Hội nghị ACT+1 lần thứ 38: Thúc đẩy hạnh phúc học đường và sự bền vững trong giáo dục
Hơn 900 đại biểu từ 9 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tham dự hội nghị thường niên Hội đồng giáo chức ASEAN + Hàn Quốc (ACT+1) lần thứ 38, diễn ra từ ngày 6-8/9 tại Khách sạn Berkeley Pratunam ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Đoàn Việt Nam do Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt, dẫn đầu dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Amonwan Werathummo, Tổng thư ký Hội đồng giáo chức Thái Lan, cho biết với chủ đề “Thúc đẩy hạnh phúc học đường và sự bền vững trong giáo dục”, hội nghị năm nay đề ra 3 mục tiêu quan trọng là hợp tác trong việc thúc đẩy tri thức và hiểu biết lẫn nhau liên quan đến triết lý và hoạt động của ASEAN cũng như tinh thần và văn hóa của người dân ASEAN; Thúc đẩy và hợp tác trong các nước ASEAN tham gia các dự án và chương trình cùng có lợi liên quan đến nhà giáo, khoa học giáo dục và văn hóa; Hỗ trợ các thành viên phát triển các hoạt động giáo dục tập trung vào việc thúc đẩy mục tiêu và lý tưởng của ASEAN.
Tiến sĩ Amowan nhấn mạnh chủ đề này cũng rất gần gũi với chính sách “Học tập hạnh phúc” của Bộ Giáo dục Thái Lan, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo sự hài lòng giữa học sinh, giáo viên và phụ huynh cũng như thúc đẩy sự bền vững lâu dài.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Bangkok về chủ đề của hội nghị năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân cho biết: “Giáo dục bền vững bắt nguồn từ học tập tích cực, thoải mái và hạnh phúc của học sinh là một chủ đề cần thiết đối với nền giáo dục của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới". Ông Ân nhấn mạnh một môi trường học tập mà ở đó cả người dạy và người học đều hạnh phúc sẽ mang lại hạnh phúc cho xã hội và đây là đích hướng tới của một nền giáo dục hiện đại.
Trong phiên thảo luận, các đoàn đã trình bày nhiều tham luận có giá trị xung quanh chủ đề hội nghị, cụ thể như tham luận “Phương pháp tiếp cận đổi mới trong dạy và học thông qua tích hợp công nghệ số” của Brunei, “Giáo dục bền vững: Quản trị bình đẳng và kiến thức sinh thái” của Indonesia, “Sử dụng kỹ thuật số để đảm bảo hạnh phúc và bền vững trong giáo dục” của Malaysia, “Hợp tác công tư để tăng sự an toàn trong trường học và duy trì tính bền vững trong xã hội” của Philippines, “Dạy ít hơn và học được nhiều hơn” của Singapore, “Phát triển chương trình khung giáo dục vì trường học hạnh phúc và giáo dục bền vững: Kinh nghiệm và chính sách của quốc gia” của Thái Lan, “Bình đẳng trong giáo dục” của Hàn Quốc và “Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của nhà giáo hướng tới trường học hạnh phúc và tính bền vững trong giáo dục” của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân, Việt Nam từ lâu đã có mô hình trường học an toàn, thân thiện, nhưng chúng ta chưa có cách tiếp cận sâu rộng và bản chất của trường học hạnh phúc. Qua hội thảo này với sự chia sẻ kinh nghiệm của các nước, Việt Nam hy vọng sẽ lĩnh hội những nhận thức mới hơn, có chiều sâu hơn về phương pháp làm thế nào để giáo viên có thể có cảm xúc tích cực, hạnh phúc, làm thế nào để học sinh có được cảm giác vui vẻ, thoải mái để học tập tốt nhất.
Bên lề hội nghị cũng diễn ra các cuộc họp song song với nhiều chủ đề liên quan đến việc dạy và học, vấn đề lãnh đạo và quản lý trường học, các chính sách tác động đến việc học tập của học sinh, các định dạng giáo dục mới…
Hội nghị đã ra nghị quyết nhấn mạnh cam kết phát triển giáo dục bền vững thông qua quản lý hiệu quả, bình đẳng và hiểu biết về môi trường, nâng cao quyền và vị thế của nhà giáo thông qua phát triển, bồi dưỡng nghiệp vụ liên tục và xây dựng các mô hình giáo dục bình đẳng, bền vững, đảm bảo tất cả học sinh được trở nên hạnh phúc hơn và mạnh mẽ hơn. Hội nghị cũng nhất trí trao cờ tổ chức ACT+1 lần thứ 39 cho Philippines vào năm sau.