Hội chẩn khám chữa bệnh từ xa tận dụng 'giờ vàng', kịp thời cứu sống người bệnh

Tăng cường chuyển giao kỹ thuật qua các khóa đào tạo cùng sự linh hoạt, chủ động trong ứng dụng công nghệ số Telehealth đã kịp thời đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh, thoát 'cửa tử' trong gang tấc.

Một buổi hội chẩn của bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đối với người bệnh bị vùi lấp do lũ quét tại làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) tháng 9/2024. Ảnh: M.M

Một buổi hội chẩn của bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đối với người bệnh bị vùi lấp do lũ quét tại làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) tháng 9/2024. Ảnh: M.M

Ứng dụng Telehealth mang lại nhiều lợi ích

Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua gây sạt lở nghiêm trọng các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều người dân bị vùi lấp do lũ quét. Tại Hà Nội, các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phối hợp với bệnh viện vệ tinh tổ chức hội chẩn trực tiếp qua ứng dụng Telehealth, hỗ trợ và điều trị kịp thời cho người bệnh.

Một trường hợp người bệnh Đ.T.T (31 tuổi, xã Viên Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) bị tai nạn vùi lấp do sạt lở đất đá trong mưa lũ và thời điểm cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân được cấp cứu ban đầu tại Trung tâm Y tế Văn Yên với tình trạng lơ mơ, đa chấn thương phức tạp, ngừng tim một lần… bệnh nhân được cấp cứu hồi sinh tim, phổi, đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp nhân tạo.

Sau cấp cứu ban đầu, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đã liên hệ hội chẩn với Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái. Do tình hình bão lũ, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt bởi lũ lụt, Trung tâm Y tế huyện được liên hệ với Trung tâm Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Trước tình trạng khẩn cấp, TS. Bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cùng Trung tâm Chỉ đạo tuyến trực tiếp chỉ đạo hội chẩn cấp cứu từ xa, đặt sự tin tưởng và định hướng chuyển người bệnh về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ điều trị.

Sau đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kết nối với hai cơ sở y tế để hội chẩn và trao đổi chuyên môn. Nhờ thực hiện các biện pháp cấp cứu hồi sức ban đầu và chuyên sâu, phẫu thuật điều trị kịp thời cho bệnh nhân đảm bảo duy trì các chức năng sống của người bệnh.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang hội chẩn với các bệnh viện tuyến Trung ương về những ca bệnh khó, phức tạp. Ảnh: V.N

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang hội chẩn với các bệnh viện tuyến Trung ương về những ca bệnh khó, phức tạp. Ảnh: V.N

Cứu sống người bệnh đột quỵ trong “giờ vàng”

Tháng 12/2023, Bệnh viện Bạch Mai ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ y tế toàn diện với tỉnh Hà Giang. Theo thỏa thuận hợp tác trong 5 năm, Bệnh viện Bạch Mai ưu tiên hỗ trợ đào tạo năng lực chuyên môn, kỹ thuật, quản lý cơ bản và chuyên sâu cho cán bộ y tế của Hà Giang theo 3 hình thức: đào tạo trực tiếp tại bệnh viện, đào tạo tại tỉnh và đào tạo từ xa qua hệ thống công nghệ thông tin (Telehealth).

Trong đó, quan tâm nâng cao năng lực quản lý bệnh viện, các kỹ thuật y học thực hành, đặc biệt là tim mạch can thiệp, điện quang can thiệp, tiết niệu, lọc máu, hồi sức cấp cứu, nhi khoa…

Đã có hàng trăm lượt cán bộ y, bác sĩ của Hà Giang được đào tạo chuyển giao kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu. Nhờ đó, các bác sĩ tỉnh Hà Giang có thể làm chủ các kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng điều trị các ca bệnh khó.

Bên cạnh đó, hàng tuần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang tổ chức 2 buổi hội chẩn theo chuyên đề với các bệnh viện tuyến Trung ương về những ca bệnh khó để đánh giá mức độ phức tạp của ca bệnh và đưa ra các phương pháp điều trị tích cực cho người bệnh. Đối với tuyến dưới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang thường xuyên tổ chức hội chẩn, giúp cho việc chẩn đoán được chính xác, giảm tải điều trị cho tuyến trên.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang), tháng 7/2024 đơn vị tiếp nhận bệnh nhân nam, 78 tuổi, nhập viện vì liệt nửa người trái, nói khó, tiếp xúc chậm, liệt mặt bên trái. Bệnh nhân từng bị nhồi máu não vào tháng 5/2022.

Ngay khi tiếp nhận và đánh giá các chỉ số lâm sàng, kíp trực nhận định bệnh nhân đột quỵ trong giờ thứ nhất. Theo chỉ định tuyến cơ sở, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính sọ não để xác định bệnh lý. Kết quả chụp CT thể hiện chẩn đoán ban đầu hoàn toàn đúng.

Nhờ thường xuyên được đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và tăng cường ứng dụng y học từ xa Telehealth trong kết nối hội chuẩn, khám bệnh, BSCKI Vũ Thị Mị nhận định, trường hợp bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được đưa đến viện trong “giờ vàng”. Bệnh nhân đủ điều kiện sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cấp cứu.

Kết quả cuộc hội chẩn khẩn trương với bác sĩ giữa Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang thống nhất điều trị tái thông mạch bằng tiêu sợi huyết. Tại đây, Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình đã làm chủ được kỹ thuật tái thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết.

BSCKII Hoàng Hải Võ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình chia sẻ: “Trước đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh đột quỵ và phải chuyển lên tuyến trên. Từ khi được tham gia đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, bác sĩ của bệnh viện đã tự tin làm chủ kỹ thuật và điều trị cho người bệnh. Nam bệnh nhân 78 tuổi cũng là ca bệnh đầu tiên được đơn vị y tế tỉnh áp dụng kỹ thuật tái thông mạch máu bằng thuốc tiêu sợi huyết thành công. Sau điều trị, bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt, hòa nhập cộng đồng, tránh biến chứng. Thành công của việc điều trị kịp “giờ vàng” đã giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, đi lại bình thường. Đây là một bước tiến vượt bậc đối với tuyên y tế cơ sở”.

Trước đó, tháng 6/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang tiếp nhận bệnh nhân nam 61 tuổi nhập viện trong tình trạng đột ngột xuất hiện yếu nửa người trái, đau đầu nhiều, nói khó. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu đa ổ.

Hình ảnh kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não phát hiện tình trạng mảng vữa xơ gây hẹp trên 85% động mạch cảnh trong bên phải. Xác định tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, khẩn trương có phác đồ điều trị nếu không sẽ có nguy cơ tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong bên phải gây đột quỵ nhồi máu não. Kíp can thiệp mạch, Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đã hội chẩn qua Telehealth với các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai và thống nhất phác đồ điều trị đặt stent động mạch cảnh là phương pháp điều trị đem lại hiệu quả và an toàn nhất đối với bệnh nhân

Thông qua hội chẩn, ứng dụng công nghệ thông tin Telehealth đã kịp thời đưa ra phác đồ điều trị tối ưu, các ca bệnh được cấp cứu, điều trị thành công không chỉ giúp người bệnh bảo toàn tính mạng mà còn khẳng định hiệu quả của công tác phối hợp liên viện giữa bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh.

Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ y tế tỉnh Hà Giang. Ảnh: H.Y

Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ y tế tỉnh Hà Giang. Ảnh: H.Y

“Gỡ” khó những bất cập

Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 12/6/2020 của Bộ Y tế phê duyệt triển khai “Đề án Khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020 - 2025” đã giúp người bệnh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng; giảm chi phí khám, chữa bệnh; đem lại cơ hội cứu sống nhiều ca bệnh nặng.

Việc tăng cường hỗ trợ chuyên môn, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ y, bác sĩ cơ sở góp phần nâng cao tay nghề cho bác sĩ tuyến cơ sở, làm chủ kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng điều trị các ca bệnh khó, đem lại sự hài lòng cho người dân. Đồng thời, giảm chi phí đi lại cho người dân và giảm tải gánh nặng cho các bệnh viện tuyến trên.

Bên cạnh thành tựu đạt được, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đáng chú ý là tình trạng nhân lực y tế phân bố không đồng đều; nhiều kỹ thuật y học cao đã triển khai nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các bệnh viện tuyến Trung ương; việc vượt tuyến khám chữa bệnh xảy ra khá phổ biến, gây quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.

Nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức này, tại Hội nghị Khoa học lần thứ 32 do Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, Tiến sỹ Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai Đề án nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2025-2030.

Theo Tiến sĩ Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) so với giai đoạn trước, Đề án bệnh viện vệ tinh mới sẽ chuyển giao kỹ thuật với nhiều chuyên khoa hơn, để nối gần khoảng cách y tế giữa các tuyến.

Trong đó, ưu tiên đầu tư các chuyên khoa, lĩnh vực có nhu cầu khám, chữa bệnh cao, như: Tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt... và các lĩnh vực có nhu cầu phát triển cấp thiết như công nghệ thông tin, quản lý chất lượng.

Hướng tới bệnh viện vệ tinh là bệnh viện được thụ hưởng, tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ bệnh viện có chuyên khoa hạt nhân. Trong đó, bệnh viện hạt nhân quốc gia là bệnh viện có các chuyên khoa, lĩnh vực phát triển nhất trên phạm vi cả nước, thực hiện được các kỹ thuật cao nhất trong danh mục hoặc đứng đầu lĩnh vực, được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh trên phạm vi cả nước theo chuyên khoa, lĩnh vực.

Triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2025-2030, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu giảm ít nhất 5% tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân so với trước đó.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hoi-chan-kham-chua-benh-tu-xa-tan-dung-gio-vang-kip-thoi-cuu-song-nguoi-benh-398787.html
Zalo