Hội LHPN TP Cần Thơ giám sát việc thực hiện trách nhiệm của UBND xã được quy định trong Luật PCBLGĐ
Đoàn giám sát do bà Nguyễn Thị Thu Lam - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN thành phố Cần Thơ - làm trưởng đoàn, cùng với sự tham gia của ngành Công an, Sở LĐTB&XH, sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Luật gia và Mặt trận Tổ quốc thành phố.
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội"; Kế hoạch công tác Hội và phong trào phụ nữ năm 2024 đồng thời hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, trong tháng 11/2024, Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố Cần Thơ tổ chức giám sát việc thực hiện trách nhiệm của UBND xã được quy định trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Luật PCBLGĐ) tại quận Ninh Kiều và huyện Thới Lai (gồm phường An Hòa, Cái Khế, thị trấn Thới Lai và xã Đông Thuận).
Đoàn giám sát do bà Nguyễn Thị Thu Lam - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN thành phố Cần Thơ làm trưởng đoàn, cùng với sự tham gia của ngành Công an, Sở LĐTB&XH, sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Luật gia và Mặt trận Tổ quốc thành phố.
Qua giám sát cho thấy công tác gia đình và việc phòng chống bạo lực gia đình luôn được chính quyền các địa phương quan tâm. Công tác chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền Luật PCBLGĐ năm 2022 được UBND các phường chú trọng, đặc biệt là việc triển khai nội dung Nghị định 176/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật PCBLGĐ, các kế hoạch chỉ đạo của UBND thành phố Cần Thơ về công tác gia đình và thực hiện Luật PCBLGĐ. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác gia đình, chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện công tác PCBLGĐ tại địa phương. Các mô hình PCBLGĐ được nhân rộng, địa chỉ tin cậy, đường dây nóng được công bố công khai, các thành viên tổ hòa giải cơ sở ở cộng đồng đều là những người có uy tin ở khu dân cư, tận tình trách nhiệm với công tác hòa giải; phần lớn các vụ việc đều được hòa giải thành tại cộng đồng nên ít có vụ việc bạo lực gia đình pháp luật can thiệp tại địa phương.
Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn còn tồn tại một số hạn chế, đó là: công tác tập huấn, triển khai Luật và các văn bản mới có hiệu lực có liên quan vẫn chưa được phổ biến sâu rộng trong đội ngũ cán bộ cốt cán tại khu dân cư; các địa chỉ tin cậy chưa được củng cố; kinh phí hỗ trợ công tác PCBLGĐ và hỗ trợ hoạt động của địa chỉ tin cậy còn hạn chế. Một số nạn nhân vẫn chưa mạnh dạn trình báo cơ quan chức năng do ảnh hưởng tâm lý mặc cảm, cam chịu, giữ gìn danh dự cho gia đình...
Phát biểu kết luận tại các buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Thu Lam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố - Trưởng đoàn giám sát, đề nghị UBND các phường trong thời gian tới cần khắc phục các hạn chế mà Đoàn giám sát đã chỉ ra. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, tập huấn về kỹ năng và kiến thức về Luật PCBLGĐ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về PCBLGĐ, đặc biệt là nhận diện được 16 hành vi BLGĐ theo Luật quy định. UBND các xã, phường thị trấn cần quan tâm hơn trách nhiệm của UBND theo Luật PCBLGĐ quy định, thường xuyên lồng ghép nội dung về gia đình, bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, chú trọng công tác phòng ngừa là chính, đẩy mạnh công tác hòa giải cơ sở ngăn ngừa phát sinh mâu thuẫn gia đình. Nhân rộng các mô hình, CLB PCBLGĐ, quan tâm đánh giá, củng cố, hỗ trợ kinh phí cho địa chỉ tin cậy và công tác PCBLGĐ. Kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể và cá nhân đã có thành tích tiêu biểu trong công tác PCBLGĐ. Chính quyền địa phương, nhất là Công an, cần nhanh chóng vào cuộc khi có vụ BLGĐ xảy ra. Hội LHPN tích cực hơn nữa với vai trò nòng cốt cùng với chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ phát triển các mô hình làm ăn có hiệu quả, giúp các hộ dân tiếp cận được nguồn vốn vay để an tâm sản xuất, phát triển kinh tế tạo hạnh phúc cho gia đình.
Đối với các ý kiến, kiến nghị của địa phương, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp và phản ánh đến các ngành chức năng liên quan của thành phố giải quyết.
Sau giám sát, Hội LHPN thành phố báo cáo kết quả giám sát gửi UBND quận, huyện; công văn kiến nghị sau giám sát gửi Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch và UBND thành phố về những vấn đề còn tồn tại trong công tác chỉ đạo, thực hiện Luật PCBLGĐ tại các địa phương trong thành phố.