Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2025
Ngày 27/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2025. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm 2024, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; trong đó, giá trị tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; có khoảng 78,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); có trên 14,6 nghìn sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao trở lên của trên 8 nghìn chủ thể, tăng trên 3,5 nghìn sản phẩm so với năm 2023. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ, kịp thời các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão số 3 để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của người dân. Tỉ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%; tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%...
Năm 2025, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 3,4 – 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 64 – 65 tỷ USD; tỉ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt trên 80%, 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 60%. Tỉ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức trên 42%...
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, sau thời gian thực hiện Nghị quyết số 19 – NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn bền vững, tỉnh thực hiện chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh luôn ở mức cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2024, tỉ lệ hộ dân trong tỉnh được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 98%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 80 triệu đồng. Toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 306 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng; duy trì trên 200 mô hình liên kết sản xuất… Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh còn gặp một số khó khăn do doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp; việc tiêu thụ nông sản còn gặp khó khăn ở một số thời điểm…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung một số nhiệm vụ chính như: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tổ chức lại sản xuất các vùng chuyên canh gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đẩy mạnh công nghệ, ứng dụng công nghệ số, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nắm chắc tình hình biến động trong nước, thế giới để điều hành sáng tạo, linh hoạt lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế; thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; gắn sản xuất với các chuỗi giá trị gia tăng, chế biến, đáp ứng yêu cầu của thị trường…