Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng: 30 năm nỗ lực vượt thách thức, xây dựng 'mái nhà chung' của những người làm báo
Năm 2024, đánh dấu chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng (20/9/1994 - 20/9/2024). Qua 3 thập kỷ thành lập, trải qua 5 kỳ đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh ngày càng phát triển, trưởng thành, là nơi đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, đội ngũ ngày càng đông đảo, chất lượng ngày một nâng cao, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng, tạo dấu ấn riêng trên chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
30 năm một chặng đường phát triển
Năm 1994, Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Quyết định số 131-QĐ/TU, ngày 20/9/1994, thành lập Ban vận động, chuẩn bị đại hội thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng. Tại đại hội đầu tiên đã thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng. Khi đó, Tỉnh hội chỉ có 2 chi hội trực thuộc là Chi hội Nhà báo Báo Sóc Trăng và Chi hội Nhà báo Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) tỉnh Sóc Trăng. Trải qua 5 kỳ đại hội sau đó, lần lượt thành lập thêm các chi hội: Tạp chí Văn nghệ tỉnh Sóc Trăng; Văn phòng Tỉnh hội; Các đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố; Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi và Câu lạc bộ Nhà báo nữ.
Trong quá trình hoạt động, hội đối mặt không ít khó khăn. Từ năm 1994 - 2015, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng không có trụ sở riêng, phải làm việc tạm tại cơ quan Đài PT&TH tỉnh, Báo Sóc Trăng. Nhân sự ban chấp hành đều là kiêm nhiệm; hoạt động cầm chừng, các mặt công tác hội hầu như không tổ chức được. Trong 20 năm chỉ ra được 3 kỳ tập san; chỉ là thành viên tham gia tổ chức hội báo xuân hằng năm. Đề án Hỗ trợ đầu tư sáng tác tác phẩm báo chí chất lượng cao cũng chỉ đạt kết quả hạn chế.
Năm 2015, Đề án nhân sự Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng lần thứ V (nhiệm kỳ 2016 - 2020) được phê duyệt cùng với phương án hình thành bộ máy chuyên trách. Sau đại hội diễn ra vào tháng 3/2016, đến tháng 8/2016, Văn phòng Tỉnh hội được UBND tỉnh quyết định cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cùng với 3 biên chế. 1 năm sau, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng được trang bị 2 phòng làm việc tại Trụ sở các hội đặc thù tỉnh Sóc Trăng.
Thời gian qua, Ban Chấp hành Hội từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy hội các cấp. Từ gần 30 hội viên lúc mới thành lập, đến nay hội đã phát triển lên 169 hội viên đang sinh hoạt tại 6 đơn vị cơ sở trực thuộc Tỉnh hội. Ngoài ra còn có Câu lạc bộ Nhà báo nữ tỉnh Sóc Trăng với 57 thành viên là các nữ nhà báo chuyên nghiệp, nữ cộng tác viên báo chí đang công tác tại các đài truyền thanh cấp huyện, các bộ phận truyền thông của một số ngành tỉnh.
Cũng từ năm 2016 đến nay, hoạt động của Tỉnh hội trở nên sôi động hơn như: Hội Báo xuân, Đề án/ Chương trình “Tiếp tục hỗ trợ đầu tư sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao”, Giải Báo chí tỉnh hằng năm (giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2026), tập san chuyên ngành Người làm Báo Sóc Trăng (giai đoạn 2017 - 2019, giai đoạn 2021 - 2030), Họp mặt Báo chí đầu xuân, Họp mặt kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam,… Thực hiện nhiệm vụ của Tỉnh ủy giao, Thường trực Tỉnh hội cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện tốt việc giao ban báo chí hằng tháng, quý, năm nhằm nắm tình hình hoạt động báo chí, kịp thời định hướng công tác thông tin, tuyên truyền cho các cơ quan báo chí và trên cơ sở nắm tình hình, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
“Mái nhà chung” của những người làm báo
Với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh đã thực sự trở thành “mái nhà chung”, là cầu nối của những người làm báo trong toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Theo Nhà báo Tạ Đình Nghĩa - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ cho hội viên được Tỉnh hội chú trọng thực hiện thường xuyên. Điều đó tác động tích cực, nâng cao ý thức tự rèn luyện về đạo đức, tác phong công tác, nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay chưa có hội viên, phóng viên nào vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Đối với các hoạt động chuyên môn, hằng năm Tỉnh hội đều chủ động trong triển khai thực hiện Đề án, Chương trình “Tiếp tục hỗ trợ đầu tư sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; tổ chức cho hội viên 1 - 2 chuyến đi thực tế sáng tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với các cơ quan báo chí, kết hợp tham quan các di tích lịch sử cách mạng - văn hóa bản địa. Từ năm 2016 đến nay (trừ 2 năm dịch Covid-19), Hội Nhà báo tỉnh triển khai thực hiện Tập san Người Làm Báo Sóc Trăng 1 rồi 2 kỳ/năm. Theo đề án, sẽ thực hiện 4 kỳ/năm giai đoạn 2026 - 2030.
Thường trực Tỉnh hội đã tranh thủ từ nhiều nguồn kinh phí, chủ động phối hợp cùng Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức 1 - 2 lớp/năm để tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí cho hàng trăm lượt biên tập viên, phóng viên, hội viên nhà báo đang công tác ở các cơ quan báo chí truyền thông địa phương. Lãnh đạo Tỉnh hội cũng phối hợp với Đài PT&TH tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho gần 70 phóng viên, biên tập viên chưa qua đào tạo nghiệp vụ báo chí. Ban thư ký các chi hội tham mưu cho lãnh đạo cơ quan báo chí: tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ trong cán bộ, biên tập viên, phóng viên, hội viên ở đơn vị. Ngoài ra, Thường trực Tỉnh hội còn phối hợp với các địa phương, các ngành tỉnh tổ chức 10 lớp/nhiệm kỳ để tập huấn kỹ năng tuyên truyền, viết tin, bài, thực hiện tác phẩm truyền thông,… cho hàng ngàn lượt cán bộ tuyên truyền, viên chức truyền thanh,… ở cơ sở trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, nhiều hội viên tích cực tham gia giải báo chí trong tỉnh và toàn quốc. Theo đó, đã có một số hội viên đạt giải cao ở các cuộc thi, giải báo chí toàn quốc: Giải Báo chí toàn quốc viết về đồng bằng sông Cửu Long, Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, Giải Báo chí toàn quốc viết về tấm gương dân vận khéo, Liên hoan Phát thanh, Liên hoan Truyền hình toàn quốc…
Riêng Giải Báo chí tỉnh Sóc Trăng hằng năm đã thu hút được đông đảo hội viên, phóng viên tham gia. Ban tổ chức đã trao giải cho các tác phẩm xuất sắc nhân dịp Họp mặt kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, được sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, năm 2024 đã là năm thứ 6 triển khai Vòng Sơ khảo cấp tỉnh Giải Báo chí toàn quốc về công tác xây dựng Đảng, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh là cơ quan thường trực. Ban tổ chức đã xét thưởng cấp tỉnh quyết định tặng thưởng cho các tác phẩm chất lượng nổi trội.
30 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh đã gặt hái thành tích đáng phấn khởi. Tiêu biểu, tại Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh vinh dự là 1 trong 22 tập thể được nhận bằng khen trong tổng số 287 đơn vị trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam; 1 cá nhân nhận bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. Cũng trong năm 2020, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh được tặng cờ thi đua dẫn đầu toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam do có thành tích xuất sắc trong công tác Hội. Từ năm 2018 - 2023, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã được nhận 3 bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam, 2 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.
Thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục kiện toàn về tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi người làm báo. Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh tiếp tục định hướng hội viên bám sát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. Tập trung tuyên truyền những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của đất nước, của địa phương... Không ngừng thực hiện hiệu quả việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo. Hội tiếp tục là nơi những người làm báo, các cơ quan báo chí gửi gắm niềm tin để cống hiến, sống trọn vẹn với nghề.