Học tiếng của đồng bào để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị
Trên hành trình gìn giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, những người lính mang quân hàm xanh BĐBP Thanh Hóa không chỉ mang theo lương khô, ba lô và súng đạn, mà các anh còn mang theo cả những câu nói thân thương bằng các thứ tiếng dân tộc. Điều này như một minh chứng sống động cho tình cảm bền chặt giữa quân và dân, giữa tiếng nói trái tim và trách nhiệm thiêng liêng đối với đất nước.

Nhờ biết tiếng dân tộc nên cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã nắm bắt tình hình địa bàn nhanh chóng. Ảnh: Tân An
Rào cản vô hình
Thanh Hóa có 213km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Ở các xã vùng cao, biên giới của tỉnh Thanh Hóa như Mường Lý, Pù Nhi, Quang Chiểu, Tén Tằn..., người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú. Trong khi đó, nhiều chiến sĩ Biên phòng mới ra trường, cán bộ trẻ lên nhận nhiệm vụ tại các đồn Biên phòng thường chưa biết hoặc chưa thông thạo tiếng dân tộc địa phương. Điều này tạo ra một khoảng cách vô hình trong giao tiếp và thực thi nhiệm vụ.
Người Mông, người Thái hay người Khơ Mú đều có phong tục tập quán riêng. Không nắm được ngôn ngữ đồng nghĩa với việc không hiểu được hệ giá trị văn hóa của họ. Điều đó làm giảm hiệu quả vận động, hạn chế khả năng hòa nhập của cán bộ, chiến sĩ vào đời sống cộng đồng dân cư, đây là yếu tố then chốt để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
Nói về những khó khăn trong việc “nghe không hiểu, nói không xong”, Thượng úy Lê Văn Dũng, cán bộ Đội Dân vận, Đồn Biên phòng Tén Tằn chia sẻ: “Có lần, tôi đến vận động một gia đình người Mông đưa con đến trường để học chữ, nhưng người mẹ chỉ nhìn tôi lắc đầu rồi đóng cửa. Sau mới biết, họ tưởng tôi đến để vận động đi làm ăn xa, đây là điều họ rất sợ”. Việc không hiểu ngôn ngữ còn khiến người dân e ngại tiếp xúc, dễ dẫn đến hiểu lầm, thậm chí tạo tâm lý xa cách với lực lượng chức năng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của BĐBP là tuyên truyền pháp luật, ngăn chặn các tệ nạn xã hội như tảo hôn, buôn người, vượt biên trái phép, di cư tự do... Tuy nhiên, khi ngôn ngữ trở thành rào cản, việc truyền đạt các nội dung này trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí dễ bị hiểu sai. Đại úy Nguyễn Trung Hiếu, cán bộ Biên phòng tăng cường tại huyện Quan Sơn kể lại: “Trong một buổi họp thôn, khi chúng tôi nói về quy định quản lý rừng, nhiều người dân chỉ gật đầu cho qua chứ không thực sự hiểu. Sau đó, họ vẫn chặt cây làm nương và khi bị nhắc nhở, họ cho rằng mình không được báo trước hay có lần trong bản xảy ra vụ mất bò, chúng tôi đến tìm hiểu thì già làng nói cả tiếng đồng bào, không ai dịch được. Phải nhờ một giáo viên dân tộc Mông đến phiên dịch mới xong”.
Rào cản ngôn ngữ tưởng như nhỏ bé nhưng lại là trở lực lớn đối với công tác biên phòng. Trong thời đại hội nhập, khi tiếng nói không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là nhịp cầu văn hóa, việc trang bị ngôn ngữ dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ không chỉ là nhu cầu trước mắt, mà là chiến lược lâu dài để giữ vững chủ quyền, bảo vệ nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Ngôn ngữ - nhịp cầu nối tình quân dân
Ngôn ngữ không chỉ phục vụ công tác tuyên truyền, mà còn là phương tiện để nắm tình hình địa bàn, hòa giải tranh chấp, xử lý các tình huống phát sinh bất ngờ. Không ít vụ việc phải mất nhiều thời gian để giải quyết chỉ vì lực lượng Biên phòng không thể giao tiếp trực tiếp với người dân do “bất đồng ngôn ngữ”. Trước những khó khăn đó, BĐBP Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ. Những lớp học này không chỉ dạy ngôn ngữ, mà còn giúp người lính hiểu thêm về phong tục tập quán, tín ngưỡng, tâm lý và lối sống của đồng bào.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Chung hướng dẫn người dân trên địa bàn biên giới kỹ thuật nuôi cá cho năng suất cao. Ảnh: Tân An
Không chỉ đơn thuần là lớp học ngôn ngữ, những lớp tiếng Mông còn là biểu hiện sinh động của chính sách “bám dân, gần dân, hiểu dân, giúp dân” mà BĐBP Thanh Hóa đang thực hiện. Ngôn ngữ là cây cầu nối để người lính và đồng bào đồng hành cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng vùng biên giàu đẹp, an toàn. Tại xã Mường Lý, huyện biên giới Mường Lát - nơi từng là “điểm nóng” về nạn di cư tự do và tảo hôn, nhờ vào việc biết tiếng Mông nên các cán bộ Biên phòng đã đến từng nhà, gặp gỡ từng người để vận động, giải thích cho bà con hiểu về những hệ lụy của việc tảo hôn và di cư tự do nên giờ đây, tình trạng này đã giảm rõ rệt. Ở Đồn Biên phòng Pù Nhi, nhờ học và biết tiếng Mông nên các chiến sĩ đã cùng người Mông hát tiếng Mông, đọc sách tiếng Mông và cả... đọc truyện cổ dân gian bằng ngôn ngữ của họ. Những hoạt động tưởng như đơn giản ấy lại có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhân dân tin tưởng, chủ động phối hợp với BĐBP trong các nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, giữ gìn an ninh trật tự.
Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát cho biết, việc tổ chức các lớp học tiếng Mông của BĐBP Thanh Hóa đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cả về mặt xã hội, quốc phòng - an ninh và phát triển cộng đồng vùng biên giới. Việc cán bộ, chiến sĩ BĐBP biết tiếng Mông giúp họ dễ dàng tiếp cận, trò chuyện, trao đổi với đồng bào dân tộc Mông, từ đó, tạo dựng được lòng tin và sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Bên cạnh đó, còn giúp xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, một trong những nguyên nhân khiến công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật trước đây gặp nhiều khó khăn.
Các lớp học tiếng Mông không chỉ là nơi học tập, mà còn là diễn đàn giao lưu, thắt chặt tình cảm giữa BĐBP và đồng bào dân tộc. Đồng thời, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, an toàn. Đại tá Hoàng Văn Hùng, Chính ủy BĐBP Thanh Hóa cho biết, thông qua việc học tiếng Mông đã giúp cán bộ, chiến sĩ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hiểu biết văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Mông, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và phòng chống tội phạm. “Cán bộ nắm được tiếng dân tộc là lợi thế lớn trong công tác vận động quần chúng và xử lý các tình huống tại cơ sở. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt trong công tác xây dựng lực lượng” - Đại tá Hoàng Văn Hùng nhấn mạnh.
Những lớp học đặc biệt
Những ngày đầu hè, tại giảng đường Trường Đại học Hồng Đức, không khí học tập diễn ra sôi nổi, nhưng lạ thay, đó không phải là những sinh viên bình thường. Họ là những người lính mang quân hàm xanh, những cán bộ đang ngày ngày bám trụ nơi vùng biên viễn của núi rừng xứ Thanh hội tụ về đây cùng nhau học tiếng Mông để xóa nhòa rào cản ngôn ngữ, thắt chặt tình quân dân nơi biên giới.
Lớp học diễn ra trong gần một tháng, theo hình thức tập trung. Ngoài ngữ âm, từ vựng và mẫu câu giao tiếp thông dụng, các học viên còn được tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của người Mông - từ cách tổ chức lễ hội đến ứng xử trong đời sống thường nhật. Giáo trình được biên soạn sát thực, có tính ứng dụng cao trong thực tế công tác dân vận. Tiến sĩ Lầu Y Dua, giảng viên người Mông trực tiếp đứng lớp cho biết: “Tháng 5/2025, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông cho 40 cán bộ, chiến sĩ BĐBP và cán bộ cơ sở đang công tác tại tuyến biên giới. Các anh học rất nghiêm túc, có người buổi tối còn ghi âm bài giảng về nghe lại. Tôi xúc động khi thấy họ say mê học tiếng dân tộc tôi, vì mục tiêu gần dân và phục vụ dân tốt hơn”.
Theo Đại tá Hoàng Văn Hùng, đây là lớp học thứ ba được tổ chức từ năm 2023 đến nay, với gần 80 lượt cán bộ, công chức và chiến sĩ tham gia. Sau các lớp học, nhiều cán bộ Biên phòng đã có thể sử dụng tiếng Mông trong giao tiếp hằng ngày, giải thích chính sách, hòa giải mâu thuẫn và tuyên truyền pháp luật hiệu quả hơn.
“Sắp tới, BĐBP Thanh Hóa sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo, tổ chức thêm các lớp tiếng dân tộc thiểu số khác như Thái, Khơ Mú để phục vụ toàn diện hơn công tác dân vận trên địa bàn” - Đại tá Hoàng Văn Hùng nói.
Ranh giới lãnh thổ có thể được vạch bằng đường biên, nhưng ranh giới lòng người chỉ có thể xóa nhòa bằng sự thấu hiểu và sẻ chia. Với người lính Biên phòng, việc học tiếng dân tộc thiểu số không chỉ là một kỹ năng công tác, mà còn là biểu hiện của tình yêu đất nước, tình yêu con người. Khi tiếng nói được cất lên từ trái tim, thì mọi rào cản sẽ được phá vỡ và nơi biên cương xa xôi ấy sẽ mãi là điểm tựa vững chắc cho bình yên Tổ quốc.