Hội LHPN huyện Chợ Gạo: Đồng hành cùng phụ nữ trong công tác giảm nghèo

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã tích cực chăm lo, đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống và vị thế của phụ nữ. Thông qua nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, công tác giảm nghèo bền vững của Hội đang phát huy hiệu quả tích cực, tạo niềm tin, động lực cho hội viên khi tham gia vào tổ chức Hội.ĐẨY MẠNH TRUYỀN THÔNG VỀ CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Lê Văn Chất cho biết: Phòng thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể, trong đó có Hội LHPN huyện khảo sát nguyện vọng của chị em trên địa bàn để phối hợp mở các lớp đào tạo nghề mới, phù hợp với điều kiện của người học, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phụ nữ huyện Chợ Gạo chủ động phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.

Phụ nữ huyện Chợ Gạo chủ động phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, tiếp tục rà soát những trường hợp muốn phát triển trên chính nghề nghiệp sẵn có, nhưng thiếu vốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Qua đó, giúp chị em mạnh dạn khởi nghiệp, tạo cơ hội nâng cao vị thế trong xã hội, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đặng Thị Minh Khai chia sẻ: Chỉ tiêu giảm nghèo là một trong những chỉ tiêu thi đua của Hội LHPN. Ngay từ đầu năm, Hội LHPN huyện đã tiến hành rà soát trên địa bàn huyện hiện có 215 phụ nữ là chủ hộ nghèo, 785 phụ nữ là chủ hộ cận nghèo.

Qua đó, Hội LHPN huyện chỉ đạo các xã, thị trấn nhiều hình thức giúp như: Hỗ trợ vốn, con giống, phương tiện sinh kế, giới thiệu việc làm... Cuối năm, mỗi cơ sở phải giúp đỡ ít nhất 2 hộ phụ nữ là chủ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, được Ban Giảm nghèo của xã xét cuối năm và nội dung này cũng được đưa vào chỉ tiêu thi đua năm 2024.

Theo đó, Ban Thường vụ Hội đã chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân về các văn bản của tỉnh, của địa phương về công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM); tích cực hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng NTM”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với việc thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và mô hình “gia đình 5 có, 3 sạch”...

Hằng năm, Hội LHPN huyện đã phối hợp Phòng LĐ-TB&XH khảo sát nắm tình hình đời sống, việc làm cũng như nhu cầu của hội viên phụ nữ để có biện pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp với điều kiện và khả năng của Hội; cũng như vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện cho chị em hội viên, phụ nữ trong toàn huyện được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Hội Phụ nữ huyện đã xây dựng nội dung truyền thông phong phú và đa dạng như: Sử dụng các phương tiện truyền thông như truyền hình, phát thanh, báo chí, và mạng xã hội để truyền tải thông tin về giảm nghèo đa chiều cho phụ nữ. Áp dụng các nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội và ứng dụng di động để truyền tải thông tin về giảm nghèo đa chiều.

Tạo ra các kênh trực tuyến để phụ nữ có thể tiếp cận thông tin, tư vấn và hỗ trợ. Tổ chức các chiến dịch truyền thông toàn diện, sử dụng các thông điệp rõ ràng, dễ hiểu và gần gũi với đời sống của phụ nữ để truyền tải thông tin. Đồng thời, Hội còn tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, hội nghị và các hoạt động cộng đồng để trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về giảm nghèo đa chiều. Tạo ra các nhóm tự lực, nhóm hỗ trợ cộng đồng để phụ nữ có thể giao lưu, học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau.

Song song đó, Hội còn quan tâm đặc biệt đến công tác tập huấn, hướng dẫn hội viên phát triển trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, định hướng việc làm. Qua đó, đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn, dạy nghề lồng ghép với các buổi sinh hoạt chi/tổ phụ nữ với nội dung nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh đến phụ nữ.

Ngoài ra, Hội còn nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động tiết kiệm tín dụng, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo nông thôn mà đối tượng thụ hưởng là hội viên, phụ nữ.

Tính đến cuối năm 2023, vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội có 121 tổ vay vốn với 4.517 hộ vay vốn, tổng dư nợ 165,357 tỷ đồng; vốn ủy thác Quỹ MOM có 211 cụm, với 3.390 hộ vay vốn, dư nợ 38,813 tỷ đồng.

TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC MÔ HÌNH

Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện đã và đang triển khai thực hiện 27 mô hình sinh kế, dao động từ 300 - 500 thành viên là hội viên, phụ nữ được hỗ trợ sinh kế hoặc có việc làm ổn định như: Bó chổi que dừa, Khởi nghiệp từ phương tiện sinh kế, Tủ tiết kiệm hỗ trợ sinh kế, Tổ phụ nữ may gia công, Dự án chăn nuôi bò sinh sản, Tổ gia công hàng đan lát, Tổ phụ nữ vần đổi công, Tổ phụ nữ chăm sóc và thu hoạch thanh long…

Cụ thể, mô hình Bó chổi que dừa tại ấp An Thọ, xã An Thạnh Thủy, thành lập năm 2022, với 30 thành viên, duy trì sinh hoạt hằng quý. Hằng năm, Hội có kế hoạch hỗ trợ vốn cho các thành viên, đến nay đã hỗ trợ vay vốn cho 6 thành viên số tiền 310 triệu đồng. Mô hình kết nối các cơ sở thu mua, gia công bó chổi que dừa tạo việc làm tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ nhàn rỗi.

Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình phụ nữ khởi nghiệp, Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc Nguyễn Thị Thúy Vân cho biết: Hội LHPN xã đã phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong phát triển kinh tế.

Hằng năm, Hội khảo sát, nắm số lượng hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để đề ra các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng hộ như cho vay vốn, giúp cây, con giống, ngày công lao động…

Đồng thời, Hội LHPN xã tập trung khai thác và quản lý tốt các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình thông qua nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và vận động hội viên thực hiện tiết kiệm tại chi hội để tạo nguồn vốn giúp hội viên, phụ nữ khó khăn. Tổng số dư nợ đến nay gần 5 tỷ đồng.

Tại Tổ hợp tác đan lát Tiên Tiến của cô Nguyễn Thị Hồng Sen, ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc có nhiều chị em phụ nữ làm việc. Được biết, tổ đan lát của cô Sen thành lập cho đến nay đã 15 năm, hiện giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động, chủ yếu là chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong ấp và các xã lân cận.

VƯƠN LÊN THOÁT NGHÈO

Gần nửa cuộc đời, giờ đây bà Nguyễn Thị Rỡ, ấp Bình An, xã Song Bình, đã có thể nở nụ cười khi gia đình bà vượt khó, thoát được cảnh nghèo. Bà Rỡ chia sẻ: “Trước đây, dù cho vợ chồng bà có cố gắng siêng năng, chăm chỉ nhưng cái nghèo vẫn đeo bám.

Qua tìm hiểu hoàn cảnh, sự động viên về tinh thần, đặc biệt là từ nguồn vốn nuôi bò của Hội LHPN xã với số tiền được hỗ trợ 20 triệu đồng, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, được cung cấp kiến thức về chăn nuôi bò giúp tôi từ 1 con bò ban đầu, đến nay đã có thêm 3 con bò và 4 con dê để chăn nuôi”.

Niềm vui lại nhân đôi khi bà Rỡ đã xây dựng được ngôi nhà khang trang từ tiền bán bò và sự giúp sức về kinh phí của nhà hảo tâm thông qua sự vận động của các cấp Hội LHPN và chính quyền địa phương”.

Riêng đối với chị Trần Thị Tuyết Nga, ấp Tân Đông, xã Tân Thuận Bình thì khó thể diễn tả hết cảm xúc vui mừng của chị khi được Hội LHPN huyện, xã và chị em chung tay trợ giúp. Vẫn nhớ như in ngày mình được trao vốn hỗ trợ để bắt bò về nuôi, chị Nga chia sẻ: “Vốn là mẹ đơn thân, để có tiền nuôi con, ai thuê gì tôi cũng làm, nhưng cuộc sống hai mẹ con vẫn mãi cơ cực. Cho đến khi được trợ vốn 10 triệu đồng để nuôi bò, thì cuộc sống của hai mẹ con đã sang trang mới. Hiện con bò đang được chăm sóc chu đáo, dự định 3 tháng nữa sẽ xuất bán”.

Năm 2022, được hỗ trợ 10 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Thương (ấp An Lạc Trung, xã Xuân Đông) đã mua 1 con bò để nuôi. Gia đình chị Thương thuộc hộ cận nghèo, nhà không đất sản xuất, vợ chồng chủ yếu làm thuê nuôi 2 con ăn học.

Nhờ nguồn vốn của Hội Phụ nữ, chị Thương có thêm nguồn thu nhập từ nuôi bò. Bên cạnh đó, chị Thương còn thuê hơn 1 công đất để trồng rau màu. Vợ chồng chăm chỉ lao động để 2 con được ăn học đến nơi đến chốn. Chị Thương cho biết, từ nguồn vốn vay của Hội Phụ nữ, gia đình chị có vốn xoay vòng để mua phân bón, giống cây, trang trải cuộc sống hằng ngày. So với ngày trước, cuộc sống gia đình đã ổn định hơn.

PHƯƠNG MAI - T.H

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202407/hoi-lhpn-huyen-cho-gao-dong-hanh-cung-phu-nu-trong-cong-tac-giam-ngheo-1016152/
Zalo