Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu: Cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc tế

Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế và uy tín trên trường quốc tế, tạo cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế.

Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 có sự tham gia của 500 đại biểu, trong đó có 200 đại biểu quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 có sự tham gia của 500 đại biểu, trong đó có 200 đại biểu quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 sẽ chính thức khai mạc ngày hôm nay (14/9) tại Hà Nội. Tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) cũng như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, 500 đại biểu, trong đó có khoảng 200 nghị sỹ trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia nhiều hoạt động xoay quanh chủ đề: “Vai trò của Giới Trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo.”

Nhân dịp này, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về kỳ vọng đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện bản sắc văn hóa của mình và thúc đẩy hợp tác, giao lưu quốc tế.

Cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam

- Thưa Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, ông có đánh giá như thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 mà Việt Nam giữ vai trò là nước chủ nhà?

Ông Bùi Hoài Sơn: Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế và uy tín trên trường quốc tế, tạo cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế, góp phần tạo điều kiện phát triển đất nước.

Hội nghị sẽ thu hút sự tham gia của nhiều nghị sỹ trẻ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là cơ hội để các nghị sỹ trẻ Việt Nam giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt là trong công tác lập pháp và xây dựng đất nước.

Bên cạnh đó, hội nghị là nền tảng để các nghị sỹ trẻ trên thế giới thảo luận và đề xuất các giải pháp cho những vấn đề quan trọng và ảnh hưởng đến thế giới. Việc Việt Nam đăng cai tổ chức và dự kiến sẽ có một Tuyên bố Hội nghị sẽ cho phép đưa ra các đề xuất và quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế, góp phần nâng cao vai trò và tiếng nói của Việt Nam trên toàn cầu.

Việt Nam và cả thế giới vừa trải qua Đại dịch COVID-19. Bối cảnh thế giới hiện tại cũng hết sức phức tạp vì thế chúng ta rất cần tổ chức những sự kiện, diễn đàn quốc tế để tạo động lực, truyền cảm hứng, nâng cao tinh thần đoàn kết hơn nữa để cùng vượt qua khó khăn. Hội nghị lần này cũng có những mục đích tương tự như vậy.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Theo ông, Việt Nam có những thuận lợi và thách thức gì khi lần đầu tiên đăng cai tổ chức sự kiện lớn này? Đây cũng là lần đầu tiên Tuyên bố Hội nghị cũng sẽ được thông qua, điều mà 8 hội nghị trước không có?

Ông Bùi Hoài Sơn: Dù đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu nhưng chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong những lần tổ chức các sự kiện lớn, trong đó có cả những sự kiện do Quốc hội tổ chức, chẳng hạn như Đại hội đồng IPU-132 năm 2015.

Chúng ta có thuận lợi từ sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Liên minh Nghị sỹ Toàn cầu (IPU).

Về mặt thách thức, đối với một sự kiện quốc tế, giao tiếp hiệu quả và tôn trọng văn hóa của các quốc gia là vô cùng quan trọng. Chúng ta rất cần lưu ý đến những chi tiết về văn hóa đối ngoại và cần đào tạo nhân viên và tình nguyện viên để đảm bảo giao tiếp phù hợp và thể hiện sự tôn trọng đa dạng văn hóa của các đại biểu. Bên cạnh đó, những yếu tố khác như cơ sở hạ tầng thông suốt, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, khách sạn, kết nối Internet.... hay yêu cầu bảo đảm an ninh tốt nhất để đảm bảo sự an toàn của rất đông đại biểu tham gia cũng là những yếu tố cần phải lưu tâm.

Tiếp theo, chúng ta cần bảo đảm đội ngũ nhân viên và tình nguyện viên có đủ kỹ năng và hiểu biết để đáp ứng các nhu cầu của sự kiện và chú ý nhiều hơn đến các chiến dịch truyền thông để tăng cường quảng bá về sự kiện và tạo thêm tính hấp dẫn cho các đại biểu quốc tế tham gia.

Tôn trọng đa dạng văn hóa

- Trong nội dung thảo luận, phiên về văn hóa mà cụ thể là “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” chiếm thời lượng lớn hơn hai phiên còn lại, cho thấy tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển cũng như sự quan tâm của Quốc hội với văn hóa. Ông có suy nghĩ như thế nào về chủ đề này?

Ông Bùi Hoài Sơn: Văn hóa ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển của thế giới. Sau khi chúng ta đã cơ bản vượt qua những nhu cầu cơ bản của con người, đời sống tinh thần dần quyết định chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của con người và cả thịnh vượng của quốc gia. Chính vì tầm quan trọng đó, chúng ta đã thấy sự dịch chuyển trọng tâm chú ý của cả thế giới đối với văn hóa.

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ Tư đã khiến cho tất cả quốc gia đều phải đối mặt với một xã hội số, kinh tế số, công dân số và văn hóa số, ở đó chứa đựng cả cơ hội, thuận lợi và thách thức, khó khăn cho việc bảo vệ các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Đó là lý do Quốc hội các nước đều mong muốn thiết lập hệ thống chính sách, luật pháp để tạo điều kiện, môi trường cho văn hóa phát triển, từ đó đem lại lợi thế cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Nghị sỹ trẻ chính là những người đóng vai trò quan trọng trong quá trình thảo luận và đưa ra những chính sách, phát luật này, vì thế, việc lựa chọn chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” thực sự rất phù hợp với ưu tiên chung của Quốc hội các nước và của Quốc hội Việt Nam.

Văn hóa phát triển sẽ đem lại lợi thế cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Văn hóa phát triển sẽ đem lại lợi thế cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Ông có kỳ vọng như thế nào về thành công của hội nghị? Liệu phía Việt Nam sẽ có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm gì với các nghị sỹ trẻ toàn cầu trong lĩnh vực văn hóa để giải quyết các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững?

Ông Bùi Hoài Sơn: Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của hội nghị. Điều này không chỉ đến từ sự chuẩn bị chu đáo, nhiệt tình của phía Việt Nam chúng ta mà còn ở chủ đề, cách thức thảo luận và thành phần tham gia thảo luận.

Về phía Việt Nam, chúng ta sẽ chia sẻ kinh nghiệm về quá trình Đảng và Nhà nước ta, nhất là của Quốc hội Việt Nam, trong việc đưa ra các quan điểm, chính sách và hành động cụ thể để bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa, để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Chúng ta cũng mong muốn nghị sỹ trẻ của các nước trao đổi thêm kinh nghiệm về hợp tác kỹ thuật số; phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển; cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa, tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững, trong quá trình giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu; phòng chống nạn buôn bán, vận chuyển trái phép tài sản văn hóa.

Đây cũng là cơ hội nhấn mạnh vai trò của kinh tế sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển hệ thống các thành phố thuộc Mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Diễn đàn Nghị sỹ Trẻ được thành lập trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) năm 2013.

Kể từ năm 2014, Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu được IPU tổ chức thường niên, được coi là nền tảng quan trọng để trao quyền cho các nhà lãnh đạo trẻ.

Mục đích của hội nghị là tăng cường vai trò của nghị sỹ trẻ và sự tham gia của thanh niên vào hoạt động nghị viện và đưa ra những khuyến nghị dưới góc nhìn của giới trẻ về các hoạt động cũng như nội dung nghị sự của IPU; xây dựng mạng lưới, đoàn kết và nâng cao năng lực, mở rộng cách tiếp cận của giới trẻ đối với các vấn đề cùng quan tâm.

Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, là một sự kiện đối ngoại đa phương rất quan trọng và là dấu ấn nổi bật của năm 2023.

Hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 14-17/9/2023 tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề: “Vai trò của Giới Trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo” bao gồm 3 chuyên đề: Chuyển đổi Số; Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo; Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Vào ngày 13/4, Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 gồm 23 người, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng ban, đã được thành lập theo Nghị quyết số 766/NQ-UBTVQH15 ngày 12/4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-nghi-sy-tre-toan-cau-co-hoi-thuc-day-hop-tac-quoc-te/894335.vnp
Zalo