Hồi chuông cảnh báo về văn hóa làm việc 'vắt kiệt sức' ở Ấn Độ

Cái chết thương tâm của một kế toán viên trẻ tuổi làm việc cho Ernst & Young, một trong Big 4 ngành kế toán thế giới, do áp lực công việc, đã phơi bày văn hóa làm việc quá sức rất nguy hiểm trong một số doanh nghiệp Ấn Độ.

Cô Anna Sebastian Perayil qua đời sau 4 tháng làm việc cho Ernst & Young, một trong Big 4 ngành kế toán của thế giới. Ảnh: LinkedIn/Anna Sebastian Perayil

Cô Anna Sebastian Perayil qua đời sau 4 tháng làm việc cho Ernst & Young, một trong Big 4 ngành kế toán của thế giới. Ảnh: LinkedIn/Anna Sebastian Perayil

Cái chết đột ngột của kế toán viên 26 tuổi Anna Sebastian Perayil, chỉ mới làm việc được bốn tháng tại Ernst & Young, là lời nhắc nhở đau thương về văn hóa làm việc “vắt kiệt sức” rất độc hại và không bền vững đang lan rộng trong ngành công nghiệp “cổ trắng” của Ấn Độ.

Sự nghiệp đầy hứa hẹn của Anna đã kết thúc trong bi kịch. Sự ra đi của cô không chỉ là mất mát cá nhân đối với gia đình và bạn bè cô, mà còn phản ánh một vấn đề mang tính hệ thống đang đẩy vô số chuyên gia trẻ đến bờ vực thẳm.

Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ, trong nỗ lực tôn vinh công việc không ngừng nghỉ, cũng đang thúc đẩy một môi trường mà việc làm việc quá sức được coi là sự cống hiến, không quan tâm đến tác động tàn phá của nó đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Kết quả là: một “đại dịch” kiệt sức thầm lặng đã đạt đến đỉnh điểm.

Trải nghiệm bi thảm của Anna quá quen thuộc đối với nhiều chuyên gia làm việc tại nhiều tập đoàn đa quốc gia (MNC) của Ấn Độ. Các báo cáo cho thấy cô đã bị áp lực quá lớn, dẫn đến lo lắng nghiêm trọng, mất ngủ và cuối cùng là sức khỏe của cô suy sụp thảm khốc.

Trong một bức thư đau lòng gửi lãnh đạo Ernst & Young (EY), mẹ của Anna, bà Anita Augustine, đã chia sẻ rằng con gái bà thường xuyên được giao những nhiệm vụ vượt quá khả năng của mình, thường là vào ban đêm, với lý do: "đó là những gì chúng ta đều làm". Bà Anita nói rằng con gái bà bắt đầu làm việc tại EY từ tháng 3 năm nay. Đến tháng 7, bà đưa con đi khám vì Anna bị "co thắt ngực" suốt 1 tuần. Bác sĩ kê cho cô thuốc kháng axit và nói rằng Anna "không ngủ đủ giấc và ăn rất muộn". Mặc dù vậy, con gái bà vẫn tiếp tục làm việc "đến tận khuya, thậm chí vào cuối tuần, mà không có thời gian để thở". Theo gia đình, Anna đã chết vì bị "ngừng tim đột ngột".

Lỗ hổng pháp lý

Tư duy cho rằng làm việc quá sức chỉ là một phần của công việc, đã ăn sâu vào nhiều công ty Ấn Độ. Việc bình thường hóa giờ làm việc quá mức và điều kiện làm việc không lành mạnh, đặc biệt là trong các môi trường căng thẳng cao như ngành CNTT và tư vấn, được chấp nhận là cái giá phải trả cho thành công.

Nhưng cái giá phải trả là quá đắt. Theo một cuộc khảo sát của Deloitte năm 2021, 80% nhân viên Ấn Độ báo cáo rằng họ cảm thấy căng thẳng khi làm việc, trong đó hơn 60% nêu lý do khối lượng công việc không thể quản lý và thiếu sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Người sử dụng lao động thì không xóa bỏ điều này để tiết kiệm chi phí kinh doanh.

Ấn Độ là nơi có số giờ làm việc dài nhất thế giới và văn hóa làm việc quá sức này đang gây ra hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe tinh thần của người lao động. Một cuộc khảo sát của LinkedIn năm 2022 cho thấy 77% nhân viên tin rằng nơi làm việc của họ thiếu các nguồn lực trợ giúp sức khỏe tâm thần đầy đủ, khiến người lao động phải vật lộn với những khó khăn của mình trong im lặng.

Văn hóa im lặng này, cùng với sự kỳ thị về sức khỏe tâm thần, ngăn cản nhân viên tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhiều người lo sợ rằng việc thừa nhận sự yếu đuối sẽ làm tổn hại đến triển vọng nghề nghiệp của họ, vì vậy họ cố tiếp tục, cho đến khi quá muộn.

Bộ Lao động Ấn Độ đã mở một cuộc điều tra, cam kết sẽ hành động về vấn đề này. Tuy nhiên, cuộc điều tra này cần phải vượt ra ngoài những hành động mang tính hình thức hoặc chỉ dừng ở lời hứa.

Các luật hiện hành của Ấn Độ liên quan tới lao động như Bộ luật An toàn, Sức khỏe và Điều kiện Làm việc (2020), chủ yếu tập trung vào an toàn thể chất và không giải quyết được những căng thẳng về sức khỏe tâm thần mà nhân viên văn phòng phải chịu đựng.

Kiểu đánh giá này rất nguy hiểm, đặc biệt là khi các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng trở nên phổ biến. Nếu không có sự bảo vệ pháp lý toàn diện, các tập đoàn sẽ tiếp tục lợi dụng tình trạng thiếu quy định, duy trì văn hóa làm việc coi trọng năng suất hơn hạnh phúc.

Một phần đáng kể của vấn đề nằm ở thực tế là nhiều công ty đa quốc gia và công ty công nghệ thông tin, như EY, thuộc sự điều chỉnh của Đạo luật Cửa hàng và Cơ sở kinh doanh, vốn chỉ cung cấp các biện pháp bảo vệ hạn chế. Kẽ hở pháp lý này cho phép các công ty yêu cầu làm thêm giờ quá mức mà không được trả lương thỏa đáng, đẩy nhân viên đến mức kiệt sức.

Một báo cáo năm 2022 của KPMG phát hiện ra rằng 70% chuyên gia cổ cồn trắng ở Ấn Độ làm việc vượt quá 48 giờ/tuần theo luật định, trong đó 75% không được trả lương làm thêm giờ. Điều này không chỉ vi phạm quyền lao động mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của người lao động.

Trước cái chết của Anna, EY đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ sự buồn bã nhưng lại hạ thấp khối lượng công việc của cô, tuyên bố rằng khối lượng công việc không nặng hơn so với những người đồng nghiệp của cô.

Bình thường hóa điều bất thường

Tuy nhiên, điều này lại đặt ra một câu hỏi thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Nếu tình huống của Anna được coi là "bình thường", thì điều đó nói lên điều gì về văn hóa doanh nghiệp tiêu chuẩn ở Ấn Độ?

Nhiều doanh nghiệp ở Ấn Độ đang cổ súy cho văn hóa làm việc quá sức. Ảnh minh họa: X

Nhiều doanh nghiệp ở Ấn Độ đang cổ súy cho văn hóa làm việc quá sức. Ảnh minh họa: X

Điều này cho thấy rằng những yêu cầu quá mức đặt ra cho nhân viên không phải là ngoại lệ mà là mang tính đặc hữu của hệ thống - một hệ thống về cơ bản đã bị phá vỡ.

Theo các chuyên gia, luật lao động của Ấn Độ phải thực thi các giới hạn rõ ràng về thời gian làm thêm, với chế độ bồi thường bắt buộc và thực thi nghiêm ngặt. Văn hóa làm việc quá sức phải bị xóa bỏ và các tập đoàn không còn được phép bóc lột nhân viên dưới chiêu bài “cống hiến cho sự nghiệp”.

Ngoài các cải cách pháp lý, văn hóa doanh nghiệp của Ấn Độ phải thay đổi. Làm việc quá sức không còn được tôn vinh như một huy hiệu danh dự mà được coi là một hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cái chết của Anna Sebastian là lời nhắc nhở đau lòng về những vết nứt trong văn hóa làm việc của Ấn Độ. Sự ra đi của cô gái trẻ đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về những cải cách để bảo vệ sức khỏe thể chất và tâm thần của người lao động, thực thi giờ làm việc hợp lý và yêu cầu người sử dụng lao động chịu trách nhiệm về hành động của họ.

Một nghiên cứu năm 2021 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy mỗi đô la đầu tư vào hỗ trợ sức khỏe tâm thần sẽ mang lại lợi nhuận 4 đô la về năng suất, điều này càng nhấn mạnh giá trị tài chính và nhân văn của những cải cách này.

Ấn Độ phải phát triển thành một nơi mà tham vọng không còn phải đánh đổi bằng sức khỏe tâm thần và nơi mà phúc lợi của người lao động được coi là thiết yếu chứ không phải là thứ có thể hy sinh.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asia Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hoi-chuong-canh-bao-ve-van-hoa-lam-viec-vat-kiet-suc-o-an-do-20240926122056425.htm
Zalo