế, Hội phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao KHKT, tư vấn việc làm, đào tạo nghề cho HVND. Trong giai đoạn, các cấp HND huyện đã phối hợp mở 32 lớp dạy nghề cho trên 1.000 HVND; 29 lớp chuyển giao KHKT cho 1.475 hội viên; mở 4 phiên giao dịch việc làm thu hút 500 lượt HVND tham gia. Qua các lớp đào tạo, nhiều HVND vùng DTTS được nâng cao tay nghề, giới thiệu làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn hoặc tự xây dựng mô hình phát triển kinh tế.

Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) tạo việc làm cho 20 - 30 lao động địa phương.

Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) tạo việc làm cho 20 - 30 lao động địa phương.

Các cấp Hội tiếp tục tín chấp và ủy thác với 3 ngân hàng (NN&PTNT, Chính sách xã hội, Bưu điện Liên Việt) cho HVND vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổng mức dư nợ thường xuyên của 3 ngân hàng cho nông dân vay đạt trên 440 tỷ đồng. Các hoạt động nhằm hỗ trợ HVND cũng được tập trung đẩy mạnh tại tất cả cơ sở hội. Trong 3 năm qua, các cấp Hội đã cung ứng cho hội viên 315 tấn phân bón, 25 tấn giống, 220 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 157 tấn thức ăn chăn nuôi và 20 máy nông nghiệp với tổng trị giá trên 7,1 tỷ đồng.

Đồng chí Bùi Văn Tân, Chủ tịch HND huyện Tân Lạc cho biết: Với trên 80% hộ HVND là người DTTS, thông qua các lớp dạy nghề nhằm nâng cao khả năng áp dụng KHKT vào quá trình sản xuất, tạo điều kiện cho HVND tăng thu nhập, góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng, tiêu biểu như: sản phẩm rau su su Quyết Chiến, Lũng Vân; bưởi đỏ, gà thả đồi, cá lồng, dê... Đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,3%.

Thời gian tới, các cấp HND huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho HVND, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó, gắn với đào tạo nghề là định hướng về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi quy mô sản xuất; tổ chức hoạt động kết nối giữa nông dân với các doanh nghiệp và đơn vị tiêu thụ nông sản…

Hải Đăng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/195073/hoi-nong-dan-huyen-tan-lac-chu-trong-day-nghe-cho-nong-dan-dan-toc-thieu-so.htm
Zalo