Hội đồng Vàng Thế giới: Nhu cầu đầu tư vàng ở Trung Quốc có thể giảm

Thị trường vàng Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng mạnh chưa từng thấy trong tháng 4 vừa qua, cả về giá, nhu cầu vàng đầu tư vàng vật chất và nhu cầu đầu tư vàng tài khoản...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, nhu cầu vàng tại quốc gia tỷ dân này có thể sẽ suy yếu trong thời gian tới do căng thẳng Mỹ - Trung dịu đi, theo ông Ray Jia - trưởng nghiên cứu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).

“Mô hình của chúng tôi cho thấy đồng USD yếu đi, bất định địa chính trị/kinh tế gia tăng và dòng vốn chảy mạnh vào các quỹ ETF vàng đã đẩy giá vàng tăng” trong tháng 4 - ông Jia viết trong một báo cáo. “Giá vàng tại thị trường London tính bằng đồng USD đã có tháng 4 tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, trong khi giá vàng tại thị trường Thượng Hải tính bằng đồng nhân dân tệ có tháng 4 tăng mạnh nhất trong 19 năm”.

NHỮNG KỶ LỤC ĐƯỢC THIẾT LẬP

Ông Jia cho biết giá vàng tính bằng nhân dân tệ đã tăng 24% từ đầu năm đến nay, đánh dấu mức tăng kỷ lục trong 4 tháng đầu năm, còn giá vàng ở London tăng 27% trong cùng khoảng thời gian. “Sự chênh lệch về mức tăng này chủ yếu do nhân dân tệ tăng giá. Từ đầu năm tới nay, nhân dân tệ đã tăng 1%” - vị chuyên gia giải thích.

Nhu cầu vàng bán buôn ở Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 4. “Ngành công nghiệp vàng của nước này đã rút 153 tấn vàng khỏi sàn giao dịch Thượng Hải, tăng 27% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Sự cải thiện của nhu cầu vàng bán buôn cũng được phải ánh qua chênh lệch ngày càng lớn giữa giá vàng ở Trung Quốc với giá thế giới, bình quân là 37 USD/oz trong tháng 4, cao hơn nhiều so với mức 2 USD/oz trong tháng 3”, ông Jia cho hay.

Ông nói rằng sự tăng trưởng mạnh của nhu cầu vàng bán buôn ở Trung Quốc trong tháng 4 xuất phát từ 2 yếu tố.

“Nhu cầu vàng miếng và tiền xu vàng tiếp tục ở mức cao” vì vàng chính là “tài sản sinh lãi nhiều nhất trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng”. Ngoài ra, các công ty nữ trang cũng tích trữ hàng để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm trong dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động vào đầu tháng 5.

Tuy nhiên, nhu cầu của các quỹ ETF mới thực sự nổi trội trong tháng 4, khi các quỹ ETF vàng ở Trung Quốc ghi nhận quý mua ròng nhiều nhất từ trước tới nay. Giá trị mua ròng vàng của các quỹ này trong tháng đạt 49 tỷ nhân dân tệ, tương đương 6,8 tỷ USD.

“Đây là tháng thứ ba liên tiếp các quỹ ETF vàng của Trung Quốc ròng vàng. Bên cạnh đó, giá vàng tăng góp phần nâng tổng giá trị tài sản của các quỹ ETF vàng ở nước này lên 158 tỷ nhân dân tệ, tương đương 22 tỷ USD, tăng 57% so với tháng 4 và cao chưa từng thấy. Khối lượng vàng mà các quỹ này nắm giữ tăng 65 tấn lên 203 tấn, cũng là một con số kỷ lục”, ông Jia cho biết.

“Sự gia tăng nhu cầu vàng chưa từng có tiền lệ này chủ yếu lực tăng hấp dẫn của giá vàng trong nước, mối lo về thương chiến Mỹ - Trung, và giá trái phiếu trong nước giảm do kỳ vọng về các biện pháp nới lỏng. Trong 4 tháng đầu năm 2025, giá trị và khối lượng vàng mà các ETF vàng Trung Quốc nắm giữ tăng tương ứng 125% và 77%”, ông Jia nói thêm.

Ông cảnh báo rằng nhu cầu của các quỹ ETF vàng Trung Quốc vẫn còn mạnh trong tháng 5 nhưng đã giảm đáng kể so với tháng 4. “Đó có thể là do bấp bênh thương mại trước đó đã được phản ánh gần hết vào giá vàng, và sự bất định đã giảm xuống sau cuộc đàm phán Mỹ - Trung ở Geneva, cộng thêm việc giá vàng trong nước đã ổn định”, ông Jia nhận định.

Hồi tháng 4, mối quan tâm của nhà đầu tư Trung Quốc vào các hợp đồng vàng giao sau cũng đạt mức cao chưa từng thấy. “Khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày của các hợp đồng vàng tương lai tại Sở giao dịch tương lai Thượng Hải đã đạt 859 tấn, cao gần gấp đôi so với tháng trước đó. Chúng tôi tin rằng biến động giá vàng tăng và sức tăng vượt trội của giá vàng đã thu hút sự chú ý của các nhà giao dịch, đẩy khối lượng các hợp đồng vàng tương lai tăng đáng kể”, ông Jia đánh giá.

Dù giao dịch vàng tương lai ở Trung Quốc đã giảm đi vào đầu tháng 5, khối lượng giao dịch bình quân của 5 ngày đầu tháng vẫn đạt 756 tấn, gần mức cao kỷ lục. “Điều này cho thấy sự hưng phấn còn tiếp diễn của các nhà giao dịch đối với các hợp đồng vàng tương lai dù giá đã điều chỉnh gần đây”, ông Jia nói thêm.

NHU CẦU ĐẦU TƯ VÀNG CÓ THỂ GIẢM

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đóng góp thêm vào nhu cầu vàng của nước này trong tháng 4 bằng việc mua ròng vàng tháng thứ 6 liên tiếp. “Theo số liệu chính thức, dự trữ vàng của Trung Quốc tăng 2,2 tấn trong tháng 4, đạt 2.295 tấn, tương dương 6,8% dự trữ ngoại hối. Về giá trị, dự trữ vàng của Trung Quốc đạt 243,6 tỷ USD, tăng 6% so với tháng 3. Tính từ đầu năm, Trung Quốc đã công bố tăng dự trữ vàng thêm 14,9 tỷ USD”, ông Jia nói.

Lượng dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) (cột màu tím, đơn vị: tấn) và tỷ trọng của vàng trong dự trữ ngoại hối (đường màu vàng) - Nguồn: WGC/Kitco.

Lượng dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) (cột màu tím, đơn vị: tấn) và tỷ trọng của vàng trong dự trữ ngoại hối (đường màu vàng) - Nguồn: WGC/Kitco.

Tuy nhiên, nhập khẩu vàng của Trung Quốc diễn ra khá dè dặt trong quý 1 năm nay. Dữ liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc nhập khẩu ròng 46 tấn vàng trong tháng 3, tăng 14 tấn so với tháng 3 nhưng thấp hơn nhiều so với mức nhập khẩu 183 tấn cùng kỳ năm ngoái.

“Nhập khẩu ròng vàng quý 1 của Trung Quốc đạt 73 tấn, thấp nhất kể từ năm 2021, thời điểm các biện pháp hạn chế chống Covid-19 khiến hoạt động này chậm lại, và thấp hơn nhiều so với mức 545 tấn trong quý 1/2024”, ông Jia cho biết.

Ông nói rằng một nguyên nhân chính phía sau việc Trung Quốc nhập khẩu vàng chậm lại là nhu cầu vàng nữ trang yếu trong quý 1. “Điều này khiến chênh lệch giữa giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc với giá vàng thế giới có lúc âm, khiến các nhà nhập khẩu vàng càng ngại nhập hơn”, ông nói.

Về thời gian tới, ông Jia cho hay các nhà phân tích của WGC “dự báo nhu cầu nữ trang vàng của Trung Quốc sẽ tiếp tục ảm đạm vì đã bước vào mùa thấp điểm sau kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động, dù sự điều chỉnh giá vàng gần đây có thể mang lại một lực hỗ trợ nhất định”.

“Nhu cầu đầu tư vàng có thể yếu đi trong ngắn hạn, có thể do hoạt động chốt lời, giá vàng giằng co, và căng thẳng Mỹ - Trung giảm nhiệt. Nhưng trong dài hạn, nhu cầu đầu tư vàng ở nước này còn được hỗ trợ nhiều bởi sức hấp dẫn lợi nhuận, rủi ro kinh tế và địa chính trị toàn cầu còn dai dẳng, cũng như sự phân bổ vốn vào vàng của các công ty bảo hiểm Trung Quốc”, ông Jia kết luận.

Điệp Vũ

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hoi-dong-vang-the-gioi-nhu-cau-dau-tu-vang-o-trung-quoc-co-the-giam.htm
Zalo