Hội nghị Cấp cao ASEAN 2025 dưới góc nhìn của Giáo sư Carl Thayer

Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc Malaysia chọn chủ đề 'Bao trùm và Bền vững' cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của mình nhằm truyền tải thông điệp là sẽ đưa nhu cầu và lợi ích của tất cả 10 quốc gia thành viên vào các cuộc thảo luận chính sách và chương trình 'Xây dựng Cộng đồng ASEAN'.

Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia.

Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2025, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, cho rằng việc Malaysia chọn chủ đề “Bao trùm và Bền vững” cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của mình nhằm truyền tải thông điệp là sẽ đưa nhu cầu và lợi ích của tất cả 10 quốc gia thành viên vào các cuộc thảo luận chính sách và chương trình “Xây dựng Cộng đồng ASEAN”, qua đó mở ra giai đoạn mới sau năm 2025 về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường.

Giáo sư Carl Thayer nhắc lại, vào tháng 1/2025, Thông cáo báo chí sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã xác định các ưu tiên của nước Chủ tịch ASEAN năm 2025 là thúc đẩy tầm nhìn chung của khối về một Cộng đồng ASEAN kiên cường, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới tương lai, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kết nối khu vực, tăng cường khả năng phục hồi của hiệp hội.

Chương trình “Xây dựng Cộng đồng ASEAN” dựa trên 3 trụ cột về kinh tế, chính trị - an ninh và văn hóa - xã hội. Mỗi trụ cột đều có Kế hoạch chiến lược và Kế hoạch chi tiết, mà theo dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Việc thông qua các Kế hoạch chiến lược mới cho giai đoạn 2026 - 2030 cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) sẽ là các ưu tiên trong chương trình nghị sự và nằm trong khuôn khổ “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045: một ASEAN kiên cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm”.

Ngoài ra, ASEAN sẽ giải quyết 3 vấn đề cấp bách, bao gồm sự biến động trong hệ thống thương mại toàn cầu; cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar và các biện pháp để đạt được “Đồng thuận 5 điểm” của ASEAN; và đơn xin gia nhập ASEAN được Timor-Leste đệ trình từ lâu.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc xây dựng cộng đồng ASEAN là một quá trình liên tục. Hội nghị Cấp cao lần thứ 46 của ASEAN sẽ tiến hành đánh giá cuối kỳ đối với mỗi kế hoạch tổng thể của 3 trụ cột cho năm 2025 (AEC, APSC và ASCC), dồng thời thông qua các kế hoạch tổng thể mới cho năm 2026. Tuy nhiên, theo quan sát của Giáo sư, tiến độ sẽ không đồng đều. Ví dụ, ASEAN sẽ chuyển giao trách nhiệm điều phối các vấn đề liên quan đến các trụ cột từ cuộc họp tham vấn chung sang Ủy ban đại diện thường trực để giải quyết các khoảng trống. Việc này sẽ mất thời gian để thực hiện.

Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng danh sách của ASEAN đang ngày càng dài vì các dự án trong 3 trụ cột tiến triển quá chậm. Thỏa thuận khung ASEAN về hợp tác sở hữu trí tuệ cần được sửa đổi và nâng cấp. Ngoài ra, cần đẩy nhanh mốc thời gian cụ thể cho việc kết nối khu vực theo Lưới điện ASEAN, Lộ trình về Tiêu chuẩn thương mại số, Kế hoạch chiến lược kết nối ASEAN và Kế hoạch hành động ASEAN trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều vấn đề khác đang chững lại và cần được quan tâm như Hiệp ước dẫn độ ASEAN; các mẫu biểu về hỗ trợ tư pháp lẫn nhau trong các vấn đề hình sự của ASEAN; việc có nên thành lập Hội nghị/Cơ quan/Thực thể Tổng công tố viên ASEAN hay không; dự thảo Hướng dẫn trao đổi thông tin về dữ liệu thương mại điện tử; dự thảo Hướng dẫn đầu tư bền vững của ASEAN; Hiệp định khung kinh tế số ASEAN; Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh; Kế hoạch thực hiện kinh tế xanh (2026-2030); nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN; thành lập và vận hành Trung tâm ASEAN về các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và các bệnh mới nổi; hoàn thiện Báo cáo ASEAN về sự tham gia và lãnh đạo chính trị của phụ nữ.

Giáo sư Carl Thayer lưu ý rằng việc phê duyệt thành lập Trung tâm ASEAN về biến đổi khí hậu và Trung tâm điều phối ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới đã bị trì hoãn bởi một số thành viên chưa ký kết các thỏa thuận cần thiết.

Nhận định về vai trò của Hội nghị Cấp cao ASEAN 2025 trong việc thúc đẩy vị thế của ASEAN trong khu vực và thế giới, cũng như đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu, Giáo sư Carl Thayer cho rằng các quốc gia thành viên ASEAN hoàn toàn ủng hộ Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và liên tục nhấn mạnh vai trò trung tâm của khối trong cấu trúc an ninh khu vực. Các đối tác đối thoại của ASEAN cũng đã xác nhận 4 lĩnh vực ưu tiên của AOIP gồm hợp tác hàng hải, kết nối hợp tác kinh tế và phát triển bền vững.

Đánh giá về triển vọng quan hệ ASEAN - Australia trong tương lai, đặc biệt là sau Hội nghị Cấp cao ASEAN 2025, Giáo sư Carl Thayer cho rằng Australia và ASEAN đã có Kế hoạch hành động (2025-2029), bao gồm nhiều hoạt động hợp tác trong 3 trụ cột của ASEAN. Ví dụ, Australia đóng góp vào trụ cột APSC thông qua hợp tác về an ninh hàng hải, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, rà phá bom mìn, tội phạm mạng và tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, nghị định thư gần đây về Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) cung cấp khuôn khổ hợp tác để giảm thiểu tác động từ chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump với trọng tâm là thương mại và thuế quan. Ngoài ra, Australia và ASEAN có thể hợp tác với tư cách là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để xóa bỏ rào cản thương mại và thúc đẩy chuỗi cung ứng linh hoạt.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng Australia sẽ tăng cường hỗ trợ các cơ chế do ASEAN lãnh đạo, đặc biệt là Diễn đàn Đông Á, nơi đối thoại giữa các nguyên thủ quốc gia và chính phủ có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Ngoài ra, Australia sẽ ủng hộ mạnh mẽ Diễn đàn Khu vực ASEAN chuyển sang giai đoạn phát triển thứ hai, đó là ngoại giao phòng ngừa.

Bài và ảnh: Thanh Tú (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/hoi-nghi-cap-cao-asean-2025-duoi-goc-nhin-cua-giao-su-carl-thayer-20250525165327691.htm
Zalo