Hội nghị góp ý Dự thảo Nghị định về bảo vệ công trình điện lực
Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn lĩnh vực điện lực diễn ra chiều 30/12.
Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực
Chiều 30/12, tại Hà Nội, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực.
Sự kiện diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, đồng thời kết nối trực tuyến với các công ty điện lực tỉnh và các tổng công ty thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tham dự trực tiếp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định cùng đại diện các bộ, ngành, tổ chức liên quan và các chuyên gia trong lĩnh vực điện lực. Đại diện Sở Công Thương các tỉnh cùng tham gia tại các điểm cầu trực tuyến.
Mở đầu hội thảo, Ông Đinh Duy Phong, Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng An toàn Điện và Đập, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), đã tóm tắt các ý chính của bản dự thảo và đưa ra các điểm chính đề nghị các đại biểu tham gia góp ý cho bản dự thảo.
Nên bổ sung quy định chi tiết các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa
Tại hội thảo, đại diện Vụ An toàn đập – Tổng cục Thủy lợi đã đề xuất một số ý kiến liên quan đến việc quản lý an toàn hồ chứa thủy điện. Theo vị này, công tác quản lý cần được bổ sung nhiều quy định chi tiết hơn để đảm bảo hiệu quả.
Thứ nhất, trong phạm vi bảo vệ hồ chứa, hiện nay vẫn còn thiếu các quy định rõ ràng về các hoạt động diễn ra trong khu vực này. Việc bổ sung quy định pháp luật cụ thể là cần thiết để tăng cường hiệu quả quản lý và đảm bảo tính pháp chế.
Thứ hai, về hệ thống mốc bảo vệ, cần có hướng dẫn chi tiết hơn về mật độ, khoảng cách, cũng như quy cách cắm mốc. Đây là vấn đề quan trọng nhằm xác định rõ ràng phạm vi bảo vệ công trình, tránh các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa.
Thứ ba, quy trình vận hành hồ chứa cần được gắn với việc đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du. Đặc biệt, sau các sự cố thiên tai gần đây như bão Yagi, vấn đề này đã thu hút sự quan tâm lớn. Việc bổ sung các mốc cảnh báo lũ và quy định cụ thể trong quy trình vận hành là cần thiết để cải thiện công tác điều tiết và truyền thông trong cộng đồng.
Ngoài ra, vị đại diện này cũng nhấn mạnh vai trò của bản đồ lập phương án ứng phó khẩn cấp. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định rõ về trách nhiệm xây dựng và cập nhật bản đồ này. Việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chẳng hạn như các quy định chặt chẽ tại một số nước phát triển, có thể là hướng đi phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý.
Về công tác kiểm định, cần chuyển từ việc kiểm tra khả năng xả lũ sang tính toán, điều tiết nước và khả năng thoát lũ tại khu vực hạ du. Điều này sẽ giúp xác định rõ các yếu tố kỹ thuật cần thiết để đảm bảo an toàn tối đa trong các tình huống khẩn cấp.
Liên quan đến trách nhiệm báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước, cần làm rõ tần suất và thời điểm báo cáo giữa Sở Công Thương và Bộ Công Thương. Hiện nay, các quy định này chưa được nêu cụ thể, gây khó khăn trong việc thực hiện và giám sát.
Bổ sung một số thuật ngữ, thống nhất một số tên gọi
Đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ (Bộ Công An) cho biết, đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị định liên quan, đồng thời trình bày một số đề xuất cụ thể nhằm hoàn thiện nội dung.
Theo đó, về phần cơ sở pháp lý trong tờ trình dự thảo, ban soạn thảo cần tóm lược các nội dung liên quan từ luật hiện hành, thay vì trích dẫn nguyên văn. Việc này sẽ giúp tập trung hơn vào các điều khoản nghị định cần điều chỉnh.
Ngoài ra, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 16 liên quan đến an toàn điện, đại diện Bộ Công an đề xuất bổ sung cụm từ “và tiến hành cứu hộ” sau nội dung về nội quy phòng cháy chữa cháy. Điều chỉnh này nhằm đảm bảo tính đồng bộ với quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ mới ban hành.
Cũng trong dự thảo, Khoản 4, Điều 26 và Điều 27 liên quan đến các phương án tình huống khẩn cấp và bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện cần làm rõ quy trình thẩm định và phê duyệt. Đại diện đề nghị bổ sung quy định chi tiết về hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Đối với các phụ lục ban hành kèm nghị định, đại diện đề xuất chỉ cần ghi rõ “ban hành kèm theo nghị định số... của Chính phủ” thay vì liệt kê chi tiết từng nội dung. Điều này nhằm đảm bảo sự nhất quán với các quy định pháp luật hiện hành.
Về cách sử dụng thuật ngữ, đại diện Bộ Công an cũng đề nghị thống nhất tên gọi “tổ chức được ủy quyền” hoặc “cơ quan được ủy quyền” trong toàn bộ văn bản, tránh sự không đồng nhất.
Nên có cách diễn đạt linh hoạt một số quy định
Đại diện Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã đưa ra một số ý kiến góp ý về dự thảo quy định liên quan đến công tác vận hành hồ chứa thủy điện. Theo đại diện Viện Năng lượng, cần chú trọng hoàn thiện các quy định pháp lý, đảm bảo tính chính xác và phù hợp với thực tiễn vận hành để tăng cường hiệu quả quản lý, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai và các tình huống khẩn cấp ngày càng phức tạp.
Đại diện Viện Năng lượng nhấn mạnh việc cần điều chỉnh các quy định kỹ thuật trong dự thảo. Cụ thể, một số nội dung hiện tại sử dụng các con số cố định như khoảng cách an toàn điện, nhưng lại thiếu cơ sở thực tiễn và không phản ánh đúng các điều kiện thực tế. Thay vào đó, nên áp dụng cách diễn đạt linh hoạt, ví dụ như "không được nhỏ hơn giá trị tối thiểu".
Ngoài ra, còn tình trạng thiếu chính xác trong số liệu liên quan đến tính toán thủy văn và lưu lượng nước về hồ. Minh chứng rõ ràng là trường hợp nhà máy thủy điện Thác Bà, nơi mà các số liệu đo đạc không đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong công tác dự báo lũ và vận hành an toàn.
Một điểm đáng chú ý khác là các kịch bản ứng phó khẩn cấp trong dự thảo hiện chưa được làm rõ. Các tần suất lũ cần được xác định cụ thể, bao gồm cả những tình huống đặc biệt nguy hiểm. Việc này không chỉ giúp cơ quan chức năng chủ động ứng phó mà còn hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến vùng hạ du.
Trong bối cảnh nhiều công trình thủy điện được xây dựng theo hệ thống bậc thang, đại diện Viện Năng lượng đề xuất cần quy định rõ ràng về trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc tính toán đồng bộ. Việc này nhằm tránh hiện tượng "hiệu ứng domino", khi một công trình gặp sự cố có thể kéo theo ảnh hưởng toàn bộ hệ thống.
Đại diện Viện Năng lượng cũng bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt nguồn lực tài chính cho việc lập và triển khai phương án ứng phó thiên tai. Trong nhiều trường hợp, các địa phương phải tự vận động kinh phí, gây khó khăn cho công tác thực hiện. Do đó, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm tài chính và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc các tổ chức liên quan.
Đại diện Viện Năng lượng đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định chi tiết, đặc biệt là trong việc tính toán khả năng lũ và các kịch bản ứng phó khẩn cấp. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia và địa phương để đảm bảo tính khả thi khi đưa vào thực tiễn.
Đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong đào tạo, vận hành thực tế
Đại diện Trường Đại học Điện lực chia sẻ ý kiến góp ý liên quan đến dự thảo nghị định về an toàn điện và các quy trình vận hành, nhấn mạnh sự cần thiết của việc chỉnh sửa một số nội dung nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong đào tạo, vận hành thực tế.
Về các biện pháp bảo vệ an toàn tại trạm điện, ông đề nghị bổ sung rõ ràng các quy định liên quan đến cường độ điện trường cho cấp điện áp từ 220 kV trở lên. Đồng thời, đại diện Trường Đại học Điện lực nhấn mạnh cần thống nhất cách gọi thuật ngữ như “cánh quạt tuabin” nên chuyển thành “cánh quạt gió” hoặc “cánh tuabin gió” để phù hợp với cách dùng phổ biến.
Về khoảng cách an toàn điện, hiện chưa có quy định rõ ràng đối với hạ áp trong một số văn bản pháp lý, dù các tiêu chuẩn quốc tế đã đề cập. Đề nghị bổ sung quy định chi tiết về khoảng cách an toàn, đặc biệt trong các trường hợp bắt buộc sử dụng rào chắn trong quá trình vận hành không thể cắt điện.
Về thuật ngữ trong văn bản, lưu ý rằng cần thống nhất cách dùng giữa “công trình điện” và “công trình điện lực” trong toàn bộ văn bản.
Liên quan đến vận hành hồ chứa thủy điện, cần đánh giá tác động của các nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt hồ, vốn đang được nghiên cứu và triển khai. Bên cạnh đó là tầm quan trọng của việc bổ sung các quy định về điện mặt trời mái nhà, loại hình đang thu hút nhiều sự quan tâm và nghiên cứu nhưng chưa được đề cập trong dự thảo.
Bên cạnh đó, Đại diện Trường Đại học Điện lực bày tỏ quan ngại về sự mâu thuẫn giữa quy chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia, đề nghị làm rõ tính pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật để tránh xung đột khi áp dụng.
Đại diện Trường Đại học Điện lực kiến nghị, ban soạn thảo cần rà soát và bổ sung các quy định để đảm bảo tính đồng bộ, chính xác và thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu triển khai nghị định theo trình tự rút gọn đang rất gấp rút.
Bỏ một số nội dung không cần thiết, tránh sự chồng chéo
Về các hành vi vi phạm nêu trong nghị định, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), đề nghị loại bỏ những nội dung này vì đã được quy định trong luật, tránh sự chồng chéo và không cần thiết. Bên cạnh đó, nội dung liên quan đến an toàn công trình điện lực, như chiều cao tĩnh không theo cấp kỹ thuật công trình giao thông, cần được phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để đảm bảo đồng bộ và triển khai hiệu quả khi Nghị định được ban hành.
Đối với các quy định về xây dựng công trình trong hành lang an toàn, đại diện Vụ Pháp chế cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và quy định hiện hành, đồng thời lấy thêm ý kiến từ các đơn vị như EVN để hoàn thiện. Ngoài ra, việc chặt tỉa cây vi phạm khoảng cách an toàn cũng cần điều chỉnh hướng dẫn sao cho phù hợp với quy định của Luật Điện lực, tránh tình trạng xử lý thiếu đồng bộ hoặc không rõ ràng. Toàn bộ quy trình cần được thực hiện nhanh chóng, song song với việc tiếp thu và giải trình các ý kiến đóng góp để hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định. Đây là những nội dung quan trọng nhằm đảm bảo tính pháp lý và thực tiễn của Nghị định, đáp ứng yêu cầu triển khai kịp thời theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ông Trịnh Văn Thuận – Phó Cục trưởng Cục An toàn và Môi trường Công nghiệp đã có giải đáp cụ thể về vấn đề nối đất trong hệ thống điện của các công trình nhà ở, vấn đề an toàn công trình thủy điện, lập bản đồ ngập lụt,… Đồng thời ông cũng gửi lời cảm ơn đến các đại biểu và bày tỏ mong muốn nhận được thêm các ý kiến đóng góp để xây dựng dự thảo hoàn thiện hơn.
Kết luận tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp, cho biết, Tổ biên tập và Ban soạn thảo đã tiếp nhận 22 ý kiến đóng góp từ các đại biểu tham gia. Dựa trên các ý kiến này, ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo quy định, để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Ông Phạm Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, mong muốn tiếp tục nhận được góp ý từ các đại biểu để hoàn thiện hơn nữa nội dung dự thảo trong thời gian tới.
Quá trình soạn thảo Dự thảo Nghị định
Ngày 19/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1610/QĐ-TTg, giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng 7 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực, trong đó có Nghị định về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực. Việc xây dựng và ban hành Nghị định này được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhằm đảm bảo nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý.
Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định được thành lập theo Quyết định số 3286/QĐ-BCT ngày 13/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, với 30 thành viên đến từ các bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, cùng các tập đoàn lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Tổng công ty Điện lực.
Ngày 16/12/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực.
Quá trình soạn thảo Dự thảo Nghị định được thực hiện theo quy định pháp luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm nội dung đúng theo quan điểm xây dựng Nghị định.
Dưới đây là một số hình ảnh tại hội thảo: