Hội nghị thượng đỉnh G20: Cam kết, xu thế và động lực
Trong bối cảnh địa chính trị phân hóa sâu sắc, xung đột leo thang ở nhiều khu vực, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil được quốc tế rất trông đợi.
Hy vọng về “giải pháp chữa lành”
Vượt qua nhiều thách thức, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 tại Brazil về đích với Tuyên bố chung mang lại hy vọng về “giải pháp chữa lành” cho những “vết thương toàn cầu”. Hội nghị đã đạt những thỏa thuận quan trọng, cam kết đối phó với thách thức toàn cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Nổi bật là cam kết tăng thuế với giới siêu giàu, xây dựng cơ chế chống “lách thuế” và huy động tất cả nguồn lực, bảo đảm tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, hợp tác công nghệ...
Lần đầu tiên thành lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo. Xung đột, khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine, Trung Đông cũng được đề cập, nhấn mạnh thúc đẩy ngừng bắn và bảo vệ thường dân… Dù còn một số nhà lãnh đạo chưa thỏa mãn với “độ đậm nét” về xung đột, nhưng cũng vừa đủ để tuyên bố chung được thông qua.
Từ Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 19, nổi lên một số xu thế chính và những thông điệp quan trọng. Một là, nỗ lực giảm bất bình đẳng trên các lĩnh vực toàn cầu. Quan điểm của Tổng thống nước chủ nhà Lula da Silva về tình trạng bất bình đẳng tài chính không phải vì thiếu mà do những quyết định chính trị không công bằng, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.
Tương tự, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh G20, nhất là các nước phát triển, là nguồn phát thải khí carbon, gây hiệu ứng “nhà kính” nhiều nhất, có năng lực lớn nhất và có trách nhiệm cao nhất trong chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhưng đóng góp của các nước giàu chưa tương xứng với thu lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự chi phối trong chuỗi sản xuất, thương mại toàn cầu.
Hai là, tiếng nói của nhóm các quốc gia Nam bán cầu ngày càng có trọng lượng trong nhiều vấn đề quốc tế. Cùng với các khách mời, Hội nghị lần đầu tiên có sự tham gia của Liên minh châu Phi (AU) với tư cách thành viên chính thức. Đây là dấu mốc lịch sử thể hiện sự công nhận của G20 về tầm quan trọng của châu Phi và tiếng nói ngày càng có trọng lượng của các nước Nam bán cầu trong các vấn đề toàn cầu.
Ba là, xu thế đa phương hóa, đa cực hóa không thể đảo ngược. Hai xu hướng nổi bật nêu trên, sự sôi động trên các diễn đàn, các cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị và tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil là minh chứng sinh động về sức mạnh và vai trò ngày càng quan trọng của đa cực hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.
Cùng với đó là nhu cầu thiết yếu cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu. Xu thế đó hiện diện mạnh mẽ, sâu sắc trên diễn đàn Liên hợp quốc, trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024 ở Nga và nhiều sự kiện quốc tế quan trọng khác.
Tất cả chứng tỏ hợp tác đa phương hóa là cách thức hữu hiệu để giải quyết thách thức toàn cầu; đa cực hóa là xu thế không thể đảo ngược. Chỉ có như vậy mới thúc đẩy cải cách quản trị toàn cầu, giảm bất bình đẳng, làm cơ sở cho đoàn kết thống nhất, tạo sức mạnh to lớn, đối phó với thách thức chung, “chữa lành vết thương” của hành tinh.
Tiềm ẩn nhiều chông gai
Vượt qua “bóng đen chia rẽ” và các thách thức khác phủ bóng trước ngày khai mạc, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 đạt được những kết quả quan trọng. Kết quả của Hội nghị ở Brazil và các sự kiện quốc tế quan trọng khác gần đây là tín hiệu tích cực, mang lại niềm hy vọng cho khát vọng chung về xây dựng thế giới công bằng, hành tinh bền vững và thực hiện mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc.
Không có cơ quan thường trực, nhưng cơ chế Ban thư ký ba nước gồm đại diện nước chủ nhà vừa qua, hiện tại và nhiệm kỳ tiếp theo (Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) sẽ giữ được sự tiếp tục định hướng chung, trước khi chuyển giao chức Chủ tịch luân phiên cho Mỹ năm 2026.
Tuy vậy, phía trước vẫn tiềm ẩn nhiều chông gai. Xung đột, bất ổn vẫn gia tăng ở nhiều khu vực. Sự cạnh tranh địa chính trị, đối đầu giữa các cường quốc và phân hóa, chia rẽ ngày càng phức tạp. Lại thêm các hành động đổ thêm dầu vào lửa của một số nước lớn, khiến lối thoát ở các điểm nóng vẫn rất mờ mịt.
Một số cam kết quan trọng về chống biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và tăng thuế giới siêu giàu…, chưa được quy định cụ thể, thiếu cơ chế ràng buộc thực hiện. Kết quả đạt được nhờ sự thỏa hiệp, nhưng giữa tuyên bố và hành động luôn có khoảng cách. Không ít nước phát triển, nước lớn tìm cách “lách, né” thực hiện đầy đủ cam kết. Bế tắc trong đàm phán về tài trợ chống biến đổi khí hậu tại COP29 ở Azerbaijan do bất đồng giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi là một ví dụ.
Chưa kể sự thay đổi chính phủ sau các cuộc bầu cử có thể dẫn đến việc “quay xe” ở một số nước. Tổng thống đắc cử Donald Trump với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” sẽ tiếp tục rút khỏi nhiều cơ chế đa phương được cho là “không đem lại lợi ích” cho Mỹ, như trong nhiệm kỳ đầu.
Cạnh tranh địa chính trị, đối đầu căng thẳng giữa các nước lớn… tạo ra nhiều rào cản, làm thế giới bị chia rẽ sâu sắc, nguồn lực bị phân tán, chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu bị đứt gãy. Trong khi đó, nhu cầu chống biến đổi khí hậu, đói nghèo, chuyển đổi năng lượng… lại vô cùng lớn.
Tuy nhiên, nỗ lực cam kết và những xu thế tích cực của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 và các sự kiện quốc tế quan trọng khác thể hiện khát vọng chung, là sự khởi xướng cần thiết, từng bước tạo niềm tin, cơ sở, động lực cho hành trình vận động, phát triển không ngừng của nhân loại.