Hỏi nhanh, đáp gọn những vấn đề cử tri quan tâm
Hai ngày chất vấn với 3 nhóm vấn đề liên quan tới lĩnh vực ngân hàng, y tế và thông tin truyền thông theo phương thức 'hỏi nhanh, đáp gọn', phiên chất vấn được đánh giá khá cao… Nhưng cũng không thể phủ nhận vẫn còn nhiều câu hỏi, vấn đề trùng lặp… Cử tri mong muốn, hoạt động chất vấn ngày càng được cải tiến để hiệu quả hơn...
Chiều 12/11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã khép lại với phần trả lời, làm rõ thêm một số vấn đề mà ĐBQH quan tâm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Hai ngày chất vấn với 3 nhóm vấn đề liên quan tới lĩnh vực ngân hàng, y tế và thông tin truyền thông theo phương thức “hỏi nhanh, đáp gọn”, phiên chất vấn được đánh giá khá cao. Ngay trước phiên chất vấn, nhiều cử tri đã bày tỏ mong muốn những vấn đề nóng sẽ được cả người hỏi và người đáp đề cập một cách thẳng thắn, trực diện.
Về phần mình, nhiều ĐBQH cũng bày tỏ tin tưởng, “đây sẽ là phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất chất lượng, sôi động, bởi lẽ cả người được chất vấn và người chất vấn đều đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng” - ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho hay. Hay như ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) thì kỳ vọng: Dưới sự điều hành linh hoạt của Chủ tọa phiên họp, phần chất vấn của các ĐBQH sẽ súc tích, đi thẳng trọng tâm. Các bộ trưởng, tư lệnh ngành sẽ trả lời trúng vấn đề được đại biểu nêu, và quan trọng nhất là đưa ra được giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong các lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.
Chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động thường kỳ ở mỗi kỳ họp Quốc hội và cũng là hoạt động được trông đợi nhất. Chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp cũng là kênh quan trọng để cử tri và nhân dân giám sát lời hứa của ĐBQH và của cả các bộ trưởng, trưởng ngành. Chất vấn và trả lời chất vấn cũng là cách để người dân bằng cách này hay cách khác biết được ĐBQH và các tư lệnh ngành đã làm gì, làm như thế nào để thực hiện tốt nhất công việc được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đưa hoạt động chất vấn trở thành điểm nhấn của mỗi kỳ họp Quốc hội.
Thực hiện quy định tại nội quy kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 tiếp tục tiến hành theo cách thức hỏi nhanh, đáp gọn. Người trả lời chất vấn có thời gian không quá 5 phút để phát biểu về vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn.
Mỗi lượt Chủ tọa phiên họp sẽ mời 3 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút và chỉ tập trung vào 1 đến 2 vấn đề tâm đắc nhất; mỗi lần phát biểu, đại biểu nêu một vấn đề thì tốt nhất. Người hỏi không được sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với các ĐBQH đã chất vấn trước đó. Thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút, thời gian trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi. Các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành liên quan sẽ tham gia giải trình theo sự điều hành của Chủ tọa phiên họp để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của ĐBQH. Quốc hội mong muốn như vậy, sẽ có nhiều đại biểu được chất vấn và tạo điều kiện cho các bộ trưởng, trưởng ngành thuận lợi trong việc theo dõi, ghi chép, tổng hợp và trả lời đúng, trả lời đầy đủ các vấn đề ĐBQH quan tâm.
Nhìn chung, phiên chất vấn diễn ra khá thành công như đã nói, nhưng cũng không thể phủ nhận vẫn còn nhiều câu hỏi, vấn đề trùng lắp, nên dù rằng có cố gắng đến đâu cũng có lúc các tư lệnh ngành không thể trả lời nhiều vấn đề cùng lúc. Đơn cử như phần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về giá vàng và thị trường vàng. Đó là điểm chưa được cải thiện nhiều tại phiên chất vấn dù đã đi gần hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn vào cuối kỳ họp. Và cử tri mong muốn, hoạt động chất vấn ngày càng được cải tiến để hiệu quả hơn, giúp các thành viên Chính phủ có thêm thông tin để hoàn thiện các giải pháp một cách hiệu quả trong việc chỉ đạo, điều hành, tạo chuyển biến thực sự trong từng lĩnh vực quản lý.