Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025: Câu chuyện Việt Nam muốn kể với bạn bè quốc tế
Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông cho rằng, thông điệp quan trọng mà Việt Nam nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 là yếu tố 'con người' trong quá trình chuyển đổi xanh và bền vững, thể hiện sự tiếp cận thiết thực, hiệu quả của chủ nhà.

Tại Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam-Indonesia lên Đối tác chiến lược toàn diện (ngày 10/3), Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Indonesia Prabrowo Subianto đã nhất trí về việc mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới vì một tương lai bền vững như kinh tế xanh. (Ảnh: Tuấn Anh)
Chủ đề của Hội nghị P4G 2025 do Việt Nam đề xuất là “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”. Đại sứ đánh giá thế nào về chủ đề này với xu hướng hợp tác quốc tế trong tăng trưởng xanh hiện nay?
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang là những thách thức toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của mỗi quốc gia, cộng đồng và từng cá nhân. Vì vậy, chủ đề Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm của Hội nghị P4G 2025 đáp ứng tính thời sự và cấp bách trong việc tìm giải pháp cho các vấn đề này.

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông. (Nguồn: ĐSQ)
Hợp tác quốc tế trong thúc đẩy tăng trưởng xanh đã trở thành yếu tố vô cùng quan trọng trong việc đạt nỗ lực chung để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận thức rõ hơn về sự cấp bách của việc chuyển đổi mô hình phát triển từ tăng trưởng theo chiều rộng, dựa trên tài nguyên thiên nhiên, sang mô hình phát triển xanh, bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ đề Hội nghị P4G 2025 nhấn mạnh yếu tố trung tâm là “con người” trong quá trình chuyển đổi xanh và bền vững, thể hiện sự tiếp cận thiết thực, hiệu quả.
Bởi quá trình chuyển đổi xanh không chỉ là một yêu cầu về bảo vệ môi trường mà còn hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Mô hình phát triển bền vững cần đảm bảo mọi người đều có cơ hội thụ hưởng các lợi ích từ quá trình phát triển này mà không ai bị bỏ lại phía sau.
Cộng đồng quốc tế đã có nhiều sáng kiến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, trong đó có cam kết toàn cầu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các chương trình hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển cho các quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên, để những sáng kiến này trở thành hiện thực, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, khu vực và các tổ chức quốc tế để xây dựng các chính sách phù hợp, triển khai các giải pháp cụ thể và đánh giá kết quả.
Hội nghị P4G năm nay sẽ là diễn đàn quan trọng để các quốc gia, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp cùng thảo luận, tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, khả thi để tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Tôi tin rằng thông qua hợp tác quốc tế, các quốc gia có thể học hỏi từ nhau và tận dụng nguồn lực toàn cầu để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để chúng ta khẳng định vị thể và các cam kết của mình trong việc xây dựng một tương lai phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công dân toàn cầu.

Năng lượng địa nhiệt là trọng tâm trong phát triển năng lượng tái tạo của Indonesia. (Nguồn: PLN)
Indonesia sở hữu tiềm năng địa nhiệt lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế về điện gió ngoài khơi. Hai nước có thể hợp tác như thế nào để khai thác và bổ sung cho nhau dựa trên những thế mạnh này, thưa Đại sứ?
Tại Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Indonesia và Việt Nam được công bố trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Indonesia từ ngày 9-11/3 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Indonesia Prabrowo Subianto đã nhất trí về việc mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới vì một tương lai bền vững như kinh tế xanh, an ninh lương thực và an ninh năng lượng, ngành công nghiệp Halal, nghề cá, nông nghiệp, hợp tác biển, khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và tài chính, ngân hàng.
Như vậy, việc đẩy mạnh hợp tác hai nước vì tăng trưởng xanh và bền vững đã trở thành nội dung quan trọng được lãnh đạo hai nước quan tâm và thống nhất thực hiện.
Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia sở hữu tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo. Hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực này sẽ tối đa các nguồn năng lượng bền vững, tạo cơ hội phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Với trữ lượng địa nhiệt hàng đầu thế giới, Indonesia có kinh nghiệm trong việc phát triển và khai thác nguồn năng lượng này. Trong khi đó, phát triển điện gió ngoài khơi, đặc biệt là ở khu vực ven biển là lợi thế của Việt Nam có bờ biển dài.
Theo đó, Việt Nam và Indonesia có thể hợp tác về nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm các công nghệ khai thác địa nhiệt hiệu quả hơn và các giải pháp tối ưu cho điện gió ngoài khơi. Các trung tâm nghiên cứu, công ty năng lượng và nhà đầu tư ở hai quốc gia có thể hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, tìm giải pháp, sáng kiến nhằm giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực này.
Chính phủ hai nước có thể xem xét các chính sách hỗ trợ hợp tác thương mại, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư và triển khai dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hợp tác về huy động vốn trong triển khai dự án năng lượng tái tạo.
Cùng là thành viên trong các diễn đàn đa phương, trong đó có ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, P4G, theo Đại sứ, hai nước có thể phối hợp ra sao để thúc đẩy các chính sách tăng trưởng xanh?
Việt Nam và Indonesia đều là thành viên tích cực của các diễn đàn đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC và P4G. Hai nước sẽ tiếp tục duy trì sự phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy các quan tâm chung, trong đó có chính sách về tăng trưởng xanh, bền vững, tạo điều kiện tăng cường hợp tác song phương và đa phương triển khai sáng kiến bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Trong ASEAN, hai nước cùng nhau xây dựng các cơ chế hợp tác khu vực nhằm tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy sự chuyển đổi xanh trong các ngành công nghiệp và nông nghiệp, cũng như xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Liên hợp quốc, Việt Nam và Indonesia có thể phối hợp thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy các sáng kiến chung trong khuôn khổ các hội nghị quốc tế về khí hậu và môi trường.
Trong khuôn khổ APEC và P4G, hai nước có thể hợp tác để triển khai các sáng kiến đầu tư vào công nghệ sạch, chuyển giao công nghệ, và phát triển các cơ chế tài chính hỗ trợ cho các dự án tăng trưởng xanh, hướng tới mô hình hợp tác mẫu mực cho các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới.

Cửa hàng xe điện Vinfast tại Indonesia. (Nguồn: Jakarta Global)
Xin Đại sứ đánh giá vai trò của các doanh nghiệp hai nước trong hợp tác tăng trưởng xanh. Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã và đang triển khai kế hoạch gì nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình này?
Kim ngạch thương mại hai chiều có sự tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây. Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2022-2024 đạt 17% mỗi năm, giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu song phương tăng từ 14,16 tỷ USD năm 2022 lên 16,7 tỷ USD năm 2024. Hai bên đặt mục tiêu sẽ sớm đạt mốc thương mại hai chiều 18 tỷ USD.
Để đạt được những kết quả trên, doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó, hợp tác đầu tư kinh doanh về tăng trưởng xanh, bền vững vốn là những lĩnh vực mới, đòi hỏi doanh nghiệp cần có tiếp cận đột phá, táo bạo để vừa triển khai sáng kiến và dự án cụ thể, vừa đảm bảo tiêu chuẩn xanh, sạch, bền vững cho sản phẩm và dịch vụ của mình.
Đối với hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia, thúc đẩy kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, áp dụng công nghệ sạch, bảo vệ môi trường và phát triển hệ sinh thái xe điện là những nội dung hợp tác mới và có nhiều dư địa phát triển. Doanh nghiệp từ hai quốc gia có thể khai thác tiềm năng to lớn này thông qua việc áp dụng công nghệ sạch, đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải carbon, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Một trong những thành công đầu tiên của hợp tác hai nước đóng góp vào phát triển xanh có thể kể đến là hoạt động đầu tư kinh doanh của Tập đoàn Vinfast tại Indonesia.
Trong năm 2024, Tập đoàn Vinfast đã đưa vào hoạt động thương hiệu taxi Xanh SM tại Indonesia, cùng với đó là lắp đặt hệ thống trạm sạc V-GREEN, thành lập nhà máy 200 triệu USD tại Subang, đã và sẽ mở thêm hàng chục showroom VinFast tại Indonesia từ nay đến năm 2027.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Indonesia đầu tháng 3/2025 của Tổng Bí thư Tô Lâm, đại diện VinFast đã công bố kế hoạch triển khai 100.000 trạm sạc tại Indonesia với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD. VinFast cũng bày tỏ quan tâm tới ngành năng lượng tái tạo tại Indonesia, cụ thể là dự án điện mặt trời tại Tây Nusa Tenggara và điện gió tại Sulawesi.
Triển khai công tác ngoại giao kinh tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đặt trọng tâm vào công tác hỗ trợ, thúc đẩy xúc tiến thương mại trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững, kết nối doanh nghiệp hai nước thông qua việc tổ chức sự kiện gặp gỡ của doanh nghiệp và quảng bá giới thiệu thị trường hai nước.
Ngoài ra, Đại sứ quán cũng phối hợp với các cơ quan liên quan của Indonesia để hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận các ưu đãi về chính sách, đặc biệt là các sáng kiến liên quan tới phát triển bền vững nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực vào quá trình hợp tác vì tăng trưởng xanh.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và tục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư do Việt Nam lần đầu đăng cai sẽ diễn ra từ ngày 16-17/4, tại Thủ đô Hà Nội. Các hoạt động bên lề sự kiện sẽ bắt đầu từ ngày 14/4.
P4G hiện có 9 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác (Viện Tài nguyên thế giới - WRI, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu - GGGI, mạng lưới C40 - C40 cities, Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF và Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC).
P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm nay được xem là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá du lịch xanh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của đất nước.