Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tôn giáo ở Việt Nam

Sau gần 40 năm đổi mới đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chúng ta đã tích cực hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống. Trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam cũng luôn chủ động hợp tác và tạo điều kiện cho các tôn giáo hội nhập với quốc tế. Việt Nam là nơi tổ chức đăng cai nhiều sự kiện tôn giáo mang tầm quốc tế. Điều đó đã minh chứng cho thấy đời sống dân chủ, sôi động và cởi mở của các tôn giáo ở Việt Nam. Qua đó, góp phần phản bác những luận điệu công kích, xuyên tạc tự do, tín ngưỡng ở Việt Nam.

Đại lễ Phật đản LHQ 2025 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV) và các cơ quan hữu quan của Việt Nam tổ chức. Sự kiện thu hút sự tham dự của hơn 2.700 đại biểu, trong đó có hơn 1.300 đại biểu quốc tế, học giả, nhà nghiên cứu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Vân

Đại lễ Phật đản LHQ 2025 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV) và các cơ quan hữu quan của Việt Nam tổ chức. Sự kiện thu hút sự tham dự của hơn 2.700 đại biểu, trong đó có hơn 1.300 đại biểu quốc tế, học giả, nhà nghiên cứu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Vân

Hằng năm, ở Việt Nam, các tôn giáo đều có những sự kiện lớn được tổ chức với sự tham gia của đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ và giáo dân. Ví dụ như năm 2009, kỷ niệm 350 năm thành lập hàng giáo phẩm của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, Nhà nước đã cho phép tổ chức sự kiện kỷ niệm tại tỉnh Hà Nam với sự tham gia của 30 giám mục, 1.200 linh mục và hơn 100.000 giáo dân trên khắp mọi miền đất nước. Hằng năm, kỷ niệm Ngày sinh Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập ra Phật giáo Hòa Hảo, khoảng 100.000 tín đồ đã quy tụ tại tỉnh An Giang để tham dự buổi lễ. Tại Tòa thánh Tây Ninh, hằng năm cũng thu hút hàng trăm nghìn tín đồ Cao Đài về dự Lễ hội Diêu Trì Kim Mẫu.

Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã 4 lần tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (LHQ). Tính riêng, Đại lễ Phật đản LHQ năm 2025 tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, đã có hơn 80 quốc gia cùng hơn 10.000 phật tử tham dự. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lan Hiền, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo, Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, sự kiện Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công 4 lần Đại lễ Phật đản LHQ có ý nghĩa rất lớn, vượt ra ngoài phạm vi của một lễ hội tôn giáo. “Đây là một đại lễ của Phật giáo toàn thế giới, nhưng với Việt Nam có ý nghĩa rất lớn. Đây là dịp để chúng ta quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam đối với thế giới, khẳng định tính trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với các hoạt động của LHQ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tôn giáo. Và đây cũng là dịp để góp phần làm cho thế giới hiểu biết hơn về dân chủ, tự do tôn giáo ở Việt Nam” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lan Hiền khẳng định.

Phát biểu tại Đại lễ Phật đản LHQ lần thứ 20, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định: “Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Không chỉ riêng Phật giáo, rất nhiều sự kiện tôn giáo đã được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện tổ chức và hỗ trợ về việc bảo đảm an ninh, duy trì trật tự, bảo đảm cho các sự kiện tôn giáo diễn ra an toàn, thân thiện, tạo dấu ấn với bạn bè quốc tế. Năm 2012, tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, diễn ra Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục châu Á lần thứ X, với sự tham gia của hơn 200 giám mục trên toàn thế giới. Năm 2017, tại thành phố Hồ Chí Minh, Lễ kỷ niệm 500 năm Ngày Cải chánh Giáo hội cũng được tổ chức, với sự tham gia của gần 12.000 giáo dân trong và ngoài nước. Với chính sách tôn giáo ngày càng cởi mở, nhiều đoàn đại biểu tôn giáo đã ra nước ngoài dự hội nghị, hội thảo và tham gia diễn đàn khu vực và quốc tế như: Đối thoại liên tín ngưỡng Á - Âu (ASEM), đối thoại liên tín ngưỡng khu vực châu Á-Thái Bình Dương...

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Ảnh: Bích Nguyên

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Ảnh: Bích Nguyên

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định, những sự kiện đó đã khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế: “Trong thời gian qua, Việt Nam tổ chức rất nhiều sự kiện tôn giáo lớn. Điều đó thể hiện sự thừa nhận của quốc tế đối với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đối với việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu người ta thấy Việt Nam không đáp ứng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì làm sao mà đến Việt Nam được. Ở Việt Nam rất tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của chúng ta cho phép bất cứ tổ chức tôn giáo nào cũng có thể gia nhập các tổ chức tôn giáo thế giới”.

Xét về mức độ đa dạng tôn giáo, Việt Nam thuộc nhóm đầu thế giới. Ở Việt Nam hiện nay, những ngày lễ lớn của các tôn giáo, nhất là lễ Phật đản, Vu lan, Noel... không chỉ là ngày của những người theo các tôn giáo mà trở thành ngày vui chung, ngày hội lớn thu hút đông đảo đồng bào theo đạo hoặc không theo đạo cùng tham gia. Hòa thượng Thích Thiện Bảo, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, không chỉ riêng Phật giáo, mà tất cả các hoạt động của tôn giáo nếu đúng pháp luật đều được chính quyền địa phương quan tâm và tạo điều kiện. Nhà nước cũng rất cởi mở trong chính sách giao lưu, hội nhập tôn giáo. Vì thế, các tín đồ đều có thể tự do hoạt động, truyền đạo, thuyết giảng, giao lưu tôn giáo theo pháp luật mà không bị chính quyền cấm đoán.

Hòa thượng Thích Thiện Bảo nhấn mạnh: “Những hoạt động tự do tín ngưỡng ở trong nước lẫn nước ngoài được Nhà nước Việt Nam quan tâm và hỗ trợ, chứ không có sự hạn chế. Và hoạt động tín ngưỡng cũng ngày càng phong phú".

Hiện nay, Việt Nam có 16 tôn giáo và 41 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền ngày càng quan tâm, chăm lo đối với người dân theo đạo. Quan điểm và chính sách nhất quán của Việt Nam là mọi công dân đều phải hoạt động và tuân thủ pháp luật, đồng bào theo đạo hay không theo đạo đều là công dân nước Việt Nam, là thành phần tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, đi ngược lại với lợi ích của đồng bào tôn giáo, đi ngược lại với giáo lý, giáo luật của giáo hội, vẫn còn những đối tượng luôn cố tình không biết, không thấy, không công nhận sự thật về đời sống tôn giáo tự do, dân chủ và cở mở ở Việt Nam. Họ đưa ra những bình luận, suy diễn chủ quan, áp đặt quan điểm cá nhân, vu cáo Việt Nam không có tự do tôn giáo, vu cáo Việt Nam cấm đoán, hạn chế hoạt động tôn giáo. Đó là những luận điệu phi căn cứ và mang ý đồ chính trị. Mục đích của họ là để làm phức tạp tình hình, kích động làm nóng dư luận, để thông qua tôn giáo như một ngòi nổ, dẫn đường làm chuyển hóa chế độ. Đây là một ý đồ chính trị mà chúng ta cần phải cảnh giác.

Diệp Chi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoi-nhap-quoc-te-trong-linh-vuc-ton-giao-o-viet-nam-post489814.html
Zalo