Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh: Tham mưu, xây dựng chính sách đặc thù riêng để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Tại Hội thảo tham vấn về định hướng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035, bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh, đã chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh và một số đề xuất trong thời gian tới.
Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) được Chính phủ giao Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì triển khai sắp bước vào giai đoạn kết thúc - năm 2025. Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp Hội, sự ủng hộ nhiệt tình, trách nhiệm của các Bộ, sở, ban, ngành, các hoạt động thực hiện theo nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đã đạt được một số thành tựu nhất định.
Bắc Ninh là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả Đề án 939. Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hằng chia sẻ, khi Đề án bắt đầu triển khai, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã gặp không ít khó khăn về kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Tuy nhiên, xác định Đề án 939 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN, Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu được với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, có chính sách riêng, đặc thù trong việc hỗ trợ phụ nữ Bắc Ninh khởi nghiệp.
Cụ thể, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Bắc Ninh tham mưu chính sách cho vay vốn ưu đãi, ủy thác thông qua NHCSXH, góp phần quan trọng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh. Chính sách đặc thù về hỗ trợ vốn cho phụ nữ khởi nghiệp đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua, với tổng vốn vạy ưu đã là 90 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm, với khoản vay tối đa 2 tỷ, lãi suất: 5%/năm. Chính sách dành riêng để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp này đã thể hiện sư tin tưởng, đồng hành của Tỉnh đối với Hội LHPN các cấp trong tỉnh và với phụ nữ khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hằng chia sẻ thêm, đến nay, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ và phát triển được hơn 200 dự án khởi nghiệp của hội viên phụ nữ. Cùng với những hỗ trợ về nguồn vốn, thực hiện Đề án 939, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo; nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng khả thi; hỗ trợ quản lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp có sự đổi mới, sáng tạo.
Để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để hỗ trợ phụ nữ trong tỉnh khởi nghiệp hiệu quả hơn, Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh có đề xuất: trước hết, Hội LHPN Việt Nam và Tổ soạn thảo xây dựng Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035 cần cụ thể hơn nữa khái niệm "khởi nghiệp" để Hội LHPN các cấp có thể tham mưu xây dựng chính sách tại địa phương cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn, xác định đối tượng chính xác hơn.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh cũng bày tỏ mong muốn có hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ, nêu trách nhiệm rõ từng cấp, từng ngành, trách nhiệm của các đơn vị đồng hành để Hội LHPN có cơ sở đề xuất và cùng thực hiện, triển khai Đề án. Đồng thời, cũng cần chú trọng phát triển mạng lưới cố vấn, mở rộng thị trường để các dự án, sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp có được đầu ra ổn định, bền vững.
Sáng 3/12/2024, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn về định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035 nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, các tổ chức, đơn vị đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam, phụ nữ khởi nghiệp và đại diện Hội LHPN các cấp.
Các thông tin giá trị, những chia sẻ hữu ích của buổi hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các giải pháp, hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp của phụ nữ theo hướng ngày càng đổi mới, sáng tạọ, bắt kịp với bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đất nước.