Hội nghị thượng đỉnh Ukraine của châu Âu: Chia rẽ về mục tiêu quan trọng nhất
Kế hoạch triển khai lực lượng châu Âu tại Ukraine nhằm đảm bảo một thỏa thuận hòa bình với Nga đang gặp nhiều ý kiến trái chiều.
Các nhà lãnh đạo EU gặp nhau tại hội nghị.
Hội nghị thượng đỉnh của gần 30 quốc gia EU được tổ chức để thảo luận về những đảm bảo an ninh cho Ukraine, hướng tới lệnh ngừng bắn bền vững với Nga trong tương lai. Tuy nhiên, hội nghị chưa đạt được mục tiêu quan trọng nhất này.
Các thảo luận hôm 27/3 tiếp tục đặt ra câu hỏi về sự thống nhất của châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine, trong bối cảnh không có Mỹ hậu thuẫn.
Trước khi các nhà lãnh đạo nhóm họp tại Paris, chiến sự ở Ukraine vẫn diễn ra ác liệt. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Nga trong đêm được cho là khiến hơn 20 người bị thương, trong khi pháo kích vào khu vực Kherson được cho là làm một người thiệt mạng và gây mất điện diện rộng.
Những người tham dự hội nghị cáo buộc Nga chỉ đang kéo dài thời gian và không thực sự muốn đàm phán hòa bình. Nga cũng từng cáo buộc tương tự với các nước phương Tây.
Bên cạnh đó, mặc dù Mỹ dẫn đầu các cuộc đàm phán ngừng bắn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng châu Âu cũng phải có vai trò quan trọng trên bàn đàm phán.
Chia rẽ về triển khai "lực lượng đảm bảo"
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Pháp và Anh sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch triển khai quân đội tại Ukraine nhằm bảo vệ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, ngăn chặn nguy cơ Nga tấn công trở lại. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia châu Âu đều đồng ý.
Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh, ông Macron cho biết ngoài Pháp và Anh, một số nước khác bày tỏ quan tâm, nhưng không phải tất cả. Dù vậy ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không cần sự nhất trí để làm việc này". Ông cũng khẳng định các quan chức quân sự Pháp và Anh sẽ làm việc với Ukraine để xác định quy mô và vị trí triển khai quân đội nhằm đảm bảo khả năng răn đe hiệu quả.
Một số quốc gia tỏ ra thận trọng. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng việc triển khai quân đến Ukraine là một chủ đề gây chia rẽ và làm mất tập trung vào mục tiêu chính: chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni nhấn mạnh rằng Rome sẽ không đóng góp quân đội và kêu gọi tiếp tục hợp tác với Mỹ để tìm giải pháp hòa bình.
Các quốc gia khác vẫn cân nhắc, trong khi một số nước cũng yêu cầu có sự đảm bảo từ Mỹ trước khi đưa ra quyết định.
Việc triển khai lực lượng đủ mạnh để răn đe - có thể từ 10.000 đến 30.000 quân - là thách thức lớn với châu Âu, nhất là khi nhiều nước cắt giảm quân số sau Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực buộc châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và giảm phụ thuộc vào Washington, kế hoạch này cũng được xem là phép thử với ý chí tự vệ của lục địa.

Tăng cường trừng phạt Nga
Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh nhất trí rằng cần duy trì, và thậm chí tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, để buộc Moskva phải tham gia đàm phán thiện chí. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh: "Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lúc này sẽ là một thảm họa cho tiến trình ngoại giao. Đây là công cụ thực sự để gây áp lực buộc Nga phải đàm phán nghiêm túc".
Một trong những vấn đề được thảo luận là khả năng sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết số tài sản này có thể đóng vai trò trong quá trình tái thiết Ukraine sau chiến tranh, nhưng hiện tại chưa thể sử dụng ngay lập tức.
Ông Macron giải thích: “Chúng tôi không có quyền sử dụng những tài sản vào lúc này, nhưng trong tương lai, chúng có thể trở thành một phần của quỹ phục hồi cho Ukraine”. Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng việc phân bổ số tiền sẽ là một phần của đàm phán hòa bình, và câu hỏi về việc sử dụng số tiền thế nào sẽ được đặt ra vào thời điểm thích hợp.
Hội nghị cũng thống nhất rằng bất kỳ động thái nào liên quan đến tài sản đóng băng của Nga phải được thực hiện theo khuôn khổ pháp lý quốc tế và có sự phối hợp giữa các quốc gia. Trong khi một số quốc gia muốn đẩy nhanh quá trình này để hỗ trợ ngay lập tức cho Ukraine, một số khác lo ngại về các hệ quả pháp lý và phản ứng từ Moskva.
Gói hỗ trợ quân sự mới
Khi các nỗ lực ngừng bắn đang diễn ra, các đồng minh của Ukraine ở châu Âu nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của Kiev. Mục đích của họ là cho phép Kiev tiếp tục chiến đấu cho đến khi tiến được tới bất kỳ thỏa thuận hòa bình lớn nào, ngoài ra biến quân đội Ukraine thành tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại khả năng Nga tấn công trong tương lai.
Ông Macron công bố một gói viện trợ quốc phòng mới cho Ukraine trị giá 2 tỷ euro (2,15 tỷ USD), bao gồm xe tăng hạng nhẹ, tên lửa phòng không và chống tăng cùng các loại vũ khí khác.
Trước đó khoảng 1 tuần, sau nhiều thảo luận và nhiều lần khẳng định rằng EU sắp phê duyệt gói viện trợ quân sự trị giá 40 tỷ euro cho Ukraine, Brussels bất ngờ rút lại kế hoạch vào phút chót. Gói viện trợ này bị loại khỏi chương trình nghị sự của Hội đồng EU ngay trước thềm một hội nghị thượng đỉnh khác vào ngày 20/3.
Được gọi là “Kế hoạch Kallas", chương trình này từng đặt mục tiêu tăng gấp đôi viện trợ quân sự của EU cho Ukraine lên 40 tỷ euro vào năm 2025. Kế hoạch do Đại diện cấp cao EU về đối ngoại và an ninh Kaja Kallas đề xướng.