Hội nghị An ninh Munich: Bước ngoặt quan trọng với quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Hội nghị An ninh Munich năm nay phản ánh những thay đổi lớn trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu. Khi mối quan hệ đồng minh lâu dài đối mặt với thách thức lớn, liệu châu Âu có thể tự bảo vệ an ninh và tìm ra hướng đi mới cho tương lai của mình?

Cảnh sát gác bên ngoài Khách sạn Bayerischer Hof ở Munich, Đức, nơi diễn ra Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 61, ngày 14/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh sát gác bên ngoài Khách sạn Bayerischer Hof ở Munich, Đức, nơi diễn ra Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 61, ngày 14/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Hội nghị An ninh Munich (MSC) năm nay chứng kiến biến động lớn trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, với những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đồng minh lâu đời này có thể đang bước vào một giai đoạn mới đầy thách thức.

Theo nhận định của nhà phân tích Giuseppe Spatafora tại Viện Nghiên cứu An ninh Liên minh châu Âu (EUISS) ngày 17/2, MSC thường là dịp để Mỹ tái khẳng định cam kết với châu Âu và NATO. Tuy nhiên, hội nghị năm nay lại mang một màu sắc hoàn toàn khác, có thể đánh dấu thời điểm Mỹ bắt đầu quá trình rời xa châu Âu.

MSC năm nay có thể là một bước ngoặt, với tiếng chuông cảnh báo lại đến từ bên kia Đại Tây Dương. Chỉ một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, chính quyền mới đã có những động thái gây lo ngại như áp đặt thuế quan đối với nhiều quốc gia, bao gồm cả các đồng minh châu Âu, thậm chí còn có những phát ngôn về việc kiểm soát lãnh thổ của các đồng minh như Canada và Đan Mạch.

Bài phát biểu gây tranh cãi

Tâm điểm của hội nghị MSC 2025 là bài phát biểu được đánh giá là gây chấn động của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. Thay vì tập trung vào các thách thức từ Nga hay Trung Quốc, ông Vance lại cho rằng châu Âu đang phải đối mặt với "mối đe dọa từ bên trong". Ông cáo buộc EU và các chính phủ quốc gia thành viên về việc kiểm duyệt và phớt lờ những yêu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là trong vấn đề di cư bất hợp pháp.

Đáng chú ý, Phó Tổng thống Vance còn công khai ủng hộ các đảng chống EU và có cuộc gặp với lãnh đạo đảng cực hữu Alternative für Deutschland (AfD) của Đức. Ông cũng chỉ trích Romania về vấn đề bầu cử và cáo buộc EU hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Song song với MSC, một loạt các sự kiện khác càng làm tăng thêm lo ngại về tương lai quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin liên quan đến đàm phán hòa bình cho Ukraine - điều đáng nói là chưa chắc chắn có sự tham gia của các đối tác châu Âu.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã công bố các kỳ vọng của Washington về thỏa thuận này, trong đó có việc Ukraine phải từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO. Đặc biệt, các nước châu Âu sẽ phải cung cấp lực lượng thực thi thỏa thuận mà không được bảo đảm theo Điều 5 của NATO.

Theo báo cáo trước hội nghị, sự trở lại của Tổng thống Trump đã chấm dứt sự đồng thuận về chính sách đối ngoại hậu Chiến tranh Lạnh của Mỹ, vốn cho rằng chiến lược chủ nghĩa quốc tế tự do sẽ phục vụ tốt nhất cho lợi ích của Mỹ. Điều này thể hiện rõ qua bài phát biểu của Phó Tổng thống Vance, khi ông hầu như không đề cập đến liên minh châu Âu-Bắc Mỹ hay các mối đe dọa chung.

Đặc biệt, vài tháng trước, ông Vance từng lập luận rằng nếu EU quản lý các công ty công nghệ do tỷ phú Elon Musk sở hữu, Mỹ nên giảm các cam kết an ninh của mình đối với NATO. Điều này cho thấy các đảm bảo an ninh có thể trở thành con bài mặc cả trong các vấn đề khác.

Tổng thống Ukraine Zelensky, trong bài phát biểu tại Munich, đã cảnh báo: "Chúng ta không thể loại trừ khả năng Mỹ có thể nói 'không' với châu Âu về các vấn đề đe dọa đến họ".

Phản ứng trước tình hình này, các nhà lãnh đạo châu Âu đã có những động thái quyết liệt. Chủ tịch Ủy ban EU von der Leyen kêu gọi áp dụng điều khoản khẩn cấp trong các hiệp ước EU để cho phép các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng. Tổng thống Pháp Macron đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris để thảo luận về lập trường chung đối với các cuộc đàm phán sắp tới về Ukraine và phương án bù đắp cho các đảm bảo an ninh của Mỹ.

Nhưng thách thức lớn nhất đối với châu Âu là việc chuyển hóa những phản ứng ban đầu thành hành động cụ thể. Lịch sử cho thấy châu Âu thường né tránh việc tự chịu trách nhiệm về an ninh của mình. Các rào cản về ngân sách trong nước, sự chia rẽ nội bộ và niềm tin rằng Mỹ sẽ luôn ủng hộ đã cản trở những quyết định đầy tham vọng.

Với những diễn biến tại MSC năm nay, có thể thấy quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang bước vào một giai đoạn mới đầy thử thách. Điều này đòi hỏi châu Âu phải có những điều chỉnh chiến lược quan trọng để đảm bảo an ninh và lợi ích của mình trong bối cảnh mới.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo aa.com.tr/en)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/hoi-nghi-an-ninh-munich-buoc-ngoat-quan-trong-voi-quan-he-xuyen-dai-tay-duong-20250217211538873.htm
Zalo