Hội nghị khoa học về gen lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam
Ngày 15.4, Hội nghị khoa học về gen PRISM 2025 đã chính thức khai mạc tại TP Đà Nẵng, với sự tham dự của hàng trăm chuyên gia trong nước và quốc tế.
Lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam và lần thứ hai tại Đông Nam Á, PRISM 2025 là sáng kiến của hãng công nghệ sinh học PacBio – một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực giải trình tự gen, với sự đồng tổ chức của DKSH, tập đoàn có bề dày hơn 160 năm đồng hành cùng đổi mới tại châu Á.
PRISM 2025 được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối giúp các nhà nghiên cứu Việt Nam tăng cường giao lưu học thuật, tiếp cận công nghệ giải mã gen hiện đại, nghiên cứu bộ gen tiên tiến và mở rộng kiến thức chuyên môn toàn cầu.

Hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự hội nghị
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 15-16.4 với nhiều hoạt động nổi bật như: các bài thuyết trình chuyên sâu từ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học gen, hội thảo chuyên đề và triển lãm công nghệ, đặc biệt là giới thiệu các công nghệ giải trình tự gen mới nhất từ PacBio...
Chia sẻ tại sự kiện, bà Lyndsey Lam – Giám đốc Marketing khu vực hâu Á – Thái Bình Dương của PacBio – cho biết: “PRISM là sự kiện toàn cầu hàng đầu của chúng tôi, quy tụ chuyên gia và nhà nghiên cứu genomics từ khắp nơi trên thế giới. Việc tổ chức tại Việt Nam năm nay là cơ hội tuyệt vời để kết nối với cộng đồng khoa học tài năng tại đây”.
Theo đánh giá của PacBio, Việt Nam là quốc gia đang có tốc độ phát triển ấn tượng trong lĩnh vực khoa học gen với mức tăng trưởng trung bình 21–22%/năm trong giai đoạn 2019–2023.
Công ty này đã hỗ trợ nhiều viện nghiên cứu Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức về y tế và nông nghiệp bền vững, đồng thời đánh giá Việt Nam là điểm đến lý tưởng để hội tụ các quan điểm khoa học đa dạng trong khu vực.

Các chuyên gia quốc tế trình bày tại hội nghị
PRISM 2025 tại Đà Nẵng là sự kiện mở màn cho chuỗi hội nghị quy mô toàn cầu, với các điểm đến tiếp theo gồm Athens (Hy Lạp), San Francisco và Boston (Hoa Kỳ).
Bà Nguyễn Thị Tôn Cẩm Trâm, Tổng giám đốc DKSH Vietnam Business Unit Technology, nhận định: “Việc kết nối các nhà khoa học Việt Nam với công nghệ bộ gen hiện đại sẽ giúp họ phát triển thông qua hợp tác quốc tế, trao đổi kiến thức và cập nhật xu hướng giải trình tự tiên tiến nhất hiện nay”.