Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46: Bệ phóng hợp tác kinh tế giữa bất ổn toàn cầu
Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 46 khai mạc tại Malaysia nhắm đến mục tiêu khai thác cơ hội hợp tác trong và ngoài khối giữa lúc kinh tế toàn cầu nhiều biến động.
Trong hai ngày 26 và 27-5 tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) diễn ra Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 46 với trọng tâm tăng cường hội nhập và nâng cao khả năng chống chịu của khu vực trước những gián đoạn về thương mại và kinh tế.
“Bao trùm và bền vững”
Với chủ đề “Bao trùm và bền vững”, tại hội nghị năm nay 10 quốc gia thành viên ASEAN tập trung thảo luận các vấn đề trọng tâm của khu vực, bao gồm hợp tác kinh tế, an ninh và phát triển bền vững, theo kênh Channel News Asia (CNA).
Phát biểu tại lễ khai mạc phiên toàn thể, Thủ tướng Malaysia - ông Anwar Ibrahim kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN cùng hợp tác trước những thách thức do trật tự thế giới đang thay đổi, nhằm bảo đảm chương trình phát triển bền vững và công bằng không bị gạt ra bên lề.

Thủ tướng Malaysia - ông Anwar Ibrahim phát biểu tại lễ khai mạc phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 26-5. Ảnh: BAN THƯ KÝ ASEAN
“Đối với ASEAN, hòa bình, ổn định và thịnh vượng của chúng ta từ lâu phụ thuộc vào một trật tự quốc tế cởi mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, được củng cố bằng dòng chảy tự do của thương mại, vốn và con người” - ông Anwar nói.
“Thực tế cho thấy một cuộc chuyển dịch trong trật tự địa chính trị đang diễn ra và hệ thống thương mại toàn cầu tiếp tục bị áp lực, với việc Mỹ mới đây đơn phương áp thuế. Chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy trong bối cảnh chúng ta chứng kiến chủ nghĩa đa phương đang rạn nứt từng mảnh” - thủ tướng Malaysia nói thêm.
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết hội nghị cấp cao ASEAN năm nay sẽ bao gồm sự kiện ký kết văn kiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và một số kế hoạch chiến lược mới.
“Tôi chắc chắn rằng Myanmar là một vấn đề được quan tâm vì các diễn biến đang diễn ra tại quốc gia này, bao gồm cả trận động đất 7,7 độ richter vừa qua và cách mà ASEAN đã phản ứng, cả tập thể lẫn từng quốc gia thành viên, đối với trận động đất đó, cũng như các diễn biến bên trong Myanmar. Một vấn đề khác, tất nhiên, là các cuộc đàm phán đang diễn ra về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Cả hai bên - tức là Trung Quốc và ASEAN - đều cam kết sẽ hoàn tất các cuộc đàm phán này vào năm sau” - ông Hourn nói.
Hơn 6.000 cảnh sát đã được triển khai tại các sân bay, khách sạn và trung tâm hội nghị để đảm bảo an ninh cho Hội nghị Cấp cao ASEAN năm nay.
Trông chờ thượng đỉnh ASEAN-GCC-Trung Quốc
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 diễn ra đồng thời với hội nghị cấp cao lần thứ hai giữa ASEAN và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), cũng như hội nghị cấp cao chung đầu tiên giữa GCC và Trung Quốc. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các nước vùng Vịnh và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Theo giới quan sát, dù không phải là lần đầu tiên ASEAN tham gia hợp tác ba bên, nhưng hợp tác ASEAN-GCC-Trung Quốc là lần đầu tiên ghi nhận hợp tác ở quy mô lớn như vậy và có thể đánh dấu sự hình thành của một “tam giác chiến lược” mới.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-GCC lần đầu tiên được tổ chức tại Saudi Arabia vào năm 2023, nơi hai khối đã vạch ra chương trình nghị sự 5 năm và thống nhất tổ chức hội nghị thượng đỉnh định kỳ hai năm một lần, luân phiên giữa khu vực GCC và ASEAN.
Tuyên bố chung tại hội nghị khi đó nhất trí “tăng cường dòng chảy thương mại và đầu tư”, tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng bền vững, hóa dầu, nông nghiệp, sản xuất, y tế, kết nối và số hóa.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21-5, Thủ tướng Malaysia Anwar cho biết các quốc gia GCC có quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc và hiện đang “thực sự hướng trọng tâm sang ASEAN”.
“Vì vậy, chúng tôi nghĩ nên tận dụng dịp này để xây dựng một số dự án có sự tham gia của một vài nước – ở cấp độ tiểu vùng hoặc toàn khu vực. Có thể sẽ có một quỹ hỗ trợ, để chúng ta cùng hợp tác” - ông Anwar nói.
Bà Sharon Seah – chuyên gia cao cấp và điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) nhận định rằng hội nghị ASEAN-GCC-Trung Quốc là lần đầu tiên một hội nghị liên khu vực của ASEAN mở rộng để bao gồm một đối tác đối thoại.
“Hội nghị ASEAN-GCC mới chỉ họp một lần trước đây, nên vẫn chưa định hình được nhịp độ và cách thức đối thoại ổn định. Sự chuyển hướng từ định dạng song phương truyền thống sang định dạng ba bên khiến việc xây dựng chương trình nghị sự trở nên đa dạng hơn” - theo bà Seah.
Theo CNA, Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các nước thành viên ASEAN và GCC nhằm tăng cường các đối tác cùng có lợi và bảo vệ quyền phát triển hợp pháp của tất cả các bên. Sự hiện diện dự kiến của Thủ tướng Lý Cường tại hội nghị được đánh giá là sự tái khẳng định mối quan tâm chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á.
Hợp tác kinh tế ASEAN giữa căng thẳng thương mại toàn cầu

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại phiên họp toàn thể của Hội nghị Cấp cao ASEAN ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 26-5. Ảnh: BAN THƯ KÝ ASEAN
Hội nghị Cấp cao ASEAN năm nay diễn ra trong bối cảnh các mức thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump dù đã tạm hoãn nhưng vẫn đang phủ bóng lên các nền kinh tế trên toàn cầu.
Các quốc gia thành viên ASEAN bị mức thuế đối ứng của Mỹ dao động từ 10% đến 49% và đã nhanh chóng khởi động đàm phán riêng rẽ với Washington.
Trong nội bộ ASEAN, Malaysia dự kiến sẽ kêu gọi các quốc gia thành viên đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, giảm bớt xu hướng bảo hộ và cam kết “xóa bỏ mạnh mẽ” các rào cản phi thuế quan giữa các nước thành viên, theo bà Sharon Seah.
Ngoài ra, Malaysia cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đẩy nhanh việc thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cũng như khuyến khích triển khai Hiệp định Khung Kinh tế Số (DEFA) như một đối trọng kinh tế số, theo ông Jamil Ghani - nghiên cứu sinh TS tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (Singapore).
Đối với hợp tác ngoại khối, bên cạnh Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh, bà Seah cho rằng với vai trò Chủ tịch ASEAN, Malaysia có thể thảo luận về việc mở rộng thành viên của RCEP để bao gồm thêm các đối tác thương mại lớn của ASEAN như Anh và Liên minh châu Âu.
Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia - ông Tengku Zafrul Abdul Aziz ngày 20-5 cho biết ASEAN đang tìm cách mở rộng thành viên của RCEP và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thủ tướng Phạm Minh Chính: ASEAN cần 'trước sau như một' kiên định con đường đối thoại, hợp tác, đoàn kết và tự cường
Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị cấp cao liên quan khác, chiều 26-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo các nước ASEAN và Timor-Leste dự phiên họp hẹp trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, theo Báo Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với đánh giá của các nước về tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng và phức tạp với xu hướng phân cực về chính trị, phân tách về kinh tế, phân mảnh về thể chế và phân hóa về phát triển. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh và sáng suốt để chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả với mọi biến động của tình hình.
Thủ tướng nhấn mạnh, ASEAN, trước sau như một, cần kiên định con đường đối thoại thay cho đối đầu, hợp tác thay cho cạnh tranh, đoàn kết thay cho chia rẽ và tự cường thay cho phụ thuộc. Hơn lúc nào hết, ASEAN cần củng cố đoàn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm, duy trì quan hệ cân bằng với các nước lớn thông qua tận dụng hiệu quả các cơ chế sẵn có của ASEAN.
Chia sẻ quan ngại về những tác động của điều chỉnh chính sách thuế quan lên các quốc gia, trong đó có ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là cơ hội để ASEAN phát huy tự chủ, tự cường, tái cấu trúc quan hệ thương mại; ASEAN cần ưu tiên củng cố nội lực và mở rộng không gian hợp tác thông qua việc tăng cường thương mại, đầu tư nội khối, khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu dùng nội khối, kết nối năng lượng và giao thông để tạo thuận lợi lưu chuyển hàng hóa.