Học tập phong cách tự phê của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; một nhà quân sự xuất sắc, người anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam. Một nhà văn hóa lỗi lạc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng của Nhân dân. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng của Nhân dân. Ảnh tư liệu

Cuộc đời hoạt động cách mạng hết lòng vì nước vì dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Trong số nhiều bài học quý giá chúng tôi thấy có bài học về phong cách tự phê của Đại tướng. Đó là phong cách nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né thiếu sót, khuyết điểm, mạnh dạn có giải pháp phù hợp dể vượt qua khó khăn, thách thức trả lời những vấn đề thực tiễn đặt ra. Dưới đây là một số bài học:

1. Cần hiểu rõ trình độ quần chúng

Năm 1941, Đại tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ về gây dựng phong trào cách mạng ở tỉnh Cao Bằng, vận động quần chúng tích cực vào Hội Cứu quốc và mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho các hội viên Hội Cứu quốc ở vùng đồng bào dân tộc Nùng, Dao, Mông để phong trào cách mạng phát triển rộng khắp các bản mường.

Một lần, trong một lớp học, nhân khi giảng về tình hình thế giới, Đại tướng đã nói cho anh chị em nghe về bốn mâu thuẫn lớn trên thế giới hiện nay. Dựa vào bài giảng soạn rất ngắn gọn, Đại tướng vẫn nghĩ là mình đã nói rất đơn giản dễ hiểu, dễ nhớ. Đến lễ tốt nghiệp, anh chị em hăng hái nói lên kết quả học tập, hứa hẹn ra về sẽ tích cực hoạt động cho hội. Khi tôi tưởng mọi người đã nói xong thì thấy một hội viên tên là Đề Thám giơ tay xin phát biểu:

- Xin đồng chí cho em ra hội?

Đồng chí này vốn là một thanh niên tốt, hăng hái, Đại tướng ngạc nhiên hỏi lại:

- Vì sao đồng chí lại xin ra hội?

- Vào hội thì làm việc gì khó khăn, nguy hiểm đến đâu em cũng làm được, chỉ có mỗi cái học như thế này khó quá, không nhớ được, sợ không làm tròn nghĩa vụ của người hội viên. Em không hiểu bốn mâu thuẫn là gì.

Sau khi được giải thích, người hội viên cốt nhất là có tinh thần yêu nước, trung thành với hội, trong khi đấu tranh thì không sợ hiểm nghèo, không sợ hy sinh, còn học thế này là để về tuyên truyền, giác ngộ cho bà con, lần này chưa hiểu thì lần khác học tập thêm sẽ hiểu chứ hội không bắt buộc phải hiểu cả, nhớ cả ngay trong một lúc... thì đồng chí Đề Thám hết sức vui lòng. Đồng chí nói:

- Tưởng bắt buộc phải nhớ hết thì em chịu.

Về sau, đồng chí Đề Thám vào bộ đội, được kết nạp vào Đảng, trở thành một cán bộ tốt của quân đội. Lần ấy, bản thân tôi đã rút ra được một bài học thấm thía: một điều cơ bản trong công tác vận động quần chúng là muốn đưa quần chúng, đưa phong trào lên, thì phải hiểu rõ trình độ quần chúng, có đi sát với trình độ quần chúng thì mới đưa quần chúng lên được, dùng thêm những hình vẽ để giảng bài. Khi nói đến Tây, Nhật áp bức bóc lột dân ta, thì tôi vẽ hình thằng Tây, thằng Nhật đánh đập đồng bào, vẽ người dân trên lưng chồng chất sưu cao, thuế nặng. Khi giảng về vấn đề đoàn kết để đánh Tây, đuổi Nhật thì vẽ người Mán, người Thổ, người Kinh cùng nắm tay nhau... Cách này đã giúp anh chị em hiểu được dễ dàng hơn.

Để tiện việc tuyên truyền, Đại tướng còn đem chương trình Việt Minh soạn thành văn vần: Việt Minh ngũ tự kinh. Đại tướng lại dịch ra tiếng Tày, tiếng Mán tiền và tiếng Mán trắng. Nhờ thế chương trình Việt Minh được truyền đi rất rộng và nhanh. Đại tướng còn được giới thiệu một thanh niên người Dao là Bàn Tài Tuyên có năng khiếu sáng tác các bài hát bằng tiếng dân tộc. Đại tướng động viên, khuyến khích Bàn Tài Tuyên sáng tác các bài hát từ những tài liệu dùng cho lớp tập huấn. Có bản, đồng bào mới được tổ chức vào hội, khi Đại tướng đến khai hội, đã nghe các chị phụ nữ và các em nhi đồng vừa cán bông, giã gạo, vừa hát Việt Minh ngũ tự kinh. Nhiều bài hát lượn nội dung cách mạng bằng tiếng Thổ, tiếng Mán xuất hiện [1]

2. Thất bại là do chủ quan

Năm 1947. Thực dân Pháp thực hiện chiến lược đánh nhanh thắng nhanh tấn công vào chiến khu Việt Bắc. Chúng lập phòng tuyến quân sự dọc đường số 4 từ thị xã Lạng Sơn lên tỉnh Cao Bằng với mục tiêu cắt đứt mọi liên lạc của ta với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa.

Tháng 6 - 1950, Bác Hồ và Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch biên giới. Tháng 7 - 1950, Trung ương thành lập Đảng ủy Mặt trận và Bộ Chỉ huy chiến dịch do Tổng chỉ huy quân đội Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.

Từ Cao Bằng theo đường số 4 về Lạng Sơn có rất nhiều cứ điểm do Pháp đóng quân chốt chặn đường biên giới Việt - Trung. Dự kiến lúc đầu ta mở chiến dịch sẽ đánh vào thị xã Cao Bằng. Sau đó, Đại tướng cùng các tướng lĩnh đi khảo sát tình hình nhận thấy thị xã Cao Bằng địa bàn hiểm trở, quân Pháp đã xây dựng ở đây những cứ điểm phòng ngự kiên cố, tập trung quân số khá đông, đều là các tiểu đoàn lính Âu - Phi dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Đại tướng đã báo cáo với Trung ương cho chuyển trận mở màn chiến dịch sang đánh đồn Đông Khê. Tháng 8 - 1950, Bác Hồ chấp thuận chuyển hướng mở màn chiến dịch sang đánh đồn Đông Khê. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia chỉ huy trận đánh... Đông Khê là cứ điểm phòng thủ kiên cố, yết hầu của Pháp trên đường số 4. Quân ta đánh đồn Đông Khê theo phương án đánh điểm, diệt viện, nghĩa là vừa tiêu diệt cứ điểm vừa đón đánh quân tiếp viện của Pháp điều lên cứu Đông Khê, gây hoang mang tinh thần quân địch buộc Pháp phải rút quân khỏi khu vực Tây Bắc bảo vệ căn cứ địa kháng chiến của ta.

6 giờ ngày 16 - 9 - 1950, quân ta nổ súng mở đầu trận đánh đồn Đông Khê. Trận đánh kéo dài suốt đêm 16, ngày 17 - 9 - 1950 đến 10 giờ ngày 18 - 9 - 1950 mới kết thúc, thời gian kéo dài 52 giờ.

Sau khi trận đánh kết thúc, Đại tướng trăn trở suy nghĩ và đặt ra nhiều câu hỏi về trận đánh này để đúc rút kinh nghiệm và bài học cho bản thân.

“Vì sao trận mở đầu đột phá khẩu Đông Khê được chuẩn bị với sự chú ý cao nhất lại trở thành một trận công kiên dở nhất từ trước tới giờ, mang lại cho ta nhiều tổn thất? Mở đầu chiến dịch tại Đông Khê, một tiểu đoàn địch đã cầm cự trên 50 giờ với sáu tiểu đoàn của ta” [2, tr.127].

Đại tướng nhận ra rằng: “Phần lớn cán bộ chỉ huy quân sự chỉ thích nói về những trận đánh hay do mình chỉ huy, không thích nhắc đến những trận đánh thất bại… không ai muốn nhắc đến trận Đông Khê [2 tr.128]. Riêng với Đại tướng, trận đánh này tiếp tục gây cho đại tướng nhiều băn khăn suy nghĩ.

“Đúng là khi lấy Đông Khê làm mục tiêu mở đầu chiến dịch thay cho Cao Bằng, ai cũng nhận thấy ta đã tránh một mục tiêu cực kỳ khó, hạ xuống một mục tiêu vừa sức. Anh (Đại tướng) đã ý thức được điều này và chỉ thị cho cơ quan cũng như các đơn vị phải hết sức tránh chủ quan để đánh thắng thật giòn giã trận mở màn chiến dịch. Ta đã huy động hai trung đoàn, một lực lượng gấp sáu lần quân địch để đảm bảo chắc thắng. Những vũ khí tốt nhất cũng được dành cho Đông Khê… Nhưng vì sao trận đánh đã kéo dài hơn 50 giờ với những tổn thất nặng nề?

Cuối cùng Đại tướng nhận thấy nguyên nhân của thất bại này là do chủ quan. Đông Khê không chỉ nhỏ, yếu hơn Cao Bằng về mọi mặt mà còn là một đơn vị vừa bị trung đoàn 174 tiêu diệt. Trung đoàn 174 lúc đó chưa phải là một trung đoàn chủ lực có truyền thống đánh công kiên. Mọi người đều tin: vừa đó đánh được, lần này lực lượng được tăng cường gấp đôi, lẽ nào lại không đánh được! Người ta đã quên một điều trong quân sự là “Không có trận đánh nào giống trận đánh nào”. Ta đã biết rõ trong trận Đông Khê hồi tháng 5, cứ điểm này đã bị bộ đội ta tàn phá, sau đó địch đã xây dựng lại nhưng chắc không khác đồn cũ nhiều. Đoàn cán bộ của hai trung đoàn cùng đi trinh sát thực địa trước trận đánh, nhận thấy đồn địch không có sự thay đổi gì lớn, trừ việc địch cho chặt hết cây cối trên pháo đài trung tâm và đánh nhiều bậc ở những chỗ trống để hạn chế tộc độ đột nhập của bộ đội ta. Như vậy việc đi nghiên cứu thực địa gần như không đạt kết quả, ta chỉ thấy được một chút thay đổi bề ngoài mà không hề biết gì về bố phòng bên trong của địch:

Từ trước tới nay những trận công kiên của ta đều diễn ra ban đêm. Cùng với sự quá tin vào sức mạnh của lực lượng ta dẫn tới bố trí trận đánh diễn ra ban ngày” [2 tr.129].

Sự chuẩn bị sơ sài đó đã đưa đến kết quả vào giờ tiến công có hai mũi xung kích thì một mũi không đến được trận địa xuất phát xung phong, khiến trận mở đầu vào buổi sáng phải lưu lại đến tối. Lực lượng của ta suốt một ngày bị đặt dưới hỏa lực của máy bay Hellcat và hỏa lực từ trong đồn bắn ra... Và điều nguy hiểm nhất là địch đã biết đường tiến quân của ta để chuẩn bị đối phó khi trận đánh tiếp tục” [2 tr.129-130].

Đêm 16 - 9 - 1950 hai mũi tiến quân quyết liệt vào đồn. Họ tổn thất vì đường tiến quân đã bị địch phát hiện. Những đợt tiến công lẻ tẻ không có trọng điểm. Các mũi tiến công của ta không tạo được sức mạnh vì đánh không có trọng điểm”

Đại tướng đã trăn trở suy nghĩ, tự kiểm điểm nghiêm túc về những mặt không thành công của trận Đông Khê để rút ra cho mình có thêm những kinh nghiệm và bài học cực kỳ quý giá.

3. Kiên định chuyển phương án Đánh nhanh, Thắng nhanh sang phương án Đánh chắc, tiến chắc

Năm 1953, Thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống thung lũng Mường Thanh, lòng chảo Điện Biên Phủ và tập trung nguồn lực xây dựng Mường Thanh trở thành một cứ điểm mạnh bất khả xâm phạm. Sau này qua các nguồn tài liệu liên quan đến Điện Biên Phủ được công bố chúng ta được biết tướng Na-Va, Tổng chỉ huy quân viễn chính Pháp ở Đông Dương dự định xây dựng Điện Biên Phủ trở thành cứ điểm mạnh để thành cái bẫy thu hút chủ lực quân đội ta đến để nghiền nát. Ngoài nguồn lực vật chất, tài chính xây dựng cứ điểm, Pháp còn đưa đến Điện Biên Phủ một loạt tướng chỉ huy quân sự tài giỏi của nước Pháp đến chỉ huy trực tiếp.

Đến đầu năm 1954, cứ điểm Điện Biên Phủ đã có 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 2 tiểu đoàn pháo binh 105 ly, 1 đại đội pháo 155 ly, 2 đại đội súng cối 120 ly với 40 khẩu pháo, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng gồm 10 chiếc, 1 phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Tổng số quân đội địch ở cứ điểm lên tới 16.200 quân, bố trí ở 49 điểm trong lòng chảo bao quanh Trung tâm chỉ huy Mường Thanh.

Ngày 06 - 12 - 1953, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, chọn nơi đây là điểm quyết chiến chiến lược.

Cuối thàng 12 - 1953, Trung ương thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ, chỉ định Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng mặt trận và thống nhất phương án Đánh nhanh thắng nhanh, tổng phản công cứ điểm Điện Biên Phủ trong 2 đêm 3 ngày.

Từ tháng 1 - 1954, toàn quân, toàn dân dốc sức chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ theo phương án Đánh nhanh, thắng nhanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy lên đường ra mặt trận để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 14 - 1 - 1954, Tại Thẩm Pua, Đại tướng tổ chức cuộc họp cán bộ chỉ huy các đại đoàn, trung đoàn và cán bộ tham mưu chiến dịch để thống nhất quyết tâm chiến đấu và bàn sâu phương án tác chiến Đánh nhanh, Thắng nhanh. Sau hội nghị Thẩm Pua, Đại tướng đã nhiều đêm thức trắng. Đại tướng tâm sự: Đại tướng đã qua nhiều chiến dịch rất khó khăn nhưng chưa bao giờ lại thấy trận chiến Điện Biên Phủ lần này không hề có mảy may hy vọng giành thắng lợi, cũng như không có cách nào làm giảm nhẹ tổn thất nếu trận đánh không thành công.

Đại tướng nhớ lại lời Bác Hồ trong cuộc họp Trung ương quyết định chọn đánh cứ điểm Điện Biên Phủ: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại, bại thì hết vốn”.

Trước khi ra Mặt trận, Đại tướng đến gặp chào Bác Hồ. Trước lúc chia tay, Bác Hồ dặn: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”:

Đến chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tướng đã chỉ thị cho các phái viên xuống các đơn vị chiến đấu nắm tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Các phái viên về báo cáo đều cho biết: “Tình hình chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ rất cao, anh em tin tưởng ở thắng lợi”. Qua những năm tháng chiến đấu, Đại tướng đã biết được một kinh nghiệm”. Trước một trận đánh, người chỉ huy không được phép chỉ nghĩ đến thắng lợi mà phải đặt cho mình câu hỏi: “Nếu không thắng thì sao”. Với phương án Đánh nhanh Thắng nhanh, anh tin là không ít người còn băn khoăn. Nhưng không ai dám nói ra lúc này vì trận đánh đã trở thành một nhiệm vụ chính trị của Đảng, một quyêt tâm, một niềm tin của Đảng, trận đánh sắp bắt đầu mà đề cập tới điều này tức là chống lại một chủ trương lớn, hay ít nhất cũng là reo rắc một sự hoài nghi, hoang mang trước khi trận đánh khởi đầu” [2 tr.284].

Và Đại tướng đã tự hỏi bản thân: “Nhưng còn mình thì sao? Mình là người được Trung ương trao trách nhiệm chính đối với chiến dịch... Mình thấy rõ chiến dịch nếu tiến hành theo cách này, nhất định thất bại và hậu quả sẽ khôn lường? Ngày đầu, khi nghe chủ trương này mình đã không thể phản đối vì mới chân ướt, chân ráo tới mặt trận. Thế nhưng bây giờ Đại tướng có điều kiện nắm tình hình, thâm nhập thực tế để cân nhắc mọi mặt, đã biết rằng nếu không chuyển ngay cách đánh sẽ phải đón nhận một thảm họa chắc chắn. Nhưng một câu hỏi khác lại xuất hiện: Nếu chuyển sang cách đánh mới mà đánh không thắng thì sao? Rõ ràng là lúc đó mọi trách nhiệm sẽ đổ vào đầu mình” [2 tr.284].

Tại sở chỉ huy chiến dịch, Đại tướng đã gặp Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh nêu rõ vấn đề: “Tôi cho rằng quân địch ở Điện Biên Phủ không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự mà chúng đã có một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố, trong khi đó bộ đội Việt Nam có ba cái khó khăn lớn:

Thứ nhất, lực lượng của Pháp có sự thay đổi rất lớn, từ 6 tiểu đoàn lên tới 12 tiểu đoàn, Pháp được Mỹ viện trợ nhiều phương tiện vũ khí chiến tranh hiện đại nhất khi đó, hệ thống công sự phòng ngự được xây dựng kiên cố, vững chắc.

Thứ hai, trận này ta không có máy bay, xe tăng, hợp đồng giữa bộ binh và pháo binh quy mô cũng là lần đầu, bộ đội lại chưa qua diễn tập.

Thứ ba, bộ đội Việt Nam từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực của quân đội Việt Nam chưa có kinh nghiệm tác chiến ban ngày trên địa hình bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Nếu theo phương án Đánh Nhanh, Thắng nhanh là thất bại [2 tr.288].

Điều Đại tướng trăn trở là mỗi trận đánh chỉ được coi là thắng, là hay, đó là trận đánh hoàn thành mục tiêu đề ra nhưng sinh lực của bộ đội tổn thất thấp nhất. Người chỉ huy phải luôn coi đó là một nguyên tắc để quyết định các phương án đánh địch. Với phương án Đánh nhanh, Thắng nhanh nếu không suy xét kĩ ta đưa quân chủ lực vào đối đầu với hệ thống công sự đã được chuẩn bị kiên cố kết hợp với hỏa lực mạnh của pháo binh và máy bay địch chắc chắn mắc vào cái bẫy pháp giăng ra muốn bộ đội ta đối đầu để chúng nghiện nát nhằm thay đổi cục diện chiến tranh ở Đông Dương.

Đại tướng nghĩ đến cảnh bộ đội ta hy sinh: “Anh hình dung nhưng cơn mưa đại bác điên cuồng, máy bay địch chiếc dội bom, chiếc lao xuống bắn phá, những cán bộ, chiến sĩ ngã trước hàng rào dây thép gai, những đơn vị bộ binh nằm trong đồn địch giữa ban ngày, những thương binh không được cứu chữa… Nhiều con người cụ thể hiện lên trước mắt anh, họ là những đồng chí, đồng đội đã chiến đấu với anh từ ngày thành lập giải phóng quân, ngày Toàn quốc kháng chiến, những người mới ra đi từ dồng ruộng, từ mái trường, từ vùng tạm chiếm… mà anh mới gặp trên đường hành quân” [2 tr.286].

Sau 11 đêm không ngủ, cân nhắc mọi mặt với nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, ngày 26 - 1 - 1954, tại Sở chỉ huy chiến dịch, Đại tướng tổ chức cuộc họp Đảng ủy Mặt trận, với tinh thần dân chủ, phân tích thấu đáo tình hình, trao đổi thẳng thắn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi đến quyết định: Chuyển phương án đánh cứ điểm Điện Biên Phủ từ Đánh nhanh, Thắng nhanh sang Đánh chắc, tiến chắc. Theo Đại tướng, ngày hôm đó, Đại tướng đã thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. Với quyết định sáng suốt thay đổi phương án tác chiến đã góp phần quyết định vào chiến thắng quân Pháp ở Điện Biên Phủ.

Kết luận:

Là một nhà hoạt động cách mạng cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với đồng bào để gây dựng phong trào cách mạng, là một vị tưởng từng chỉ huy hàng trăm trận đánh, ở bất kỳ hoàn cảnh, môi trường nào, Đại tướng đều nêu một tấm gương về một lãnh đạo với tác phong sâu sát cuộc sống, phân tích sâu sắc, thấu đáo mọi hoạt động từ thực tiễn để có quyết định sáng suốt. Đại tướng luôn trăn trở, suy nghĩ về những vấn đề khó khăn, thách thức của hoạt động cách mạng và chiến đấu, chứng tỏ Đại tướng là nhà chỉ huy quân sự rất sâu sát chiến trường, luôn tự vấn để tìm ra quyết định sáng suốt trả lời những câu hỏi đặt ra từ thực tiễn, từ đó rút ra bài học cho bản thân và cho cán bộ cách mạng.

Tài liệu tham khảo:

1. Võ Nguyên Giáp (1964), Từ nhân dân mà ra, Hồi ký Đai tướng Võ Nguyên Giáp, Hữu Mai thể hiện), Nxb Quân đội Nhân dân;

2. Hữu Mai (2024), Không phải huyền thoại, Nxb Trẻ.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Thức

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hoc-tap-phong-cach-tu-phe-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-a28680.html
Zalo