Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát
Những năm qua, Sóc Trăng đã triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở. Tiếp nối hành trình đó, năm 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng đã vận động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nạn nhân chất độc da cam, góp sức mang đến cuộc sống 'an cư lạc nghiệp' cho nhiều hộ dân.
Trong các mặt công tác, hội thường xuyên quan tâm thực hiện công tác vận động nguồn lực chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, tập trung hỗ trợ xây dựng nhà ở; hỗ trợ vốn sinh kế; thăm hỏi, tặng quà thường xuyên, đột xuất, trong dịp lễ, Tết; hỗ trợ nuôi dưỡng tại nhà; khám bệnh, cấp thuốc điều trị bệnh miễn phí; hỗ trợ chi phí điều trị bệnh; cấp học bổng, tập sách; trao xe lăn, xe lắc… cho nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người già neo đơn, hộ nghèo. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động hỗ trợ trên 19 tỷ đồng, trong đó hội đã vận động xây dựng 55 căn nhà, sửa chữa 1 căn nhà, tổng kinh phí trên 3,3 tỷ đồng.

Căn nhà tình thương góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát và xoa dịu nỗi đau mang tên da cam. Ảnh: NGỌC HẢI
Theo ông Nguyễn Hùng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho nạn nhân chất độc da cam được hội triển khai thực hiện nhiều năm nay. So với năm 2023, số lượng tăng lên đáng kể, gần 10 căn. Bình quân mỗi căn xây mới hỗ trợ 60 triệu đồng. Những trường hợp được hỗ trợ nhà ở do thành viên hội phát hiện, hướng dẫn gia đình làm đơn gửi về Tỉnh hội (có xác nhận địa phương) và Tỉnh hội sẽ vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà. Phần lớn nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ nhà đều ở vùng sâu, vùng xa, nhà ở xuống cấp, xập xệ, đời sống của hộ dân vô cùng khó khăn. Khi được hỗ trợ nhà, điều đó đã mở ra cuộc sống mới cho các gia đình và họ “tự tin” ước mơ về cuộc sống tốt hơn.
“Tôi còn nhớ vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ nhà ở cho 1 hộ dân ở huyện Kế Sách, cả 5 người trong gia đình đều khuyết tật, bệnh tâm thần, cuộc sống rất khó khăn. Nhà ở nền đất, có 1 chiếc giường ọp ẹp, quanh nhà, cây, lá gắn kết lỏng lẻo, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Đây là trường hợp được hội vận động 78 triệu đồng xây dựng nhà mới”, ông Nguyễn Hùng chia sẻ.
Trong công tác vận động nguồn, Tỉnh hội nhận được sự đóng góp khá lớn của các mạnh thường quân, trong đó ông Trần Văn Được ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp trên 550 triệu đồng xây 9 căn nhà; bà Trần Tố Nga, Việt kiều Pháp tài trợ 5 căn với số tiền 300 triệu đồng; Quỹ hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý hỗ trợ 4 căn, tổng trị giá 240 triệu đồng.

Căn nhà tình thương góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát và xoa dịu nỗi đau mang tên da cam. Ảnh: NGỌC HẢI
Trong buổi lễ bàn giao 4 căn nhà tình thương cho hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam ở xã Mỹ Phước và xã Long Hưng thuộc huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), ông Phan Chánh Dưỡng - Giám đốc Quỹ hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý đã chia sẻ, phần nhiều nạn nhân chất độc da cam có cuộc sống rất khó khăn, mức sống thấp so với mặt bằng chung xã hội. Họ không có đủ điều kiện để xây dựng nhà ở, và việc hỗ trợ này sẽ giúp cuộc sống họ nâng lên đáng kể. Quỹ hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ cho những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Qua kết nối của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, nguồn quỹ này đã đến tay những hộ cần giúp đỡ. Và tin rằng, với sự chung tay của cộng đồng, sẽ xoa dịu phần nào nỗi đau da cam.
Khi dọn vào sống trong căn nhà mới, mang tên “nhà tình thương”, gia đình ông Tạ Trung Đức, ấp Tân Hòa A, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú rất xúc động và biết ơn sự quan tâm của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh xóa đi căn nhà đột nát ngày nào thay bằng căn nhà tường, mái tôn, nền lót gạch khang trang. Đây là căn nhà mơ ước nhiều năm nay mà vợ chồng ông muốn xây dựng nhưng không thể dành dụm đủ tiền xây cất.
Còn cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ, ấp Kinh Mới, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) phần nào cải thiện hơn khi chị được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh xét hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng nhà ở. Chị Ngọc Huệ chia sẻ: “Trước đây, 4 thành viên gia đình tôi phải sống trong căn nhà tre, lá tạm bợ được cất trên phần đất của cha mẹ cho. Không đất sản xuất, không việc làm ổn định, chồng tôi đi làm thuê, nguồn thu nhập cũng không cao. Càng khó khăn thêm, con gái tôi mang di chứng chất độc da cam, cháu bị bệnh ung thư máu, cần nhiều chi phí điều trị. Nhờ Tỉnh hội hỗ trợ mà vợ chồng tôi xây dựng được căn nhà khang trang để ở”.
Việc hỗ trợ nhà ở cho nạn nhân chất độc da cam có ý nghĩa thiết thực, không chỉ góp phần cải thiện đời sống cho hộ gia đình mà còn góp phần cùng địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát; hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới. Với ý nghĩa đó, năm 2025, các cấp hội sẽ tiếp tục vận động nhiều nguồn lực để có thêm nhiều căn nhà mới cho gia đình nạn nhân chất độc da cam.