Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, sáng 28/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương, 65 điều (giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ các điều 45, 56, 58, 59; bổ sung các điều 21, 40 và 64; sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 02 điều).
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu ý kiến của các vị ĐBQH để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật cũng đã được gửi xin ý kiến Chính phủ và báo cáo UBTVQH tại Phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 8/2024). Đến nay, về cơ bản dự thảo Luật không có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan và đã có sự thống nhất cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách tập trung thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào một số nội dung cơ bản sau: (1) về 11 vấn đề lớn trong Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) của Ủy ban Tư pháp; (2) các nội dung cụ thể trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) của UBTVQH gồm 42 trang gửi ĐBQH; (3) các vấn đề khác mà ĐBQH quan tâm.
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan đã giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) một cách nghiêm túc, nhiều nội dung trong dự thảo Luật đã được chỉnh sửa và hoàn thiện theo ý kiến của các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, đáp ứng được các yêu cầu, mục đích về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người.
Về cơ bản, các ý kiến nhất trí cao với nhiều nội dung đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trong Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cũng như dự thảo Báo cáo của UBTVQH.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, nhiều ý kiến ĐBQH tham gia góp ý liên quan đến giải thích từ ngữ. Để đảm bảo sự tương thích, dễ hiểu và bao quát hành vi mua bán người, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đề nghị Ban soạn thảo cũng như Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu lại về giải thích từ ngữ. Đồng thời đề nghị thiết kế lại, cụ thể như sau: “Mua bán người là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau:
Thứ nhất, chuyển giao hoặc tiếp nhận để giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Thứ hai, chuyển giao, tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Thứ ba, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại 2 vấn đề nêu trên”.
Góp ý về nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhận thấy, quy định về giải thích từ ngữ trong luật đã cung cấp một khung pháp lý chi tiết và cụ thể, giúp làm rõ các khái niệm liên quan đến mua bán người. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và thay đổi trong thủ đoạn phạm tội, đại biểu đề nghị cần xem xét một số định nghĩa sau: “Mua bán người”, “bóc lột tình dục”, “cưỡng bức lao động”, “lấy bộ phận cơ thể”…
Quan tâm đến các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, Điều 3 đã liệt kê chi tiết các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến mua bán người. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả và tính răn đe của pháp luật, cần bổ sung một số quy định vào dự thảo Luật. Cụ thể, bên cạnh các hành vi mua bán người và mua bán bào thai đã được quy định, cần bổ sung các quy định cấm việc “gây quỹ” hoặc “tài trợ” cho các hành vi mua bán người nhằm ngăn chặn nguồn tài chính cho các hoạt động phạm pháp này.
Ngoài việc cấm cưỡng bức và môi giới, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, cần xem xét bổ sung các quy định ngăn chặn việc “hợp pháp hóa” hoặc “che đậy” các hành vi này qua các kênh hợp pháp như môi giới hôn nhân quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Cùng với đó, quy định hiện tại về đe dọa và trả thù đã rất rõ ràng, nhưng cần mở rộng để bảo vệ “các tổ chức hỗ trợ nạn nhân” và “các tổ chức bảo vệ quyền con người” khỏi bị đe dọa hoặc trả thù, đảm bảo môi trường hoạt động an toàn cho các cá nhân và tổ chức đang làm việc trong lĩnh vực này. Ngoài các hành vi lợi dụng phòng, chống mua bán người để trục lợi đã được quy định, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần bổ sung thêm các biện pháp ngăn chặn việc lợi dụng các chương trình quốc tế hoặc quỹ viện trợ để trục lợi cá nhân….
Góp ý về việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội khác quy định tại Điều 47 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu rõ, dự thảo đang quy định giao Chính phủ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập các cơ sở này. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nên xem xét luật hóa nội dung này, đặc biệt là các quy định về điều kiện thành lập.
Liên quan đến việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu trong quá trình tiếp nhận, xác minh người đến trình báo là nạn nhân quy định tại Điều 27 của dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, khoản 1 Điều 27 dự thảo Luật quy định về việc Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận người đến khai báo có căn cứ cho rằng mình là nạn nhân theo quy định của Luật này. Tuy nhiên, để các địa phương có căn cứ, cơ chế thực hiện nhiệm vụ này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nên quy định giao HĐND cấp tỉnh quy định, bố trí kinh phí cho nhiệm vụ này. Ngoài ra, các chi phí về hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại nạn nhân, người đang trong giai đoạn xác minh là nạn nhân cũng nên giao cho HĐND địa phương quy định, bố trí trong khả năng ngân sách địa phương (có thể theo mức khung do Chính phủ quy định).
Cũng tại Hội nghị, thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện lãnh đạo Bộ Công an cảm ơn các ý kiến góp ý của các ĐBQH. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các ĐBQH tại Hội nghị này để hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới theo đúng tiến độ đề ra.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc của Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra, việc chuẩn bị Hồ sơ, tài liệu đầy đủ, có chất lượng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau Hội nghị này, UBTVQH sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra - Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của ĐBQH để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật; đồng thời gửi xin ý kiến chính thức của Chính phủ, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH để hoàn chỉnh Hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội nghị: