Hội Luật gia TP Hà Nội lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013

Sáng 15/5, Hội Luật gia TP Hà Nội tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Đào Bá Sơn chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Đào Bá Sơn chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Đào Bá Sơn chủ trì hội nghị.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Đào Bá Sơn cho biết, sau khi Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013 và lấy ý kiến Nhân dân, Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 165 ngày 6/5/2025 về việc việc tổ chức lấy ý kiến các cấp Hội Luật gia về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Theo đó, Hội Luật gia TP Hà Nội đã đã khẩn trương xây dựng kế hoạch lấy ý kiến với tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả. Về mục đích, yêu cầu, kế hoạch nêu rõ, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của giới luật gia, thể hiện ý chí, nguyện vọng của giới luật gia Việt Nam trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Các đại biểu tham luận tại hội nghị.

Các đại biểu tham luận tại hội nghị.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp Hội, các đơn vị thuộc Hội và từng hội viên Hội Luật gia với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Tại hội nghị, các đại biểu đến từ Hội Luật gia các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, tập trung xoay quanh 8 nội dung đóng góp vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Cụ thể: sửa đổi, bổ sung tính hành văn, vai trò của các tổ chức xã hội tại Điều 9; mối quan hệ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, thiếu cụ thể về cơ chế tham gia tại Điều 10; Tính đầy đủ và rõ ràng, tính cân bằng và dân chủ tại Điều 84; về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt: quy định đề cập đến "đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" nhưng không đi sâu vào các đặc điểm, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và các quy định pháp lý riêng biệt của loại hình đơn vị hành chính này tại Điều 110;

Dự thảo quy định “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương” nhưng quyền quyết định thực tế của chính quyền địa phương vẫn bị giới hạn tại Điều 112; chưa rõ ràng về phạm vi, quyền hạn của đại biểu HĐND: quy định nêu chung chung về vai trò, nhiệm vụ của đại biểu mà chưa cụ thể hóa các quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng, dễ dẫn đến hiểu sai hoặc thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ tại Điều 115…

Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Đào Bá Sơn đánh giá, hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp với những tham luận, trao đổi, đóng góp sôi nổi của các đại biểu trên tinh thần dân chủ, khoa học. Đã có nhiều ý kiến góp ý cụ thể, sát thực về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013. Sau khi tổng hợp các ý kiến Hội Luật gia TP Hà Nội sẽ gửi về Hội Luật gia Việt Nam để tổng hợp báo cáo chung và gửi đến Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đạt Lê

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoi-luat-gia-tp-ha-noi-lay-y-kien-vao-du-thao-nghi-quyet-sua-doi-bo-sung-hien-phap-2013.704548.html
Zalo