Hội nghị quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024
Chương trình tiếp cận theo vòng đời sản phẩm từ khâu khai thác, thiết kế, chế biến, sản xuất, tiêu dùng, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thải ra môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.
Ngày 19/9, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024, nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; định hướng và đẩy mạnh các hoạt động trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ Công Thương đã và đang triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Chương trình tiếp cận theo vòng đời sản phẩm từ khâu khai thác, thiết kế, chế biến, sản xuất, tiêu dùng, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thải ra môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.
Chương trình được thực hiện theo xu hướng thế giới nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu. Chương trình khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất xuất bền vững; định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
Giai đoạn 2021-2024, Bộ Công Thương đã hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh; thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững…
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe giới thiệu Chỉ thị về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của Bộ Công Thương. Theo đó, nhiệm vụ chung của Chỉ thị gồm: xây dựng, phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp với kế hoạch hành động quốc gia.
Chỉ thị cũng tăng cường quản lý tài nguyên, nguyên liệu, khai thác, sử dụng năng lượng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, chú trọng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, hạn chế đến mức thấp nhất rác thải trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn... hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ, Đà Nẵng luôn tự hào là một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, mang tầm quốc tế, với bản sắc độc đáo riêng.
Trong hành trình phát triển, Đà Nẵng luôn xem việc sản xuất và tiêu dùng bền vững là yếu tố then chốt. Thành phố đã ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Các nhiệm vụ này đã được lồng ghép vào quy hoạch và các dự án phát triển của thành phố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Hội nghị lần này góp phần hỗ trợ Đà Nẵng triển khai thành công hơn nữa Chương trình hành động quốc gia, qua đó đóng góp thiết thực vào cam kết của Chính phủ Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Tham luận tại hội nghị, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đã nêu giải pháp về sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn trong một số ngành công nghiệp.
Viện Da giày, Hiệp hội Dệt may, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai, những khó khăn và thuận lợi khi áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững…/.