Hội chứng khiến cô bé 13 tuổi suýt đột tử
Bệnh nhân liên tiếp gặp các cơn co gồng, tím môi chỉ trong vài ngày. Khi đang nằm viện, em lên cơn ngưng tim, phải sốc điện và hồi sức tim phổi.
Ngày 3/8, bác sĩ Trương Nhật Vi, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, cho biết nơi đây vừa cứu sống một cô bé mắc hội chứng hiếm gặp.
Bệnh nhân là em N.B.T (13 tuổi, Bình Dương), được phát hiện có hai cơn co gồng, tím môi khi đang ngủ. Người bố đã thao tác nhấn tim và đưa con đến bệnh viện tỉnh để cấp cứu. Lúc này, cơn co gồng tiếp tục xuất hiện. Các bác sĩ đã xử trí cấp cứu ban đầu cho T. và đo điện tim, chẩn đoán mắc hội chứng QT dài (hội chứng rối loạn hoạt động điện của tim.)
Sau đó, T. được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Quá trình theo dõi, em lại có thêm các cơn co gồng, tím môi trong khoảng 1-2 phút và tự hết.
Nguy hiểm hơn, sau 5 ngày nhập viện, T. xuất hiện ngưng tim. Các bác sĩ nhanh chóng thực hiện hồi sức tim phổi, kết hợp sốc điện. Khoảng 30 phút sau hồi sức, em có nhịp xoang (nhịp đập sinh lý ở tim), tỉnh táo. Trẻ được điều trị với thuốc chống rối loạn nhịp.
Trước tình huống trên, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Trí Việt, Trưởng Khoa tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn với Trưởng khoa nhịp tim của Bệnh viện Thống Nhất về vấn đề đặt máy khử rung nhằm có phương án tốt nhất cho bệnh nhân. Sau gần 3 tuần tích cực điều trị, T. đã ổn định, giao tiếp tốt, sinh hiệu và nhịp tim ổn. Em được xuất viện.
Theo bác sĩ Vi, hội chứng QT dài bẩm sinh mà T. mắc phải là chứng rối loạn hoạt động điện của tim. Biểu hiện lâm sàng của bệnh có thể từ không triệu chứng đến hồi hộp, co giật, ngất, cuối cùng là tử vong. Yếu tố khởi phát cơn nhịp nhanh có thể do gắng sức, căng thẳng, áp lực, tiếng ồn, cũng có thể xảy ra khi ngủ hoặc nghỉ ngơi.
Mặc dù hiếm gặp, nhưng hội chứng QT dài là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ em. Bác sĩ lưu ý khi trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng trên, phụ huynh cần giúp tránh các yếu tố khởi phát, trang bị kỹ năng hồi sức tim phổi cơ bản khi trẻ trở nặng.