Hội Nhà báo Việt Nam lên tiếng việc phóng viên tạp chí lợi dụng báo chí để hoạt động trái pháp luật
Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam đã lên tiếng trước việc phóng viên, cộng tác viên một số tạp chí lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương
Ngày 25-9, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Kiểm tra - Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết qua theo dõi, nắm bắt, phản ánh từ nhiều kênh thông tin, Hội Nhà báo Việt Nam nhận thấy trong thời gian gần đây hiện tượng phóng viên, cộng tác viên một số cơ quan báo chí (trong đó chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp) lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp.
Theo ông Tuấn, một số phóng viên, cộng tác viên liên kết thành từng nhóm (chủ yếu khu vực miền Bắc và miền Trung) có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép, đưa thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gợi ý, gây sức ép, thậm chí là đe dọa để sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo hoặc thu lợi bất chính, nhất là trong thời điểm gần Tết Nguyên đán và những ngày lễ lớn.
Đã có nhiều phóng viên - người làm báo bị các cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam do lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi.
"Những hành vi thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật nêu trên chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng đã làm tổn hại nghiêm trọng uy tín, hình ảnh của những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính" - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Kiểm tra - Hội Nhà báo Việt Nam nói.
Xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm
Để chấn chỉnh hiện tượng này, theo Ban Kiểm tra - Hội Nhà báo Việt Nam, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã có công văn số 01 ngày 9-1-2024 đề nghị Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội và Chi hội trực thuộc triển khai ngay một số nhiệm vụ.
Cụ thể, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân cho đội ngũ người làm báo.
Rà soát và quản lý chặt chẽ, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở đội ngũ phóng viên, nhất là phóng viên thường trú, cộng tác viên tại các địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng thẻ nhà báo, thẻ hội viên, giấy giới thiệu cấp cho cán bộ, phóng viên...
Khẩn trương tiến hành rà soát, thành lập, kiện toàn Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp theo quy định tại Quy chế hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 534 ngày 30-3-2017 của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam).
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã tăng cường công tác giám sát đối với các Liên chi hội, chi hội trực thuộc, các Hội Nhà báo địa phương đặc biệt tập trung kiểm tra, giám sát đối với khối tạp chí…
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, tại các buổi làm việc, Đoàn giám sát của Hội Nhà báo Việt Nam nhắc nhở các Chi hội báo, tạp chí quan tâm tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, giáo dục các vấn đề liên quan đến pháp luật, đạo đức cho hội viên trong Chi hội khi tác nghiệp. Quản lý chặt chẽ việc cấp giấy giới thiệu cho cán bộ, phóng viên đi tác nghiệp, quản lý chặt phóng viên thường trú….
Cùng với đó, sớm rà soát thành lập, kiện toàn Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp theo quy định tại Quy chế hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 534 ngày 30-3-2017 của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Đối với Hội Nhà báo các địa phương, Đoàn giám sát cũng yêu cầu Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố cần tăng cường phối hợp với Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin-Truyền thông, PA03 trong việc quản lý Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhà báo-hội viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan bảo vệ pháp luật để ngăn chặn
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ban Kiểm tra - Hội Nhà báo Việt Nam đã giám sát với 14 đơn vị trong đó có 2 liên chi hội, 3 Hội nhà báo tỉnh, 2 chi hội nhà báo và 7 chi hội Tạp chí.
Tuy nhiên, để đấu tranh có hiệu quả đối với hiện tượng này, Ban Kiểm tra cho rằng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chủ quản báo chí.
Cùng với đó là sự dũng cảm của các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp là nạn nhân của hiện tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi dám đứng lên tố cáo hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí với các cơ quan chức năng để có cơ sở xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật báo chí, đạo đức nghề nghiệp.