Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Sáng ngày 28/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Sở Y tế Đồng Tháp, chủ trì hội nghị có bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Ê - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tại hội nghị, Bộ Y tế báo cáo đánh giá về tình hình phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và phổ biến các quy định, hướng dẫn mới trong lĩnh vực y tế dự phòng có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo Bộ Y tế, tình hình bệnh truyền nhiễm trong nước cơ bản vẫn được kiểm soát: số mắc, tử vong do các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng giảm so với cùng kỳ năm trước. Bệnh dại và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin (sởi, ho gà...) ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến khó lường, tiếp tục có nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Đồng thời cũng đã thông báo, đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế công cộng. Tác động của đại dịch Covid-19 trong những năm trước đó đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin cho trẻ em trên toàn thế giới, không đạt được mức độ bao phủ cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.

Dự báo thời gian tới, với khí hậu mùa đông xuân, thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị, các địa phương tăng cường các biện pháp chống dịch: thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế; xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025. Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cho UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động công tác giám sát trường hợp bệnh, giám sát tác nhân gây bệnh và xử lý triệt để ổ dịch: bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết…); các bệnh dự phòng bằng vắc-xin (sởi, ho gà, bạch hầu); bệnh viêm phổi nặng do vi-rút và các bệnh lây qua đường hô hấp (cúm mùa, cúm gia cầm độc lực cao…) và các bệnh nguy hiểm, mới nổi (đậu mùa khỉ…). Giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.

Chủ động phân tích tình hình, đánh giá nguy cơ và chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống dịch bệnh. Thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét; duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin chống dịch. Đảm bảo công tác thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong; thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm. Rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vắc-xin, trang thiết bị, nhân lực... theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, các biện pháp xử lý ổ dịch, vắc-xin, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu người bệnh, kiểm soát lây nhiễm. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch, tập trung vào khu vực ghi nhận ổ dịch, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.

Triển khai hiệu quả các chiến dịch tiêm vắc-xin tại các cơ sở giáo dục, các trường học. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, nhất là cúm gia cầm, bệnh dại, bệnh than... phòng, chống lây nhiễm sang người. Tăng cường truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng vắc-xin và thay đổi hành vi, nâng cao sức khỏe.

Sông Ngân

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/y-te/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-ve-cong-tac-phong-chong-benh-truyen-nhiem-127407.aspx
Zalo