Hội nghị Triển khai công tác Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm năm 2024
Sáng 22/3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai công tác Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm năm 2024.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam, các cơ quan chủ quản, nhà xuất bản và doanh nghiệp kinh doanh phát hành sách trên toàn quốc.
Trong báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành năm 2024, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên đã nêu ra những chỉ số phát triển chính của hoạt động xuất bản.
Hiện cả nước có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản. Tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 đầu sách (giảm 1,4%).
Tổng doanh thu toàn ngành đạt 4.105,35 tỷ đồng (tăng 4,98%). Trong đó, 6 nhà xuất bản có doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng; 1 nhà xuất bản có doanh thu từ 50-100 tỷ đồng; 18 nhà xuất bản có doanh thu từ 10 đến dưới 50 tỷ đồng; 27 nhà xuất bản có doanh thu từ 1 đến dưới 10 tỷ đồng; 6 nhà xuất bản có doanh thu dưới 1 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, có 24/57 nhà xuất bản tham gia xuất bản và phát hành sách điện tử (tăng 26,3%), chiếm 42,1% tổng số nhà xuất bản.
Bên cạnh thành tựu, ngành xuất bản vẫn tồn tại một số hạn chế như sai sót, vi phạm về mặt chính trị, tư tưởng trong nội dung xuất bản phẩm còn chưa được khắc phục, dẫn đến việc cơ quan chức năng phải xử lý các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, những đầu sách có giá trị và sức lan tỏa chưa nhiều, đặc biệt là thể loại chính trị, khoa học công nghệ.
Về nguồn nhân lực, tình trạng thiếu hụt chức danh lãnh đạo tại một số nhà xuất bản đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và sự ổn định hoạt động chung của nhà xuất bản, đặc biệt là công tác quản lý nội dung xuất bản phẩm. Việc thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng, có kỹ năng về công nghệ thông tin còn chưa tốt; thiếu các vị trí công việc nắm bắt thị hiếu của bạn đọc, xây dựng thương hiệu, marketing, phát hành…
Vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản cũng đặt ra nhiều thách thức, như: việc đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các nhà xuất bản nhìn chung còn hạn chế. Dù đã có 4 nền tảng xuất bản điện tử dùng chung và đang triển khai nền tảng thứ 5, nhưng việc ứng dụng công nghệ tích hợp, đưa AI vào hỗ trợ quy trình xuất bản triển còn khai chậm, kết quả chưa rõ nét.
Hoạt động liên kết xuất bản bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hiện tượng bỏ lọt nội dung không chính xác, không phù hợp. Sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo nhà xuất bản, quy trình biên tập đã dẫn đến sai phạm của một số đầu sách liên kết. Đây là vấn đề cần được cơ quan chủ quản, lãnh đạo nhà xuất bản nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và nghiêm khắc hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành; cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa quy trình biên tập và đọc duyệt.
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã chỉ ra những khó khăn, phân tích các nguyên nhân, hạn chế của ngành xuất bản trong năm 2023, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 2024, trong đó nhấn mạnh các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực xuất bản, phát hành.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - đơn vị hàng đầu về xuất bản sách lý luận, chính trị của Đảng và Nhà nước - nhấn mạnh, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, cần xác định những quan điểm, định hướng trong công tác xây dựng đề tài sách, gắn kết giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế.
Đại diện Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam chia sẻ, khai thác bản quyền trong lĩnh vực xuất bản không chỉ là việc mua bán quyền dịch và phát hành tác phẩm từ quốc gia này sang quốc gia khác mà còn là nền tảng quyết định đến sự bền vững và phát triển của ngành xuất bản.
Nhà xuất bản Trẻ đưa ra một số đề xuất theo hướng hệ sinh thái tích hợp giữa truyền thống và công nghệ số, trong đó sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản sách điện tử, tận dụng được nguồn lực và lợi ích to lớn của công nghệ; đẩy mạnh hoàn thiện các chính sách, cơ chế để bảo vệ bản quyền trên không gian mạng; quan tâm, hỗ trợ đầu tư công nghệ cho các đơn vị xuất bản; tăng cường đào tạo nhân lực làm xuất bản theo hướng tích hợp có chất lượng cao, am hiểu về xuất bản lẫn công nghệ, ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động xuất bản, để có thể hỗ trợ cho việc phát triển hệ sinh thái xuất bản.