Hội Dầu khí góp tiếng nói trung thực, trách nhiệm, trí tuệ, đồng hành với sự phát triển ngành Dầu khí
Theo ông Ngô Thường San - Chủ tịch danh dự Hội Dầu khí Việt Nam (DKVN), Hội DKVN ra đời là một yêu cầu tất yếu và đã có những đóng góp quan trọng, thiết thực trong suốt quá trình hình thành, phát triển 15 năm qua.
Tất yếu ra đời Hội DKVN
PV: Thưa ông, là một trong những thành viên có công “khai sinh” ra Hội DKVN và là Chủ tịch đầu tiên, ông có thể cho biết sự ra đời của Hội như thế nào?
Ông Ngô Thường San: Có thể nói, Hội DKVN ra đời là một sự tất yếu khách quan. Bởi thứ nhất, như chúng ta biết năm 2006 là bước nhảy vọt trong sự trưởng thành và phát triển của ngành Dầu khí từ Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trở thành một tập đoàn lớn - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), bao trùm toàn bộ chuỗi công nghiệp dầu khí từ lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác, công nghiệp khí, lọc hóa dầu, đạm… cho đến công nghiệp phụ trợ, hay còn gọi là dịch vụ dầu khí.
Thứ hai, giai đoạn này cũng có thể nói là giai đoạn chuyển tiếp thế hệ, những chuyên gia dầu khí, những anh em đóng góp đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của ngành từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước khi đó đã về hưu hoặc chuẩn bị về hưu hàng loạt và một thế hệ trẻ chuyển giao lên để tiếp nối sự nghiệp này. Do đó, cần thiết có một sự liên kết giữa các thế hệ với nhau.
Thứ ba, ngoài việc chuyển tiếp thế hệ còn là yêu cầu về sự truyền đạt lại những kinh nghiệm, kiến thức, khoa học công nghệ trước đây trong chuỗi công nghiệp dầu khí cho thế hệ trẻ, để tiếp nối “ngọn lửa dầu khí”, xây dựng và phát triển ngành.
Thứ tư là đáp ứng yêu cầu về giáo dục truyền thống và văn hóa của người dầu khí. Chúng ta đều biết rằng, truyền thống, văn hóa là một trong những yếu tố cơ bản quyết định sự phát triển của một ngành. Một ngành mà thiếu đi truyền thống, thiếu đi văn hóa thì không thể phát triển được. Truyền thống văn hóa dầu khí cũng chính là động lực cho sự phát triển của ngành và trách nhiệm của những người đi trước, thế hệ đi trước phải truyền lại cho thế hệ sau.
4 yếu tố đó, tôi cho rằng là những điều kiện rất quan trọng tạo ra một nhu cầu tất yếu khách quan phải hình thành Hội DKVN, để tập hợp người dầu khí nhiều thế hệ liên kết lại với nhau trong một tổ chức xã hội nghề nghiệp; cũng như tập hợp, tạo sự liên kết giữa trong ngành với lực lượng ngoài ngành là các chuyên gia về dầu khí trong các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác liên quan đã ra đời trước đó (như Hội Địa chất Dầu khí Việt Nam, Hội Địa vật lý Việt Nam, Hội Công nghệ Khoan - Khai thác Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam…) hay những người nghiên cứu, giảng dạy về dầu khí ở các trường đại học, với mục đích giúp đỡ nhau cùng phát triển, cùng đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Xuất phát từ yêu cầu tất yếu đó, anh em đã đề cử tôi, khi đó là một trong những lãnh đạo của Dầu khí, đồng thời có kinh nghiệm với vai trò là Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam đứng ra tập hợp anh em và xin phép Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hội DKVN. Đó là nhiệm vụ tôi đã cùng với các anh em trong Ban thành lập Hội đã hoàn thành và ngày 13-7-2009, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1053/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội DKVN.
Một tổ chức xã hội nghề nghiệp thiết thực, có ý nghĩa
PV: Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp có uy tín, hiệu quả, được đánh giá cao, ông có thể chia sẻ về những đóng góp thiết thực của Hội DKVN?
Ông Ngô Thường San: Hội DKVN ra đời ngoài việc tập hợp anh em, chuyên gia lĩnh vực dầu khí trong và ngoài ngành lại với nhau thì mục tiêu của Hội là đồng hành với sự phát triển và hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam. Vì chỉ như vậy, Hội mới trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp thiết thực, có ý nghĩa. Còn nếu một tổ chức ra đời chỉ là tập hợp để vui chơi, vui vẻ với nhau thì nó sẽ mai một ngay lập tức, không còn ý nghĩa nữa. Nhưng ở đây, sở dĩ Hội DKVN tồn tại, phát triển và được tất cả mọi người ủng hộ vì Hội luôn đồng hành và có đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành, cũng như cho công tác quản lý Nhà nước đối với ngành Dầu khí Việt Nam.
Đầu tiên phải nói đến những công việc Hội đã làm được. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội DKVN từ khi thành lập là thực hiện công tác tư vấn, phản biện. Phải nói rằng, từ phía Nhà nước, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan nói chung đến Petrovietnam nói riêng đều tin tưởng vào trí tuệ, năng lực, cũng như sự trung thực nghề nghiệp của anh em trong Hội và luôn đề nghị Hội có tiếng nói tư vấn, phản biện đối với nhiều vấn đề lớn, đặc biệt là về đầu tư, chiến lược phát triển ngành, phát triển của lĩnh vực, Tập đoàn, đơn vị; đồng thời xem đó là một tiếng nói độc lập thứ ba có giá trị cao, được tôn trọng và tiếp thu nghiêm túc. Trong lĩnh vực này, có thể kể ra nhiều ví dụ như, Trung ương Hội và Hội địa phương đã tham gia tư vấn phản biện các vấn đề về đầu tư, thăm dò khai thác ở nước ngoài, trong xây dựng chương trình phát triển mỏ (FDP), báo cáo trữ lượng, chiến lược phát triển của ngành, hoặc chiến lược phát triển một lĩnh vực của ngành…
Bên cạnh đó, Hội cũng tham gia, đóng góp quan trọng cùng với Petrovietnam để xây dựng thể chế quản lý, giúp cho công tác quản lý của Tập đoàn, ngành Dầu khí ngày càng hoàn thiện hơn; như Hội đã tham gia, xây dựng quy chế đánh giá trữ lượng theo yêu cầu của Tập đoàn, quy chế tìm kiếm thăm dò, quy chế về đầu tư ra nước ngoài…, đặc biệt gần đây là đóng góp vào xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) năm 2022.
Là nơi tập hợp trí tuệ dầu khí, đặc biệt là của những chuyên gia, anh em có kinh nghiệm về ngành, Hội đã có những đóng góp quan trọng trong chia sẻ những kinh nghiệm liên quan. Trong đó nổi bật là đã xây dựng bộ sách Địa chất và Tài nguyên Dầu khí Việt Nam gồm 2 tập, tổng kết, đánh giá khoa học công nghệ trong công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa cũng như trên đất liền của Việt Nam từ thời kỳ bắt đầu manh nha về dầu khí cho đến nay, qua đó định hướng phương hướng tìm kiếm, thăm dò sắp tới của Việt Nam.
Đồng thời, với trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia trong ngành, Hội luôn đồng hành hỗ trợ ngành Dầu khí, Tập đoàn, các đơn vị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, là một tiếng nói độc lập tới những cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng và khó khăn trong sản xuất kinh doanh của ngành, Hội luôn tích cực có tiếng nói lên cấp trên, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị và cho ngành.
Hội cũng tham gia đóng góp trong công tác đào tạo; xây dựng và xuất bản những tài liệu, sách giới thiệu về ngành, phục vụ đào tạo những kiến thức cơ bản về dầu khí cho những cán bộ mới, không chuyên về dầu khí; cùng với Tập đoàn, Công đoàn Dầu khí Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong Tập đoàn xây dựng, hỗ trợ cho công tác truyền thông và văn hóa dầu khí, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Một điều quan trọng nữa là vừa qua, Hội đã có những đóng góp tích cực trong công tác phát triển khoa học công nghệ (KHCN), sáng kiến, cải tiến của ngành, xây dựng quy chế giải thưởng KHCN dầu khí; cũng như hỗ trợ các đơn vị trong ngành lựa chọn công trình đề xuất giải thưởng KHCN các cấp, trong đó có các công trình đạt Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN.
Đó là một số những đóng góp thiết thực của Hội trong 15 năm qua cho ngành Dầu khí, Petrovietnam và các đơn vị.
“Cùng vui, cùng buồn với ngành Dầu khí”
PV: Theo ông, điều gì đã làm nên thành công của Hội DKVN trong chặng đường 15 năm qua?
Ông Ngô Thường San: Trong tổng kết, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam luôn đánh giá Hội DKVN là một hội thành viên hoạt động tích cực, có hiệu quả cao, đúng tôn chỉ, mục đích. Hội cũng luôn nhận được sự tin tưởng, đánh giá cao, đồng hành, hỗ trợ của Petrovietnam; là tiếng nói uy tín với các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động của ngành.
Theo tôi, có được kết quả đó bởi hoạt động của Hội luôn gắn liền và có đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn, hỗ trợ cho công tác quản lý cũng như phản biện của các cơ quan quản lý cấp trên. Hội đã luôn cùng vui, cùng buồn với ngành Dầu khí Việt Nam. Và tiếng nói của Hội có vai trò quan trọng, thể hiện sự trung thực, hiểu biết của các chuyên gia, anh em có kinh nghiệm trong công tác dầu khí, đối với hoạt động, định hướng chiến lược của ngành, cũng như là tiếng nói độc lập về ngành đến các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; qua đó đóng góp thiết thực xây dựng và phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam.
Và một điều nữa, Hội DKVN thật sự là một tổ chức đoàn kết và liên kết các thế hệ với nhau, những người đi trước và những người đi sau, kết nối truyền thống, văn hóa, truyền đạt kinh nghiệm, hiểu biết, cũng như hỗ trợ nhau trong công tác điều hành, quản lý hoạt động dầu khí.
Đó là những yếu tố rất quan trọng để tạo nên sự thành công của Hội DKVN trong 15 năm qua. Và hiện nay, những lãnh đạo mới của Hội cũng đang tiếp nối truyền thống, kinh nghiệm hoạt động đó để phát triển Hội, để có những hoạt động, đóng góp thiết thực hơn nữa cho sự phát triển của ngành.
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Hội DKVN tôi xin gửi lời chúc mừng và chúc sức khỏe, hạnh phúc đến tất cả các đồng chí hội viên và gia đình; chúc Hội DKVN sẽ ngày càng phát triển vững mạnh!
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!