Học sinh xin nghỉ đội tuyển vì 'ôn thi học sinh giỏi môn tích hợp quá vất vả'
Tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở năm học tới, học sinh sẽ phải thi môn tích hợp chứa đựng kiến thức của 2-3 môn học truyền thống.
Từ năm học 2024 - 2025, kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở sẽ đưa hai môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí thay thế 5 môn học (Vật lí, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lí) trong các kỳ thi trước đó.
Đây là một thử thách không chỉ với các học sinh mà còn cả với nhiều nhà trường. Thực tế, nhiều địa phương vẫn còn đang gặp khó khăn trong việc tổ chức và ôn luyện cho các đội tuyển tích hợp, dù năm học mới sắp bắt đầu và chỉ còn vài tháng nữa là các kỳ thi học sinh giỏi “kiểu mới” sẽ diễn ra.
Học sinh xin nghỉ đội tuyển vì “ôn thi môn tích hợp quá vất vả”
Đã có hơn 30 năm kinh nghiệm ôn luyện cho các đội tuyển học sinh giỏi, thầy Hà Văn Thọ - giáo viên môn Khoa học tự nhiên của Trường Trung học cơ sở Nhữ Bá Sỹ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm đến những đổi mới trong kỳ thi sắp tới.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hà Văn Thọ cho biết, huyện Hoằng Hóa đã tổ chức thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện môn tích hợp cho học sinh lớp 8 từ năm học 2023 - 2024.
Theo thầy Thọ, khi thi theo hình thức tích hợp, học sinh sẽ gặp khó khăn ở nhiều khía cạnh, đặc biệt với môn Khoa học tự nhiên mà thầy đang giảng dạy: “Một là, về kiến thức, học sinh sẽ phải đồng thời ôn luyện cả 3 phân môn là Vật lí, Hóa học, Sinh học trong cùng một đợt thi. Điều này là gánh nặng cho các em vì nội dung phải ôn tập, ghi nhớ quá nhiều.
Hai là, về thời gian, đặc biệt với học sinh cuối cấp. Bên cạnh ôn thi học sinh giỏi môn tích hợp, các em vẫn phải học tập các môn Toán, Ngữ văn để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Với các em ở độ tuổi nhỏ, có thể sẽ sinh ra tâm lý chán nản, bỏ cuộc khi gặp áp lực lớn.
Ba là, xung đột về định hướng. Đối với những học sinh đạt mục tiêu thi vào “trường chuyên, lớp chọn”, thường không muốn tham gia đội tuyển tích hợp vì sợ bị phân tán, mất thời gian, ảnh hưởng đến kết quả thi vào lớp 10”.
Thầy Hà Văn Thọ cũng cho biết, hiện tại, Trường Trung học cơ sở Nhữ Bá Sỹ đã thành lập các đội tuyển học sinh giỏi cho các môn học, trong đó, đội tuyển môn Khoa học tự nhiên có hơn 10 thí sinh.
“Tuy nhiên, trong số đó, đã có một số em bỏ cuộc, một số em khác cũng có dấu hiệu muốn xin nghỉ do việc học quá vất vả. Hiện tại, cả thầy cô lẫn các em học sinh đều đang rất mong chờ sự chỉ đạo về hình thức thi cụ thể, để chuẩn bị một cách tốt nhất” - thầy Thọ chia sẻ.
Thầy Thọ cũng cho biết, để thực hiện theo nội dung, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô tham gia ôn thi học sinh giỏi môn tích hợp cũng chủ động đổi mới nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp, đặc biệt chú trọng hơn đối với những câu hỏi lý thuyết, vận dụng thực tế vào bài học.
Tuy nhiên, đây lần đầu tiên thực hiện ôn luyện đội tuyển theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên việc lựa chọn, sử dụng tài liệu, câu hỏi còn rất nhiều hạn chế, khó khăn.
Bên cạnh một số trường trung học cơ sở đã có đội tuyển tích hợp, nhiều trường vẫn ôn luyện theo lối truyền thống, giáo viên có năng lực ở phân môn nào thì dạy riêng phân môn đó.
Đã có hơn 10 năm ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi, cô Ninh Thị Thúy - giáo viên môn Lịch sử và Địa lí tại Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội cho biết, trong năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội vẫn chưa tổ chức thi tích hợp.
Theo đó, Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng hiện nay vẫn chưa có đội tuyển học giỏi môn tích hợp, mà chỉ có đội tuyển theo từng phân môn. Mỗi đội tuyển có thể có từ 1 đến 2 giáo viên phụ trách. Năm học 2023-2024, cô Thúy cùng 1 giáo viên khác phụ trách đội tuyển Lịch sử, đội tuyển Địa lí do 2 giáo viên khác phụ trách.
Cô Thúy chia sẻ: “Dự kiến đến tháng 10/2024, quận Cầu Giấy sẽ tổ chức kỳ thi học sinh giỏi. Trong giai đoạn này, học sinh vẫn đang ôn riêng với từng giáo viên phân môn và chưa ôn thi nội dung tích hợp.
Tuy nhiên, môn Lịch sử và Địa lí lớp 9 có 3 chủ đề chung, nên trong các đề kiểm tra học sinh giỏi sẽ có câu hỏi chung về chủ đề đó. Hiện tại, các đội tuyển đang đặt trọng tâm vào những nội dung mới mà sách giáo khoa chương trình cũ chưa có”.
Tìm phương án tối ưu trước kỳ thi mới
Trao đổi cùng phóng viên, Tiến sĩ Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên học sinh trung học cơ sở tham gia kỳ thi học sinh giỏi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình có nhiều sự thay đổi về nội dung và thời lượng giáo dục, trong đó đặc biệt là môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí.
Môn Lịch sử và Địa lí gồm các nội dung kiến thức về lịch sử, địa lí và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hóa, khoa học, tôn giáo... Ngoài ra có thêm một số chủ đề mang tính tích hợp, như: Bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở biển.
Môn Khoa học tự nhiên bao gồm các kiến thức, kĩ năng tích hợp về Vật lí, Hóa học và Sinh học, được tổ chức theo các mạch nội dung (chẳng hạn, chất và sự biến đổi chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời).
Do vậy, cấu trúc đề thi và khung chương trình bồi dưỡng thi tuyển sinh, thi học sinh giỏi cấp tỉnh bắt buộc phải thay đổi cho phù hợp với chương trình”.
Theo vị Giám đốc Sở, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 của tỉnh Tuyên Quang năm học 2024 - 2025, dự kiến ngoài các môn thi đơn môn, sẽ tổ chức thêm các môn:
Môn Khoa học tự nhiên 1 (30% kiến thức chung, 70% kiến thức, kĩ năng về Vật lí); Khoa học tự nhiên 2 (30% kiến thức chung, 70% kiến thức, kĩ năng về Hóa học); Khoa học tự nhiên 3 (30% kiến thức chung, 70% kiến thức, kĩ năng về Sinh học).
Môn Lịch sử và Địa lí 1 (20% kiến thức chung, 80% kiến thức, kĩ năng về Lịch sử); Lịch sử và Địa lí 2 (20% kiến thức chung, 80% kiến thức, kĩ năng về Địa lí).
Dự kiến cuối tháng 8/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang sẽ tổ chức hội thảo liên quan đến vấn đề thi học sinh giỏi năm học 2024 - 2025 và tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025 - 2026.
Sau đó, Sở sẽ tổ chức xây dựng và công bố khung cấu trúc đề thi và khung chương trình bồi dưỡng thi tuyển sinh, thi học sinh giỏi cấp tỉnh trong tháng 9/2024 để phụ huynh và học sinh sớm chuẩn bị.
Đối diện với một kỳ thi rất mới, không ít địa phương vẫn đang loay hoay tìm phương án tối ưu. Ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ, Sở vẫn đang bàn bạc về kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở.
Trước đó, vào tháng 11/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Tập huấn nâng cao chất lượng học sinh giỏi các cấp. Tham gia buổi tập huấn, có các giáo viên đang dạy đội tuyển học sinh giỏi lớp 8 cấp huyện/thành phố; giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh (mỗi môn tối thiểu 02 giáo viên); học sinh lớp 9 thuộc các đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học này; học sinh lớp 8 dự nguồn thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2024 - 2025.
Mục đích buổi tập huấn là giúp giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi nắm được mức độ, yêu cầu triển khai đối với mỗi chuyên đề, đồng thời tác động tích cực tới đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo, chủ động, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và yêu cầu của kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, Olympic khu vực và quốc tế.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) - ông Nguyễn Văn Hưng cũng chia sẻ thành phố sẽ tổ chức kỳ thi học sinh giỏi các môn tích hợp cho lớp 9 vào năm học tới. Tuy nhiên, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Quảng Ngãi hiện chưa quyết định được cấu trúc đề thi.
“Điều quan trọng nhất là chọn được các câu hỏi kết hợp kiến thức liên môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí” - ông Hưng bày tỏ.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-tap-huan-toan-quoc-day-hoc-mon-tich-hop-va-hd-trai-nghiem-huong-nghiep-post239821.gd