Học văn hóa địa phương qua trải nghiệm Tết
Trước kỳ nghỉ Tết, nhiều trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền vừa tạo không khí vui tươi, vừa giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh.
Tết rộn ràng
Buổi học cuối cùng trước khi nghỉ Tết, học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Phú Xuân) háo hức tham gia các hoạt động chào đón năm mới trong chương trình “Tết Huế - Tết trao yêu thương”. Trong trang phục áo dài truyền thống, các cô cậu học trò nhỏ tíu tít chạy trên sân trường, vui vẻ trải nghiệm không khí chào đón mùa xuân mới, cùng nhau chia sẻ yêu thương và rộn ràng với hoạt động xổ số vui xuân.
Mở đầu chương trình, Trường tiểu học Trần Quốc Toản tái hiện lễ dựng nêu - một nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền, báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu. Tận mắt chứng kiến nghi thức độc đáo này, nhiều học sinh thích thú khi lần đầu tiên được nhìn thấy cây nêu, hiểu ý nghĩa của việc dựng nêu là cầu mong một năm mới bình an. Vui nhất là hoạt động trải nghiệm làm bánh, mứt. Sau khi khám phá nguồn gốc và cách làm bánh pháp lam qua giới thiệu của nghệ nhân Trần Ngọc Huyền, các em học sinh được hóa thân thành những đầu bếp tí hon, tự tay làm ra các loại bánh, mứt thơm ngon, đặc sắc của xứ Huế, như bánh pháp lam, bánh thuẫn, mứt gừng và mứt dừa.
Em Phan Nguyên Đức, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ: “Qua tìm hiểu, em được biết bánh mứt là những món không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên cũng như trong mâm cỗ gia đình ngày Tết. Mỗi món bánh và mứt đều mang những câu chuyện thú vị về lịch sử và văn hóa của Huế. Hôm nay, em rất thích khi biết được quy trình và tự tay làm những loại bánh, mứt vẫn thường có trong mỗi dịp Tết. Điều này giúp em hiểu hơn về những giá trị truyền thống của tết Nguyên đán”.
“Miền Huế nhớ thương - Ẩm thực Tết Huế” là chủ đề hoạt động đọc - trải nghiệm trong không gian văn hóa Huế do Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Thuận Hóa) phối hợp với CLB Sách và Văn hóa Huế tổ chức cho các em học sinh, tại 23-25 Lê Lợi trước thềm tết Nguyên đán. Với các hoạt động: đọc, trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực và ghi lại cảm xúc, các em học sinh tiểu học hiểu thêm về nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống ngày Tết.
Trước khi trải nghiệm, học sinh được tham gia hoạt động đọc với hình thức trạm đọc, trong đó gồm các phiếu đọc giới thiệu về món ăn, nguyên liệu, quy trình chế biến. Không gian của CLB Sách và Văn hóa Huế được tổ chức thành 3 trạm đọc, mỗi trạm đọc là 1 món ăn, gồm mứt gừng, bánh lọc và bánh pháp lam. Ở mỗi trạm đọc, các em đọc – ghi chép thông tin phiếu đọc và vượt qua các thử thách bằng cách trả lời các câu hỏi liên quan đến kiến thức về xuất xứ, nguyên liệu, cách chế biến, thưởng thức các món ăn...
Sau khi hiểu rõ về món ăn, các cô cậu học trò nhỏ hào hứng tham gia trải nghiệm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Được tự tay sên mứt gừng, bắt bánh lọc, làm hộp bánh pháp lam, ai cũng thích. “Ngon quá! hấp dẫn quá!”, các em thích thú reo lên khi thưởng thức sản phẩm do chính tay mình làm ra. Em Nguyễn Hoàng Nam Thư, học sinh lớp 4/2, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt chia sẻ: “Đây là một hoạt động ý nghĩa, lý thú để chúng em có thể hiểu rõ hơn về Tết cổ truyền. Được đọc, trải nghiệm, thưởng thức các món ăn và còn có quà mang về thật tuyệt vời”.
Trao truyền tình yêu văn hóa truyền thống
Trước khi nghỉ Tết, nhiều trường học tổ chức các hoạt động vui Tết, đón xuân vừa tạo không khí vui tươi, vừa giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh. Tết cổ truyền được các nhà trường truyền tải đến học sinh bằng nhiều hình thức và tên gọi khác nhau: “Tết Huế - Tết trao yêu thương”, “Tết đong đầy”, Tết đoàn kết - phiên chợ nghĩa tình”… Các hoạt động được tổ chức đa dạng và phong phú đã tái hiện không gian văn hóa, phong tục và không khí ngày Tết cổ truyền, như: trang trí góc xuân, trang trí các gian hàng Tết mang đậm bản sắc địa phương, thi gói bánh chưng, bánh tét, bày mâm ngũ quả, làm các loại mứt, bánh, tổ chức các trò chơi dân gian…
Những hoạt động này mang đến cho học sinh những trải nghiệm thú vị, không chỉ thu hút sự tham gia của các em mà còn được nhiều bậc phụ huynh quan tâm, ủng hộ. Thầy giáo Dương Quang Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản mong muốn thông qua chương trình, học sinh hiểu được ý nghĩa ngày Tết cổ truyền của dân tộc: “Ngoài kiến thức sách vở, văn hóa truyền thống sẽ thấm sâu vào các em qua hoạt động trải nghiệm. Từ đó, sẽ góp phần gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống cho thế hệ mai sau. Đây cũng là những kỷ niệm đáng nhớ, góp phần lưu lại ký ức đẹp của tuổi học trò”.
Theo chia sẻ của cô giáo Lê Na, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, để góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ và xây dựng nền tảng cho tình yêu, sự tự hào đối với bản sắc Huế, hàng năm, nhà trường đều tổ chức các hoạt động tương tự. Không chỉ trải nghiệm, chương trình còn nhấn mạnh hoạt động đọc để các em cảm nhận trọn vẹn những giá trị tinh tế của văn hóa ẩm thực Huế. Qua đó, mang đến cho các em những bài học ý nghĩa.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chú trọng việc giáo dục kỹ năng mềm, gắn kiến thức đã học trên lớp với cuộc sống; trong đó, môn giáo dục địa phương có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương cho học sinh. Các hoạt động trải nghiệm mang tính “mở” được các nhà trường linh hoạt tổ chức như thế này có tác dụng hỗ trợ không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương. Bên cạnh lồng ghép giáo dục truyền thống dân tộc qua các môn học, hoạt động trải nghiệm Tết là cơ hội để giáo dục học sinh những nét văn hóa truyền thống, Tết cổ truyền của dân tộc. Từ đó, nuôi dưỡng và trao truyền cho học sinh tình yêu văn hóa truyền thống, gìn giữ cốt cách, văn hóa Huế từ khi ngồi trên ghế nhà trường.