Hội chèo tàu Tổng Gối được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội truyền thống Hội hát chèo Tàu Tổng Gối, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hội chèo tàu Tổng Gối là lễ hội truyền thống lâu đời, diễn ra vào đầu xuân âm lịch, tại làng Gối xưa (nay thuộc xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Điểm nhấn đặc biệt của Hội là nghi lễ chèo tàu trên cạn - một hình thức diễn xướng dân gian vừa mang tính nghi lễ, vừa mang tính sân khấu.
Theo tích xưa kể lại, tướng Văn Dĩ Thành là một người con thuộc dòng dõi quan lại triều Trần, sinh ra ở vùng Tổng Gối xưa. Là một người học rộng tài cao, thông thạo kinh sử, ông đã có công chiêu mộ binh lính, huấn luyện quân nhân chống lại giặc Minh. Ông nổi tiếng với 6 lời thề ước và chỉ huy đội đánh đâu thắng đấy. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, quân giặc đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Sau khi ông hy sinh trên đất Tổng Gối, để ca ngợi ân đức của tướng Văn Dĩ Thành, người dân Tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo chèo tàu. Vào dịp Rằm tháng Giêng, người dân ở Tổng Gối lại tổ chức Lễ hội truyền thống hát chèo tàu.

Hội chèo tàu Tổng Gối, Đan Phượng, Hà Nội
Trong nghi thức chèo tàu, người dân hóa thân vào vai các thủy thủ, thuyền trưởng để tái hiện chuyến hải trình vượt sóng gió, thể hiện ước vọng cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Những động tác chèo, hò, hát, phối hợp nhịp nhàng theo tiếng trống, tiếng chiêng… tạo nên một không gian văn hóa sống động, thiêng liêng và giàu tính biểu tượng.
Trong danh mục được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này còn có tập quán xã hội và tín ngưỡng Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai; Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-Dăm của người Khmer; huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang; Nghề thủ công truyền thống nghề đan lát của người Tày, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Theo quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Quyết định này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.