Hội nghị thượng đỉnh Ukraine tìm kiếm con đường hòa bình ở Thụy Sĩ
Các nhà lãnh đạo thế giới và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã đến Thụy Sĩ vào thứ Bảy (15/6) để dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine. Tuy nhiên, hội nghị này không có sự tham dự của Nga, Trung Quốc và cả Tổng thống Mỹ.
Nước chủ nhà Thụy Sĩ đã tìm cách xoa dịu những kỳ vọng tại hội nghị kéo dài hai ngày này, với một chương trình nghị sự mang ý nghĩa nền tảng cho con đường dẫn đến hòa bình và với kỳ vọng sẽ có sự tham gia của Nga trong tương lai.
Tuy nhiên, bản thân ông Zelenskyy lại bày tỏ kỳ vọng cao. “Chúng ta sẽ chứng kiến lịch sử được tạo nên tại hội nghị thượng đỉnh ở đây”, ông nói trên Telegram, khi chào đón các Tổng thống và Thủ tướng khi đến khu nghỉ dưỡng sang trọng Burgenstock bên Hồ Lucerne.
Hội nghị có sự góp mặt của khoảng 100 quốc gia và tổ chức toàn cầu, diễn ra vào thời điểm cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ tiếp tục leo thang.
Hơn 50 nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ trong số những người tham dự, tuy nhiên không có sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thay vào đó, ông Biden đã cử Phó Tổng thống Kamala Harris đi thay mình và đã công bố khoản viện trợ mới hơn 1,5 tỷ USD cho Ukraine.
Các nhà lãnh đạo của Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản đều tham dự, cùng với người đứng đầu Liên minh châu Âu và các nhà lãnh đạo của Argentina, Colombia, Chile, Fiji, Phần Lan, Ghana, Kenya và Ba Lan.
Trong khi đó, ngoài Nga, các nước trong khối BRICS là Brazil và Nam Phi chỉ cử một phái viên và Ấn Độ có đại diện ở cấp bộ trưởng. Trung Quốc không cử đại diện, khẳng định sẽ không tham gia nếu không có sự hiện diện của Nga.
Ông Zelenskyy đến Burgenstock vào tối thứ Sáu sau khi Hội nghị Thượng đỉnh G7 kết thúc và đồng ý cung cấp khoản vay mới trị giá 50 tỷ USD cho Ukraine, khi sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của Nga.
Trong khi đó, một thỏa thuận an ninh kéo dài 10 năm cũng được ký kết bởi hai ông Zelenskyy và Biden hôm thứ Năm, theo đó Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine viện trợ và huấn luyện quân sự. Cũng vào thứ Sáu, Liên minh châu Âu đã đồng ý "về nguyên tắc" cho việc bắt đầu đàm phán kết nạp Ukraine.
Hội nghị ở Thụy Sĩ nhằm tìm ra con đường hướng tới hòa bình lâu dài cho Ukraine, dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; một khuôn khổ khả thi để đạt được mục tiêu này; và lộ trình về cách cả hai bên có thể đến với nhau trong tiến trình hòa bình trong tương lai.
Một phiên họp toàn thể có sự tham gia của tất cả các phái đoàn đã được tổ chức vào thứ Bảy. Vào Chủ nhật, ba chủ đề sẽ được thảo luận chi tiết theo nhóm về an toàn hạt nhân, tự do hàng hải và an ninh lương thực, cũng như các vấn đề nhân đạo liên quan.
Huy Hoàng (theo AFP, CAN,Reuters)