Hội nghị triển khai thực hiện Đề án số 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Sáng 13/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Đề án số 23-ĐA/TU ngày 30/11/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về 'Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát (GS), phản biện xã hội (PBXH) của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2025 - 2030' (gọi tắt là Đề án số 23).
![Quang cảnh Hội nghị.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_608_51467195/b1cb9f3aae74472a1e65.jpg)
Quang cảnh Hội nghị.
Đề án số 23 nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân trong tham gia GS, PBXH góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030.
Theo đó, hàng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ chủ trì ít nhất 3 cuộc GS, mỗi tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh chủ trì ít nhất 1 cuộc GS, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện chủ trì ít nhất 6 cuộc GS, Ủy ban MTTQ cấp xã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện ít nhất 1 cuộc GS; 100% Ban Công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố tổ chức GS thường xuyên việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cộng đồng dân cư, GS cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử tại nơi cư trú. Cùng đó, hàng năm, Ủy ban MTTQ cấp tỉnh sẽ chủ trì tổ chức từ 3 hội nghị PBXH, mỗi tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh chủ trì ít nhất từ 1 hội nghị PBXH trở lên.
Đồng thời, chủ động tham gia góp ý xây dựng các dự án luật, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, các chương trình, đề án, dự án có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền các cấp phê duyệt và ban hành thực hiện; Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh phối hợp tổ chức ít nhất 1 hội nghị đối thoại với đoàn viên, hội viên và nhân dân; Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện tổ chức ít nhất 1 hội nghị đối thoại trở lên và phối hợp tham gia các hội nghị tiếp xúc, đối thoại theo kế hoạch của cấp ủy, chính quyền cùng cấp…
Để triển khai thực hiện Đề án số 23 đảm bảo thiết thực, hiệu quả và đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, riêng trong năm 2025, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các ban, sở, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội thành lập đoàn GS thực hiện GS 4 nội dung chuyên về: việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu; việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; việc triển khai và thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Về hoạt động PBXH, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh tổ chức PBXH đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, dự án quan trọng, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Về tổ chức đối thoại, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đoàn viên, hội viên và nhân dân…
Phấn đấu trong năm 2025, 100% Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật về phát huy vai trò GS, PBXH, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đến đội ngũ cán bộ Mặt trận, các tổ chức thành viên và có hình thức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân; 100% Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã hoàn thành ký quy chế phối hợp công tác với Thường trực HĐND và UBND cùng cấp gắn với thực hiện công tác GS, PBXH và việc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị sau GS, PBXH của MTTQ; 100% Ủy ban MTTQ các cấp chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng kế hoạch GS, PBXH.
Trong đó, MTTQ tỉnh chủ trì ít nhất 3 cuộc GS và tổ chức 3 hội nghị PBXH; 100% Ban Công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố tổ chức GS thường xuyên việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cộng đồng dân cư, GS cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử tại nơi cư trú; 100% ban thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng được kiện toàn và hoạt động hiệu quả.