Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Công Thương năm 2025

Chiều ngày 8/1, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năm 2025.

Hội nghị đã bầu ra Đoàn chủ tịch bao gồm Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương Nguyễn Minh Huệ và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Quang Huy.

Hội nghị bầu Đoàn chủ tịch. Ảnh: Cấn Dũng

Hội nghị bầu Đoàn chủ tịch. Ảnh: Cấn Dũng

Đoàn chủ tịch hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Đoàn chủ tịch hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Trình bày Báo cáo tổng kết, kiểm điểm công tác chỉ đạo, lãnh đạo việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương; việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ công chức năm 2023 và việc thực hiện Quy chế dân chủ của Bộ năm 2024, ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - cho hay, năm 2024 là năm bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, việc triển khai cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng nhất định tới các nước thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư FDI như Việt Nam.

Trước bối cảnh nêu trên, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo ngành Công Thương năm 2024 thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại. Cùng với sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã cơ bản đạt được mục tiêu phát triển của năm 2024.

Cụ thể, quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, giữ vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế. Dự kiến cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 8%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7-8%).

Một số ngành công nghiệp xuất khẩu (dệt may, da giày, điện tử…) đã cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Nhiều mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới.

Hoạt động xuất khẩu đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỷ USD (ước đạt 783 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD), vượt hơn 100 tỷ USD so với mức 681 tỷ USD của năm 2023.

Ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Bên cạnh đó, thị trường trong nước tiếp tục tăng trưởng cao, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm, hàng hóa dồi dào, thị trường ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Nhiều giải pháp điều tiết cung cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường đã được Bộ Công Thương tích cực triển khai. Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương, doanh nghiệp triển khai tích cực từ sớm với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu khá bình ổn.

Hoạt động xúc tiến thương mại, bảo vệ người tiêu dùng, phòng vệ thương mại, quản lý thị trường; hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường ngoài nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Đáng chú ý, công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai quyết liệt. Bộ Công Thương là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng Kế hoạch triển khai nhiệm vụ liên quan đến thủ tục hành chính nội bộ và xây dựng danh mục thủ tục hành chính nội bộ tại Bộ; tích cực trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại Nghị quyết 100/NQ-CP; thực thi phương án phân cấp thủ tục hành chính tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg; là đơn vị đi đầu trong việc rà soát, tiến tới cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, tạo thuận lợi cho người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng được duy trì thường xuyên, gắn đào tạo bồi dưỡng với quy hoạch cán bộ và vị trí việc làm... Hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngành Công Thương đã tích cực khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, bám sát kế hoạch, chỉ tiêu được giao, nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội…

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. Ảnh: Cấn Dũng

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. Ảnh: Cấn Dũng

Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức và người lao động

Theo ông Trần Quang Huy, căn cứ quy định tại Luật số 10/2022/QH15 về thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư số 01/2016/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 04, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã lãnh đạo xây dựng ban hành và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ quan Bộ năm 2024, phát huy quyền làm chủ của cán bộ đảng viên, công chức và người lao động.

Năm qua, Đảng ủy Bộ định kỳ làm việc với các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cơ quan để lắng nghe báo cáo tình hình hoạt động và có ý kiến lãnh đạo chỉ đạo, nhằm phát huy tối đa sức mạnh của các tổ chức đoàn thể, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng; xây dựng tinh thần đoàn kết.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong quan hệ với công dân và các cơ quan, tổ chức ngoài cơ quan Bộ; sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực và yêu cầu đổi mới; cải tiến cách thức làm việc theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch; quan tâm tạo điều kiện để cán bộ, công chức phát huy quyền dân chủ của mình, tôn trọng và lắng nghe ý kiến đề xuất của cán bộ, công chức trong xử lý giải quyết công việc...

Công tác tiếp công dân, đối thoại luôn được lãnh đạo Bộ coi trọng, quan tâm chỉ đạo kịp thời nên đã được thực hiện tốt và nghiêm túc. Bộ phận tiếp công dân được bố trí phân công nhiệm vụ chuyên trách, được chỉ đạo bởi cán bộ đang là lãnh đạo cấp vụ, có kinh nghiệm, năng lực tốt.

Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Công Thương năm 2025. Ảnh: Cấn Dũng

Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Công Thương năm 2025. Ảnh: Cấn Dũng

Theo Quy chế tiếp công dân của Bộ và đăng tải lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, cụ thể: Bộ trưởng tiếp công dân 1 tháng 1 lần vào thứ 6 (tuần thứ ba của tháng). Nếu trùng thời gian Bộ trưởng đi công tác, lịch tiếp công dân sẽ được bố trí vào thời gian thích hợp. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng sẽ bố trí tiếp công dân ngoài lịch định kỳ; thanh tra Bộ Công Thương chủ trì tiếp công dân từ thứ 2 - thứ 6 hàng tuần.

"Đáng chú ý, trong năm 2024, đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị gặp gỡ, trao đổi, đối thoại giữa Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ nhằm lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ công nhân viên chức, qua đó có giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, các chính sách tốt đãi ngộ, trọng dụng người tài, đề ra hướng giải quyết dứt điểm đối với những vấn đề nổi cộm trong Bộ" - ông Trần Quang Huy chia sẻ.

10 nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Bộ đề ra trong Chương trình công tác năm 2025, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đề nghị các cơ quan trong Bộ và cán bộ, viên chức, người lao động cần tập trung thực hiện tốt một số công tác trọng tâm:

Thứ nhất, hàng năm, căn cứ vào nội dung Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từng đơn vị trong cơ quan Bộ phải cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị mình; tổ chức quán triệt, động viên cán bộ, công chức trong đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao; gắn với yêu cầu thường xuyên đôn đốc, giám sát kết quả công tác của từng cá nhân và tập thể.

Thứ hai, kiện toàn về công tác tổ chức cán bộ; sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức các đơn vị thuộc diện hợp nhất, sáp nhập đảm bảo đúng quy định theo Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Trung ương.

Thứ ba, thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch về cải cách hành chính, trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đổi mới mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức. Công khai, minh bạch hoạt động quản lý, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. Ảnh: Cấn Dũng

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. Ảnh: Cấn Dũng

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kết hợp với việc rà soát và bổ sung, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường công tác theo dõi, quản lý, kiểm tra giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch được phê duyệt.

Thứ năm, thường xuyên quán triệt, động viên cán bộ, công chức trong toàn cơ quan thực hiện nghiêm túc Chuẩn mực đạo đức trong thực thi công vụ, tăng cường văn minh công sở; vận động gia đình và người thân thực hiện tốt các quy định tại nơi cư trú.

Thứ sáu, thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, từng đơn vị, cá nhân phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công. Động viên, khen thưởng kịp thời đơn vị và cá nhân có thành tích trong việc tiết kiệm, hiệu quả tài sản công, đồng thời xử lý những trường hợp do thiếu tinh thần trách nhiệm gây lãng phí hoặc thiệt hại tài sản công (tùy theo mức độ để xử lý hành chính hoặc bồi thường bằng vật chất).

Thứ bảy, mỗi đơn vị, cá nhân cần phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện nghiêm túc Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Cơ quan Bộ Công Thương.

Thứ tám, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo và quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương.

Thứ chín, thực hiện tốt các quy định mới của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ; công tác đào tạo bồi dưỡng hoàn thành kế hoạch năm 2025; góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công chức.

Thứ mười, tiếp nhận, giải quyết kịp thời những đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy trình.

Tại Hội nghị lần này, lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ giải đáp nhiều ý kiến, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; bàn biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống cho cán bộ công chức viên chức và người lao động; bầu Ban Thanh tra nhân dân; phát động phong trào thi đua năm 2025; ký kết giao ước thi đua…

Thanh Tâm - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-nghi-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-nguoi-lao-dong-bo-cong-thuong-nam-2025-368558.html
Zalo