Hội nghị tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vùng Tây nguyên năm 2024: Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS
Ngày 16/12, tại tỉnh Đắk Lắk, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vùng Tây nguyên năm 2024. Ông Hoàng Công Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Ông Hoàng Công Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng các đại biểu chủ trì Hội nghị
Đây là Hội nghị quan trọng được tổ chức tại Vùng Tây Nguyên để Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan Trung ương được lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị về việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thực tế diễn ra trên địa bàn. Từ đó tổng hợp, tiếp thu những ý kiến tiêu biểu để phản ánh với Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thời gian tới.
Tham dự Hội nghị có ông Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân Tộc Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong vùng cùng 150 đại biểu là người có uy tín đại diện cho đồng bào các dân tộc đến từ các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Phát huy vai trò và lợi thế của vùng, tạo nên sức mạnh tổng lực trong công cuộc phát triển của đất nước
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Quỳnh Liên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ, vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên khoảng 54,5 nghìn km2, chiếm 1/6 diện tích cả nước; lớn thứ 3 trong 6 vùng kinh tế - xã hội. Vùng Tây Nguyên được coi là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là vùng giàu tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên trong phát triển, giữa vai trò tâm điểm của kết nối đông – tây; là vùng dự trữ chiến lược cho phát triển bền vững của quốc gia.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng cho sự phát triển toàn diện các tỉnh Vùng Tây Nguyên để phát huy vai trò và lợi thế của vùng, tạo nên sức mạnh tổng lực trong công cuộc phát triển của đất nước. Quá trình xây dựng và triển khai các văn bản, chủ trương, chính sách của trung ương và địa phương, sự chung sức, đồng lòng, tham gia ý kiến, bày tỏ quan điểm, nguyện vọng, đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, khu vực, với phong tục tập quán, truyền thống của mỗi đồng bào dân tộc trong khu vực có ý nghĩa quyết định đến sự thành công và hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Liên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị
Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền luôn đề cao và coi trọng, lắng nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến, tâm tư, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, kịp thời điều chỉnh, ban hành mới các chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp, giải quyết thấu đáo các vấn đề của thực tiễn và đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của đồng bào và Nhân dân, để huy động sức mạnh to lớn từ sự đồng thuận và tinh thần tự nguyện của đồng bào và Nhân dân, từ sự thống nhất giữa “Lòng dân - ý Đảng”, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc của mỗi đồng bào các dân tộc trong vùng.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực phối hợp đồng bộ với cả hệ thống chính trị thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, MTTQ các cấp luôn thực hiện tốt việc gần dân, hiểu dân, trên cơ sở đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng Nhân dân và tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc. lắng nghe, tập hợp và kịp thời phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên tinh thần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "Dân là gốc"; Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Quang cảnh Hội nghị
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Liên, Hội nghị là dịp để đại biểu tiêu biểu cho các đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất về việc thụ hưởng các chương trình, chính sách dân tộc tại địa phương; những ý kiến chia sẻ, lan tỏa cách làm hay, kinh nghiệm quý trong công tác dân tộc nhằm phát huy hơn nữa các kết quả đạt được và đặt ra những nội dung, biện pháp hiệu quả hơn để hoàn thành các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó trong giai đoạn tới.
Từ ý nghĩa đó, bà Nguyễn Thị Quỳnh Liên đề nghị, Đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận để đánh giá, làm rõ kết quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số về các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương; hiệu quả của công tác tuyên truyền thông qua đội ngũ người có uy tín tiêu biểu và các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp ở vùng dân tộc thiểu số.
Cùng với đó cần đánh giá vai trò của Ban Thanh tra nhân, Ban giám sát đầu tư ở cộng đồng đối với việc thực hiện các công trình, dự án đầu tư ở cơ sở, cộng đồng dân cư theo các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc miền núi và các kiến nghị, đề xuất cụ thể để phát huy vai trò của các thiết chế giám sát của Nhân dân này; đánh giá vai trò của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc chủ trì, phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức đoàn thể quần chúng trong việc thực hiện hương ước, qui ước, công tác hòa giải ở cơ sở?; phương thức triển khai, nguồn lực đầu tư, các chính sách và hiệu quả của chính sách trong các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;…
Đại biểu tham dự Hội nghị
Nguyện vọng, kiến nghị của đồng bào DTTS gửi tới Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Báo cáo tình hình dân tộc, công tác dân tộc tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên năm 2024 do ông Nguyễn Huy Chí, Trưởng Ban Dân tộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ, năm 2024, tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi các tỉnh vùng Tây Nguyên cơ bản ổn định: an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không xảy ra các vụ việc nổi cộm mang tính chất nghiêm trọng; cán bộ, chiến sỹ, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát huy tốt hiệu quả; các chương trình an sinh xã hội giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn, rủi ro trong cuộc sống được chú trọng; đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên tích cực thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phát động, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tự lực vươn lên phát triển tế xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống dịch bệnh.
Hệ thống MTTQ và tổ chức thành viên các cấp trong vùng đã tích cực, chủ động phối hợp triển khai thực hiện công tác dân tộc, năm bắt tình hình vùng DTTS&MN, dự báo những vấn đề phức tạp có thể phát sinh từ cơ sở, từ đó tham mưu với cấp ủy các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo ổn định xã hội, giữ vững anh ninh, quốc phòng. Nhiều nơi, MTTQ đã sáng tạo, linh hoạt đổi mới hình vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội được nâng cao về cả chất và lượng. Các hoạt động cứu trợ, xã hội, nhân đạo, từ thiện, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được hệ thống MTTQ các cấp đặc biệt coi trọng.
Báo cáo cũng nêu bật một số nguyện vọng, kiến nghị của đồng bào DTTS gửi tới Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong đó tập trung vào việc các bộ, ngành ở Trung ương cần đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, phối hợp lồng ghép với các chương trình, chính sách khác trên địa bàn như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường bền vững, coi đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi khu vực Tây Nguyên nói chung.
Các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái. Khôi phục một số tập quán tốt, "văn hóa" ứng xử với rừng của người DTTS; nghiên cứu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS đối với việc quản lý, bảo vệ rừng; giải quyết hợp lý những vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Các cơ quan chức năng trên địa bàn cần thực hiện tốt hơn nữa việc ổn định dân du canh du cư, di cư tự phát; triển khai đồng bộ, kịp thời công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện trên địa bàn, bảo đảm đời sống người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi cũ. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ về nhà ở, quy hoạch dân cư vùng lũ, sạt lở theo hướng an toàn, ổn định, phát triển bền vững.
Đồng bào DTTS cũng mong muốn chính quyền các địa phương trong vùng cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý để bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như cơ hội việc làm cho lao động người DTTS. Thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ tịch, giấy khai sinh... Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng Tây Nguyên, xóa bỏ tình trạng "vùng trũng nguồn nhân lực".
UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Có cơ chế ưu đãi, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ của đồng bào DTTS; Có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ nông thôn và các loại hình chợ phù hợp để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; chợ truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc vừa là nơi giao thương, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch. Tập trung khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các dân tộc để phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch "xanh", giữ gìn và tôn trọng yếu tố văn hóa vùng Tây Nguyên....
Cùng với đó cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên. Không ngừng củng cố lực lượng cốt cán của các đoàn thể, tăng cường phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên là người DTTS ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn; đề cao vai trò của già làng, trưởng buôn, trưởng các dòng họ, người có uy tín; Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người DTTS; Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; chú trọng xây dựng quy ước, hương ước và tổ chức phong trào tự quản về an ninh trật tự; phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Những kiến nghị, đề xuất từ thực tiễn
Ông Đinh Văn Tuyển, người uy tín tại làng Ring Rai xã Hà bầu huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai kiến nghị, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có sự quan tâm bố trí nguồn kinh phí phụ cấp cho người có uy tín hàng tháng nhằm động viên khích lệ tinh thần và hỗ trợ cho Người uy tín khắc phục khó khăn và ngày càng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Xuất phát từ thực tế người dân mỗi khi đau ốm cần phải có thẻ Bảo hiểm Y tế để hỗ trợ phần nào chi phí nhưng việc mua bảo hiểm y tế đối với bà con người đồng bào dân tộc thiểu số là rất khó khăn, vì bảo hiểm y tế chỉ cấp cho người hộ nghèo, hộ sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, còn người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng I, vùng II không được cấp, vì vậy, ông Tuyển đề nghị Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số kể cả vùng I và vùng II để giảm bớt khó khăn khi đau ốm qua đó yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Đề cập tới công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, bà Thị Rơi, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận, Người uy tín đại diện 21 bon đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc giữ gìn bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vẫn còn một số hạn chế nhất định: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có lúc, có nơi thiếu thường xuyên. Công tác sơ kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình gương người tốt việc tốt thực hiện còn chậm; bên cạnh đó vẫn còn một số bộ phận nhân dân chưa nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc duy trì và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình…
Bà Thị Rơi cho rằng cần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự quản lý điều hành của chính quyền địa phương trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số; đồng thời cần chỉ đạo các thôn- bon (khu dân cư) nhân rộng và xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong quá trình triển khai và thực hiện bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
“Cần tăng cường công tác tuyên truyền thông tin, truyền thanh, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nêu cao ý thức việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa, nhất là văn hóa du lịch cộng đồng”, Bà Thị Rơi nêu ý kiến và cho rằng cần kịp thời gặp mặt, biểu dương khen thưởng những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; rà soát những người có tinh thần gương mẫu trong hoạt động văn hóa, đề nghị các cấp công nhận nghệ nhân ưu tú.
Cùng với đó, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng các khu vui chơi giải trí như: (sân vận động) kinh phí hoạt động và thành lập các câu lạc bộ hoạt động văn hóa, câu lạc bộ sinh hoạt theo truyền thống của dân tộc, câu lạc bộ cồng chiêng, xây dựng nhà truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số; Đầu tư vốn để củng cố, đào tạo các nhân tài, tập huấn các nghệ nhân để lưu truyền nền văn hóa.
Ông La Văn Mạnh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum, Phó Ban Công tác Mặt trận thôn 5, xã Hòa Mòn, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum cho rằng cần tăng cường, quan tâm hơn nữa tới việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới đồng bào DTTS để nâng cao nhận thức của bà con; đồng thời mỗi người có uy tín cần phối hợp với cán bộ Mặt trận các cấp để chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nắm bắt diễn biến trên địa bàn để tránh xảy ra những vụ việc bất ngờ. Cùng với đó cần có chính sách phù hợp để nâng cao trình độ học vấn của đồng bào DTTS để việc tuyên truyền, vận động bà con hiệu quả hơn nữa.
Ông Xiêng Lăng Ngất, Già làng, Cán bộ Đảng viên đã nghỉ hưu hiện đang sinh sống tại thôn Dục Nội, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian qua ông đã tham gia tích cực phối hợp với Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội các cấp, các Đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn huyện để tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là Nhân dân vùng giáp ranh nghiêm chỉnh chấp hành Luật biên giới quốc gia; góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị giữa Việt Nam với Lào, Việt Nam với Campuchia; tuyên truyền, vận động Nhân dân tôn trọng và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia; giữ mối quan hệ thân thiện, gần gủi với nhân dân các nước láng giềng; tuyên truyền bà con không xâm canh, xâm cư và vượt biên trái phép.
Ông Xiêng Lăng Ngất cũng tham gia các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã, thôn; trực tiếp tham gia và giải quyết một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, luôn vận động quần chúng nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và phần tử xấu...; cung cấp nhiều tin báo quan trọng, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm; góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác trong nhân dân và thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn (làng)…
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy tặng quà cho đại biểu tham dự Hội nghị
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy tặng quà cho đại biểu tham dự Hội nghị
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy tặng quà cho đại biểu tham dự Hội nghị