Hội chứng ống cổ tay và những thông tin cần biết

Hội chứng ống cổ tay rất thường gặp, ngày nay số người mắc hội chứng này đang tăng lên do nhu cầu công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay ngày càng nhiều. Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ mắc hội chứng này. Những thống kê ở Mỹ cho thấy, hàng năm khoảng 50/1000 người mắc bệnh lý cổ tay, ở nhóm nguy cơ cao tỷ lệ này có thể lên tới 500/1000.

Hình ảnh minh họa

Hình ảnh minh họa

Hội chứng ống cổ tay là gì?

Theo bác sĩ Vũ Dũng - Khoa Phẫu thuật Khớp (Bệnh viện Quân y 103), hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép khi qua cổ tay và sẽ trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.

Cụ thể, thần kinh giữa đi xuống bàn tay qua ống cổ tay, ống này được bao quanh bởi các xương ở cổ tay ở phía sau và dây chằng vòng cổ tay ở phía trước tức phía gan tay. Đó là một lối đi khá chật hẹp, trong đó có dây thần kinh giữa, các mạch máu và các gân gấp ngón tay.

Hội chứng xảy ra khi thần kinh giữa đường hầm cổ tay bị chèn ép. Hậu quả gây ra viêm, đau nhức, tê bì hay nặng hơn là giảm cảm giác ở tay thuộc chi phối của dây thần kinh giữa. Từ đó dẫn tới cảm giác khó chịu cho người bệnh. Một số ngành nghề phải vận động vùng cổ tay nhiều như: nhân viên văn phòng, ghi chép, thu ngân,… sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng này.

Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay

Bác sĩ Dũng cho biết, có nhiều nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay, trong đó thường gặp như công việc vận động cổ tay nhiều, uốn cong và gấp duỗi quá mức, chấn động rung do dụng cụ cầm tay, thoát vị bao hoạt dịch khớp cổ tay viêm - xơ hóa các dây chằng vùng cổ tay,…. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới, do kích thước ống cổ tay nhỏ hơn.

Hội chứng ống cổ tay còn hay gặp trong các chứng viêm đa dây thần kinh do đái tháo đường, gout, nhiễm độc rượu mạn tính. Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể gây sưng viêm các thành phần trong ống cổ tay.

Ngoài ra, sau tổn thương cổ tay như: tình trạng viêm khớp, dây chằng, viêm đơn dây, đa dây thần kinh hay cả các chấn thương cổ tay như trật khớp, gãy xương làm thay đổi không gian trong ống cổ tay.

Những biểu của bệnh

Người bệnh mắc hội chứng ống cổ tay thường có biểu hiện:

– Rối loạn cảm giác: Bệnh nhân thường thấy tê bì, ngứa ran bàn tay, đau buốt như bị kim châm hay bỏng rát ở vùng da thuộc chi phối của dây thần kinh giữa: ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út. Các biểu hiện thường nặng lên vào ban đêm khiến người bệnh khó ngủ, mất ngủ. Hay như khi gấp, ngửa, tỳ cổ tay khi đi xe máy hoặc đánh máy cũng làm cảm giác tê, đau tăng lên. Triệu chứng sẽ giảm đi khi được nghỉ ngơi hay xoa bóp.

– Rối loạn vận động: Thường xuất hiện vào giai đoạn muộn của bệnh khi đã trở nặng, dẫn đến tình trạng teo, yếu liệt các cơ do thần kinh giữa chi phối. Một số biểu hiện hay gặp như: cầm nắm đồ vật khó, cài cúc áo, sử dụng điện thoại, các động tác đòi hỏi sự khéo léo giảm đi, hay làm rơi đồ vật.

Biến chứng của bệnh

Hội chứng ống cổ tay có thể diễn ra ở mức độ nhẹ và nặng. Lúc đầu, triệu chứng đau xuất hiện và chấm dứt sau vài ngày, sau đó bạn có thể vận động bình thường. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng, cơn đau trở nên dữ dội và liên tục, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Tình trạng chèn ép thần kinh giữa kéo dài sẽ dẫn đến hẹp ống cổ tay, đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng da tay thuộc chi phối của thần kinh giữa, thậm chí có thể gây teo cơ (liệt cơ vùng mô cái), giảm chức năng vận động bàn tay.

Cách phòng tránh hội chứng ống cổ tay

Bác sĩ Vũ Dũng khuyến cáo, bệnh nhân cần tránh các cử động lặp lại nhiều lần của cổ tay. Dùng nẹp cổ tay cho những bệnh nhân có nghề nghiệp phải cử động cổ tay nhiều.

Giảm áp lực trong ống cổ tay bằng cách cắt dây chằng ngang cổ tay. Ðiều chỉnh các khối can xương hay xương trật để ống cổ tay không bị hẹp và không gây đè ép vào dây thần kinh giữa.

Điều trị bảo tồn bằng các thuốc kháng viêm NSAIDs hay tiêm corticoide tại chỗ làm giảm hiện tượng viêm của các gân gấp trong ống cổ tay và các loại thuốc tăng dẫn truyền thần kinh như vitamin B, Nivalin, Nucleo CMP.

Điều trị phẫu thuật, áp dụng cho người bệnh ở giai đoạn nặng, có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã điều trị nội khoa nhiều tháng mà tình trạng bệnh không thuyên giảm.

Minh Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hoi-chung-ong-co-tay-va-nhung-thong-tin-can-biet-post475329.html
Zalo