Hội nghị đa dạng sinh học COP16 kêu gọi đóng góp tài chính để bảo vệ thiên nhiên

Hội nghị Thượng đỉnh về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc lần thứ 16 (COP16) tại Colombia đã quy tụ gần 200 quốc gia, với mục tiêu chính là tìm ra giải pháp cấp bách để bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động hàng tỷ đô la nhằm ngăn chặn tình trạng tàn phá thiên nhiên đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Cuộc đàm phán chính thức đã bắt đầu vào thứ Hai vừa rồi.

Chủ tịch COP16 Susana Muhamad đã cảnh báo: "Hành tinh chúng ta sắp hết thời gian". Bà cũng nhấn mạnh rằng việc thiếu hụt nguồn tài chính đang là một trở ngại lớn trong cuộc chiến bảo vệ môi trường.

 Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc lần thứ 16 (COP16), tại Yumbo, Colombia vào ngày 21 tháng 10 năm 2024. Ảnh: Reuters

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc lần thứ 16 (COP16), tại Yumbo, Colombia vào ngày 21 tháng 10 năm 2024. Ảnh: Reuters

Hai năm trước, các quốc gia đã thông qua thỏa thuận Khung đa dạng sinh học Côn Minh-Montreal, đặt ra 23 mục tiêu đến năm 2030. Tại COP16, nhiệm vụ là tìm cách triển khai thỏa thuận, bao gồm việc huy động 200 tỷ đô la mỗi năm cho công tác bảo tồn.

Nhưng tại lễ khai mạc COP16, nhiều diễn giả đã bày tỏ lo ngại về việc quỹ mới chỉ huy động được hàng triệu đô la, thay vì mức hàng tỷ đô la như mong đợi.

Trong video vào đêm Chủ nhật, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã chỉ trích các đại biểu, nhấn mạnh rằng thế giới đang đi chệch hướng trong việc đạt các mục tiêu năm 2030. Ông kêu gọi cần có các khoản đầu tư mới đáng kể vào quỹ khung.

Nhà đàm phán hàng đầu của Brazil, Andre Correa do Lago, đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước tình trạng thiếu hụt nguồn vốn cho quỹ. Ông cho rằng điều này có thể cản trở việc đạt được các mục tiêu đã đề ra trong khuôn khổ.

 Sự sụt giảm đa dạng sinh học là một vấn đề cấp bách trên thế giới. Ảnh: Reuters

Sự sụt giảm đa dạng sinh học là một vấn đề cấp bách trên thế giới. Ảnh: Reuters

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các nước phát triển đã cam kết tăng đáng kể nguồn vốn hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển trong khuôn khổ bảo vệ đa dạng sinh học, từ 15,4 tỷ USD năm 2022 lên 20 tỷ USD hàng năm bắt đầu từ năm 2025.

Correa do Lago nhấn mạnh rằng khoảng cách tài chính cần được lấp đầy mà không làm gia tăng gánh nặng nợ nần cho các nước đang phát triển.

Muhamad đã nêu rõ rằng để COP16 được coi là thành công, cần hoàn thành một loạt mục tiêu trong chương trình nghị sự. Những mục tiêu này bao gồm đánh giá cam kết về đa dạng sinh học của các quốc gia, tăng cường sự tham gia của người bản địa trong các quyết định bảo tồn... và đặc biệt là vấn đề huy động tài chính.

Hà Trang (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoi-nghi-da-dang-sinh-hoc-cop16-keu-goi-dong-gop-tai-chinh-de-bao-ve-thien-nhien-post318027.html
Zalo