Học thuyết an ninh mới của Israel trong ứng phó với Hezbollah tại Lebanon

Học thuyết an ninh mới của Israel đang định hình lại cách tiếp cận của nước này tại Lebanon. Theo đó, thay vì chỉ tập trung vào phòng thủ và răn đe, Israel quyết tâm 'nghiền nát' nhóm vũ trang Hezbollah.

Một binh sĩ đang kiểm tra đạn dược ở Sderot, Israel

Một binh sĩ đang kiểm tra đạn dược ở Sderot, Israel

Động lực thúc đẩy cách tiếp cận mới

Israel từ lâu đã coi việc phòng thủ và răn đe là một phần của việc bảo vệ an ninh biên giới của mình. Nhưng cuộc đột kích bất ngờ của lực lượng Hamas vào ngày 7-10-2023 đã phơi bày loạt điểm yếu của Israel. Đó không chỉ là sự thất bại về tình báo tồi tệ nhất trong lịch sử Israel mà còn đặt ra câu hỏi về một số khái niệm an ninh cơ bản của nước này khi việc răn đe tỏ ra không hiệu quả, các hệ thống cảnh báo sớm đã thất bại và hoạt động phòng thủ trên bộ bị bị động, bất ngờ.

Ngay sau đó, Israel đã phát động cuộc chiến với Hamas, triển khai chiến dịch không kích dữ dội các mục tiêu của lực lượng này và đưa quân vào dải Gaza. Mặc dù giành được ưu thế, nhưng đến nay Israel chưa thể khuất phục được Hamas và cuộc giao tranh giữa hai bên vẫn còn dai dẳng, bất chấp việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin. Nhưng các cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10-2023 đã làm thay đổi nhiều thứ, trong đó nổi bật nhất là định nghĩa mới về an ninh biên giới. Động lực thúc đẩy cách tiếp cận mới này bao gồm: Quyết tâm hành động đơn phương của Tel Aviv; sự ác cảm với các thỏa thuận an ninh cản trở quyền này; việc nhấn mạnh vào tầm quan trọng khi duy trì các vùng đệm, điểm chiến lược (như dải Gaza, Lebanon và Syria); kỳ vọng Mỹ sẽ nhất trí cách tiếp cận mới.

Với sự hậu thuẫn của Mỹ, trong 1,5 năm qua, Israel đã thể hiện sức mạnh áp đảo đối với Hamas và Hezbollah, tạo ra một kịch bản mà nước này có thể lựa chọn leo thang theo những cách khiến đối thủ sẽ thấy khó khăn (nếu không muốn nói là không thể chống lại).

Pháo M109 của Israel khai hỏa

Pháo M109 của Israel khai hỏa

“Mỗi tên lửa bắn vào Israel, sẽ phải trả giá gấp 10 - 20 lần”

Mới đây, một nhóm vũ trang đã bắn 6 quả rocket về phía thị trấn Metulla của Israel. Trong số đó, 3 quả rơi xuống Lebanon, 3 quả còn lại bị phòng không Israel bắn hạ. Không ai bị thương và không có công trình nào tại Israel bị trúng đạn. Để so sánh, nếu như vụ việc trên xảy ra trước ngày 7-10-2023 thì phản ứng của Tel Aviv sẽ khác. Theo đó, Israel chỉ cảnh báo nếu Hezbollah không kiểm soát chặt chẽ các nhóm vũ trang thì sẽ gặp rắc rối. Nhưng hiện nay, mọi thứ đã khác.

Để đáp trả, Israel đã thực hiện “làn sóng tấn công thứ hai” vào miền Nam và miền Đông Lebanon tối 22-3-2025 (theo giờ địa phương). Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo, các cuộc không kích nhắm vào “các trung tâm chỉ huy, cơ sở hạ tầng, bệ phóng tên lửa và 1 kho lưu trữ vũ khí của Hezbollah”. Về phần mình, Hezbollah phủ nhận mọi sự liên quan, nói rằng họ tuân thủ ngừng bắn và cáo buộc Israel sử dụng vụ phóng rocket làm “cái cớ” để tấn công Lebanon. Như vậy, theo học thuyết mới được áp dụng, thông điệp mà Israel muốn gửi đi là rất rõ ràng: “Mỗi tên lửa bắn vào Israel, dù thất bại, sẽ phải trả giá gấp 10-20 lần”.

Duy trì quyền hành động đơn phương

Nhìn lại thời điểm trước khi hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 11-2024, Israel và Hezbollah đã giao tranh xuyên biên giới trong 13 tháng (sau khi xung đột Israel và Hamas ở dải Gaza nổ ra). Tháng 9 năm ngoái, Israel đã phát động chiến dịch tấn công dữ dội vào Hezbollah, hạ sát nhiều chỉ huy của nhóm vũ trang này. Không chỉ loại bỏ các nhân vật chủ chốt của Hezbollah (bao gồm cả thủ lĩnh Hassan Nasrallah), Israel còn tiêu diệt 3.851 tay súng và làm 9.000 người bị thương trong chiến dịch gần đây. Chưa hết, kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, hơn 100 thành viên Hezbollah đã bị Israel tiêu diệt, 120 cơ sở vật chất của lực lượng này bị tấn công, bao gồm cả các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Lebanon (như ở Baalbek), cách biên giới với Israel 100km. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) còn tấn công các đoàn xe chở lậu vũ khí từ Syria đến Lebanon, buộc máy bay Iran chở hàng tiếp tế quay đầu và kiểm soát tàu biển nghi vấn.

Theo kế hoạch ban đầu, IDF dự kiến rút toàn bộ quân khỏi miền Nam Lebanon vào ngày 26-1 năm nay, nhưng họ đã 2 lần hoãn lại và chỉ rút phần lớn lực lượng vào ngày 18-2. Mặc dù vậy, Israel vẫn tiếp tục duy trì hàng trăm binh sĩ tại 5 tiền đồn gần biên giới. Sự hiện diện quân sự này cho thấy tư duy phòng thủ chủ động của Israel, giúp ngăn chặn các tay súng Hezbollah xâm nhập vào các ngôi làng biên giới ở nước này. Không chỉ giúp phát hiện và ngăn chặn tấn công từ xa, việc duy trì các tiền đồn này đồng thời tạo áp lực tâm lý lên nhóm vũ trang Hezbollah. Đó cũng là lời nhắc nhở rõ ràng rằng, nếu chống lại Israel thì sẽ phải trả giá dài hạn.

Điều đáng nói là 4 tháng sau lệnh ngừng bắn, dù bị Israel bắn phá hàng chục mục tiêu ở Lebanon, Hezbollah vẫn hạn chế đáp trả. Lực lượng này dường như nhận thức rõ sự chênh lệch sức mạnh giữa hai bên. Nếu phóng rocket ồ ạt vào Israel, Hezbollah có thể bị đối thủ “nghiền nát”. Theo ước tính của Israel, chiến dịch quân sự chống lại Hezbollah đã giết và làm bị thương hàng nghìn thành viên, loại bỏ các nhà lãnh đạo cấp cao và có thể đã phá hủy khoảng 80% kho vũ khí của tổ chức này. Tuy nhiên, việc biến lợi thế đó thành các thỏa thuận chính trị bền vững, hoặc thậm chí là các thỏa thuận hòa bình, sẽ không hề dễ dàng. Nhưng không giống như ở Gaza, Israel đã tận dụng được lợi thế này để thực sự cải thiện tình hình an ninh ở biên giới phía Bắc nước này.

Với việc Hezbollah bị gạt sang một bên, Lebanon đã phá vỡ thế bế tắc chính trị kéo dài, thành lập được chính phủ mới và đẩy các nhóm vũ trang về phía Bắc sông Litani. Israel đang dựa vào cả các hành động đơn phương và hợp tác song phương với Lực lượng vũ trang Lebanon (LAF) để đặt nền tảng cho cách tiếp cận nhằm bảo vệ biên giới phía Bắc. Israel và Lebanon đang trong quá trình đàm phán các điểm tranh chấp trên biên giới đất liền, một phần đi kèm với thỏa thuận biên giới trên biển do Mỹ làm trung gian được thiết lập vào năm 2022.

Các thành viên của Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon

Các thành viên của Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon

Thiết lập các tiền đồn quân sự bảo vệ biên giới

Trong hơn một thập kỷ, Israel đã tấn công các cơ sở quân sự của Iran và Syria (nằm sâu trong lãnh thổ Syria) để ngăn chặn hoạt động vận chuyển vũ khí cho Hezbollah. Sự sụp đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar Assad vào tháng 12-2024 cũng cho thấy cách tiếp cận mới của Israel đối với việc bảo vệ biên giới của họ. Trong những ngày sau khi chế độ của ông Assad sụp đổ, Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc tấn công vào các mục tiêu trên không, trên biển và trên bộ của chế độ cũ. Đồng thời, triển khai lực lượng vào khu vực phi quân sự rộng lớn đã được Liên hợp quốc giám sát kể từ thỏa thuận do Mỹ làm trung gian giữa Israel và Syria hồi tháng 6-1974, sau Chiến tranh Ả rập - Israel vào tháng 10-1973.

Trong vòng vài tuần, Israel đã thiết lập 9 tiền đồn quân sự dọc theo các dãy núi, bao gồm cả việc kiểm soát đỉnh núi Hermon, qua đó cung cấp khả năng giám sát quan trọng để theo dõi các hoạt động của lực lượng Hezbollah tại thung lũng Bekaa ở Lebanon. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel, lực lượng mà Israel triển khai sẽ ở lại Syria trong “khoảng thời gian không giới hạn”. Mặc dù nắm lợi thế về mặt quân sự, nhưng Israel sẽ phải hợp tác với các nước láng giềng nếu muốn hội nhập khu vực sâu rộng hơn và một Trung Đông an toàn, ổn định, thịnh vượng hơn về mặt kinh tế.

Theo Jpost/Foreign Policy

Hoàng Cường

Theo Jpost/Foreign Policy

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hoc-thuyet-an-ninh-moi-cua-israel-trong-ung-pho-voi-hezbollah-tai-lebanon-post607439.antd
Zalo