Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024 thành công tốt đẹp

Chiều 22/9, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư năm 2024, với chủ đề 'Bắc Ninh - Kinh Bắc, khởi sắc đầu tư''.

Hội nghị được tổ chức theo hình trực tiếp và trực tuyến tới các địa phương nước ngoài có quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Bắc Ninh; các Tập đoàn lớn quốc tế đang tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh và doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.

Điểm đến hấp dẫn

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh là vùng đất "địa linh nhân kiệt". Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Ninh đã đoàn kết, đột phá, năng động, đổi mới sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt những kết quả khá toàn diện.

Giai đoạn 1997 - 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân của Bắc Ninh đạt 14%/năm. Đặc biệt 10 năm qua, tỷ trọng kinh tế của tỉnh trong cơ cấu GDP toàn quốc đã tăng thêm 1% từ mức 2,3% năm 2011 lên 3,3% năm 2020, khẳng định vững chắc cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Bên cạnh những lợi thế, Bắc Ninh đang đối mặt với một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Cơ sở hạ tầng xã hội chưa phát triển xứng tầm với kinh tế. Nguy cơ ô nhiễm môi trường ở một số cụm công nghiệp và làng nghề. Kinh tế tư nhân phát triển chưa tương xứng với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặc biệt, với diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước (822,7 km2), Bắc Ninh không còn nhiều dư địa về lãnh thổ, quỹ đất để phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo cơ quan Trung ương, tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương thực hiện nghi thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo cơ quan Trung ương, tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương thực hiện nghi thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương

Xuất phát từ nhiệm vụ lập Quy hoạch đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 670 ngày 21/5/2020; qua nhiều lần tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia, lấy ý kiến các nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, cũng như ý kiến của các bộ, ngành Trung ương và thành viên Hội đồng thẩm định Quốc gia… Đến nay, Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1589, ngày 8/12/2023.

Trong giai đoạn quy hoạch, Bắc Ninh có thuận lợi là tỉnh có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; có dân số trẻ - lực lượng lao động năng động, năng suất và tay nghề cao; cửa ngõ kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; điểm kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với các đầu mối kinh tế trọng điểm như cửa khẩu, cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn (thứ 3 từ trái qua) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đào Quang Khải (thứ 3 từ phải qua) trao Quyết định quy hoạch phân khu cho các địa phương. Ảnh: Bacninh.gov.vn

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn (thứ 3 từ trái qua) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đào Quang Khải (thứ 3 từ phải qua) trao Quyết định quy hoạch phân khu cho các địa phương. Ảnh: Bacninh.gov.vn

Bên cạnh đó, Bắc Ninh luôn quan tâm, nỗ lực cải thiện các chỉ số điều hành và quản trị, kiến tạo nên các chính sách đầu tư thông thoáng. Ưu tiên doanh nghiệp sử dụng ít đất; ít lao động; vốn đầu tư cao; hiệu quả cao và hàm lượng công nghệ cao. Hiện Bắc Ninh là điểm đến hấp dẫn, an toàn của hàng trăm doanh nghiệp trong nước, hàng chục tập đoàn quốc tế đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ...

Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Bắc Nih trao Quyết định quy hoạch phân khu cho các địa phương và trao Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Biên bản ghi nhớ, thỏa thuận nguyên tắc cho các dự án đầu tư có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ USD.

3 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá chiến lược

Mục tiêu đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8% - 9%/năm; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng 72,7%; dịch vụ 21,7%; thuế sản phẩm 4%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,6%; GRDP bình quân đầu người 346,6 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu 50 tỷ USD; nhập khẩu 42 tỷ USD. Kinh tế số chiếm khoảng 35% trong GRDP; 100% số huyện và 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trên 98% trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%. Đảm bảo từ năm 2025 đạt 100% người dân có nước sạch sử dụng; 100% chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý theo quy định

Hiện thực hóa các mục tiêu trên, Bắc Ninh đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá phát triển, đó là: Tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành công nghiệp và dịch vụ; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển; chuyển đổi và thu hút đầu tư vào nhóm ngành mới.

Phấn đấu trước năm 2030 tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã: Quế Võ, Thuận Thành; 2 huyện: Lương Tài, Gia Bình.

Thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

6 đột phá phát triển được tỉnh Bắc Ninh đặt ra: Thứ nhất, nghiên cứu, đề xuất, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù để tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có những chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất kinh doanh, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông (đường sắt đô thị, giao thông ngầm; giao thông kết nối nội vùng, liên vùng).

Thứ ba, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.

Thứ tư, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, tiếp cận chuẩn mực của thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, vùng và cả nước

Thứ năm, thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng đội ngũ cán bộ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Bắc Ninh đưa ra 6 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư; nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; về môi trường, khoa học công nghệ; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn trao Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ảnh: Bacninh.gov.vn

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn trao Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ảnh: Bacninh.gov.vn

Đánh giá của các chuyên gia kinh tế, quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công cụ pháp lý quan trọng để Bắc Ninh hoạch định chính sách, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ mới, hướng tới mục tiêu: Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương, nơi người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách tốt nhất của cuộc sống.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Bắc Ninh và đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức hội nghị gọn nhẹ, thiết thực nhưng vẫn thu hút đông nhà đầu tư.

Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao việc Bắc Ninh khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh - Hải Dương và Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Quế Võ. Nghi lễ tổ chức khởi công được chuyển từ hình thức trực tiếp sang hình thức online. Toàn bộ kinh phí dự kiến khởi công do chủ đầu tư, doanh nghiệp bố trí để khởi công trực tiếp tại địa điểm hai dự án trên đã được dành để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại sau cơn bão số 3.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương có chiều dài tuyến khoảng 13,4km, do Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh (Sở Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư.

Với tổng kinh phí hơn 2.182 tỷ đồng, dự án xây dựng gồm cầu Kênh Vàng dài 740 m, rộng 23,5m được thiết kế quy mô vĩnh cửu, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực; phần đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài 12,6km, mặt đường rộng 15m. Vị trí xây dựng tại huyện Gia Bình, Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương).

Cầu Kênh Vàng được coi là biểu tượng cho sự phát triển và kết nối giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, không chỉ giúp hoàn thiện hạ tầng giao thông mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và nâng cao đời sống người dân hai tỉnh. Dự kiến, năm 2025 sẽ hợp long cầu Kênh Vàng, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh (1/1/1997-1/1/2027).

Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Quế Võ được xây dựng trên vị trí đất dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Quế Võ (phường Phượng Mao và phường Phương Liễu, thị xã Quế Võ), có tổng vốn đầu tư hơn 1.323 tỷ đồng. Dự án gồm 4 tòa nhà ở xã hội, mỗi tòa 12 tầng, tổng diện tích xây dựng hơn 100.000 m2 sàn, do Công ty TNHH Tùng Bách làm chủ đầu tư.

Dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2025, dự án sẽ cung cấp 914 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 3.000 người lao động có nhu cầu về nhà ở xã hội. Dự án góp phần giải quyết bài toán nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024 đã thành công tốt đẹp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tới tỉnh Bắc Ninh 16 chữ ý nghĩa là: Khai phá tiềm năng, khẳng định chính mình, kiên định mục tiêu, kiến tạo thịnh vượng.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-nghi-cong-bo-quy-hoach-va-xuc-tien-dau-tu-tinh-bac-ninh-nam-2024-thanh-cong-tot-dep-347533.html
Zalo