Hội nghị quốc tế APGN-8 gợi mở nhiều sáng kiến mới cho tương lai

Chiều 15/9, tại tỉnh Cao Bằng, Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (CVĐC) UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APGN-8) đã diễn ra, khép lại một tuần làm việc tích cực và hiệu quả.

Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế APGN-8 tại tỉnh Cao Bằng. (Nguồn: BTC)

Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế APGN-8 tại tỉnh Cao Bằng. (Nguồn: BTC)

Hội nghị lần này đã chào đón hơn 800 đại biểu từ 19 quốc gia, gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực di sản địa chất. Trong 6 phiên hội thảo chuyên đề khoa học, hội nghị nhận được hơn 160 tham luận với nhiều thông tin bổ ích, tư liệu quý giá, chủ đề đa dạng từ phát huy và bảo tồn giá trị di sản địa chất, giá trị di sản văn hóa đến các hoạt động của CVĐC toàn cầu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Đại biểu tham dự hội nghị đã làm việc hết sức tích cực và hiệu quả, hoàn thành chương trình và các mục tiêu đề ra; các CVĐC toàn cầu có nhiều cơ hội chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, ký kết được nhiều Biên bản hợp tác có ý nghĩa.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại buổi lễ. (Nguồn: BTC)

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại buổi lễ. (Nguồn: BTC)

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, Hội nghị APGN-8 vinh dự được đón tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, bà Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên Lidia Brito, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đến tham dự và phát biểu trong phiên khai mạc; đồng thời nhận được sự quan tâm, đồng hành của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Mạng lưới CVĐC toàn cầu, các nhà lãnh đạo từ UNESCO và đại diện của các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan.

Thay mặt cho các nhà lãnh đạo từ UNESCO và toàn thể đại biểu, ông Jin Xiaochi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ Việt Nam và chính quyền, người dân tỉnh Cao Bằng, cũng như Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam vì đã nỗ lực tiếp đón chu đáo hàng trăm đại biểu và tổ chức thành công Hội nghị APGN-8 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của bão Yagi.

Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương Jin Xiaochi phát biểu tại buổi lễ. (Nguồn: BTC)

Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương Jin Xiaochi phát biểu tại buổi lễ. (Nguồn: BTC)

Ông Xiaochi tổng kết các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị, đặc biệt ấn tượng với sự đóng góp của các bạn trẻ tham dự hội nghị. Ông Xiaochi nhấn mạnh thế hệ thanh niên chính là tương lai, niềm hy vọng của các CVĐC toàn cầu; bày tỏ niềm tin Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như Mạng lưới Công viên toàn cầu UNESCO sẽ tiếp tục hành trình phát triển và gặt hái nhiều thành tựu trong tương lai.

Trong buổi lễ, Tổng thư ký Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO Guy Martini đã trao chứng nhận cho các thành viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, trong đó có CVĐC toàn cầu Đắk Nông của Việt Nam.

Thay mặt toàn thể đại biểu, ông Guy Martini đọc toàn văn Tuyên bố Cao Bằng mới được thông qua. Tuyên bố đã tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO Lidia Brito, với cách tiếp cận lấy nhân dân làm trung tâm.

 Các đại biểu thực hiện nghi lễ ký Tuyên bố Cao Bằng. (Nguồn: BTC)

Các đại biểu thực hiện nghi lễ ký Tuyên bố Cao Bằng. (Nguồn: BTC)

Theo đó, nội dung Tuyên bố tập trung công nhận và thúc đẩy vai trò then chốt của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn, quản lý và phát huy danh hiệu CVĐC toàn cầu, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hồi song hành với việc bảo tồn bản sắc văn hóa, cảnh quan, môi trường tự nhiên. Tuyên bố cũng kêu gọi nỗ lực ở các cấp địa phương, khu vực và quốc tế nhằm tăng cường hợp tác trong phạm vi các Mạng lưới CVĐC toàn cầu và khu vực, hướng tới thiết lập một khuôn khổ toàn diện cho công tác bảo tồn, phát triển bền vững CVĐC, đồng thời xây dựng tầm nhìn dài hạn cho Mạng lưới CVĐC toàn cầu. Tuyên bố cũng nhấn mạnh quyết tâm tăng cường trao đổi tri thức, khuyến nghị chính sách; thúc đẩy các chương trình quản lý rủi ro và giảm thiểu thiên tai trong CVĐC; tập trung giáo dục, xây dựng năng lực để trao quyền cho thanh niên trong công tác bảo tồn CVĐC trong tương lai.

 Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị APGN lần thứ 9 cho CVĐC toàn cầu Langkawi (Malaysia). (Nguồn: BTC)

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị APGN lần thứ 9 cho CVĐC toàn cầu Langkawi (Malaysia). (Nguồn: BTC)

Kết thúc buổi lễ, ông Jin Xiaochi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương tuyên bố CVĐC toàn cầu Langkawi của Malaysia là thành viên tiếp theo giành quyền đăng cai tổ chức Hội nghị APGN lần thứ 9 vào năm 2026. Đại diện từ CVĐC Langkawi đã vinh dự nhận lá cờ tổ chức Hội nghị từ Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APGN 8)

Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN-8) từ ngày 9-15/9.

Hội nghị được tổ chức luân phiên 2 năm/lần tại các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mục đích chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả, giải pháp hữu ích trong công tác xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO giữa các thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu quốc tế được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc, giới thiệu phong tục tập quán tại địa phương và nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Nhiều hoạt động bổ ích cũng nhận được sự tham gia, ủng hộ của đông đảo đại biểu như: trình diễn thời trang, các cuộc thi ảnh, thi tìm hiểu kiến thức về CVĐC; các hoạt động trải nghiệm, thực địa đến nhiều danh lam thắng cảnh trong CVĐC Non nước Cao Bằng; không gian trưng bày và triển lãm sản phẩm OCOP của các địa phương trong nước, quốc tế.

Tuấn Việt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-quoc-te-apgn-8-goi-mo-nhieu-sang-kien-moi-cho-tuong-lai-286461.html
Zalo