Học sinh vùng khó đón đợi chính sách mới

Với việc tăng mức hỗ trợ cho học sinh bán trú, mở rộng đối tượng thụ hưởng..., Nghị định 66/2025/NĐ-CP của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định 66) quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách có hiệu lực từ ngày 1/5/2025. Điều này góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú.

Thầy Lý Đình Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Luận Khê (Thường Xuân) cùng các em học sinh trong giờ ăn trưa.

Thầy Lý Đình Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Luận Khê (Thường Xuân) cùng các em học sinh trong giờ ăn trưa.

Đều đặn hằng ngày, cứ khoảng 6 giờ sáng thầy Lý Đình Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Luận Khê (Thường Xuân) lại tất bật gõ cửa từng phòng đánh thức học trò dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng để ra lớp học. Chiều muộn, sau khi các em về phòng, ổn định nền nếp, thầy mới yên tâm về phòng nghỉ ngơi, chuẩn bị bài vở. Năm nay 56 tuổi, nhà cách nơi công tác hơn 30km, để tiện công việc, thầy ở lại trường cuối tuần mới về. Ngoài dạy học, thầy và một số giáo viên khác được phân công trực bán trú, lo từng miếng ăn, giấc ngủ, sức khỏe, học hành... cho học trò.

Thầy Tuấn cho biết: “Cuộc sống bán trú khó khăn, thiếu thốn tình cảm của gia đình, cũng vì ở xa nên những lúc các em không may bị đau ốm, người nhà không lên kịp, thầy cô lại kiêm luôn việc chăm sóc từ viên thuốc đến bát cháo. Vất vả là vậy, nhưng thấy học trò ăn ngon, ngủ ngon, đến lớp đầy đủ đã là một niềm hạnh phúc lớn lao, tiếp thêm động lực để chúng tôi bám trường, bám bản”.

Theo tìm hiểu, Trường PTDT bán trú THCS Luận Khê nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện Thường Xuân. Trong số 431 học sinh có 196 em được hưởng chế độ bán trú, hầu hết nhà các em cách xa trường hơn 10km đường rừng, phải qua sông, suối. Thầy Lê Đình Hòa, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn, trước đây tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng nhiều. Thầy cô nơi đây thường xuyên đến tận thôn tuyên truyền, vận động các em đến trường. Từ khi triển khai thực hiện Nghị định 116/2016/NĐ-CP (Nghị định 116) và nay là Nghị định 66 quy định chính sách hỗ trợ cho trẻ em, học sinh, giáo viên trường vùng khó, điều kiện dạy và học ở đây có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, với cơ chế, chính sách từ nghị định mới, nhà trường sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí khám sức khỏe hằng năm cho học sinh bán trú, lập tủ thuốc dùng chung, mua các loại thuốc thông thường, đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, sơ cứu ban đầu với mức 180.000 đồng/học sinh/năm học. Mức hỗ trợ này trước kia chỉ được 50.000 đồng. Tương tự, đối với tiền hỗ trợ dụng cụ thể thao cũng tăng lên 180.000 đồng/học sinh/năm học...

Nghị định số 66 góp phần giúp trẻ em tại khu vực khó khăn có điều kiện phát triển thể chất để học tập tốt hơn.

Nghị định số 66 góp phần giúp trẻ em tại khu vực khó khăn có điều kiện phát triển thể chất để học tập tốt hơn.

Trường THPT Thường Xuân 2 (Thường Xuân) có 184/837 học sinh được hưởng chế độ theo Nghị định 116. Thầy Lê Đăng Bản, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Phần lớn, nhà các em đều cách xa trường từ 10 - 17km nên phải ở trọ nhà người quen hoặc xung quanh trường cho tiện học tập, đi lại. Thực tế cho thấy, những điều chỉnh đáng kể về chế độ, phạm vi đối tượng được thụ hưởng trong nghị định mới mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho cả học sinh, giáo viên, giúp các trường có thêm kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, đồng thời động viên, khích lệ tinh thần các thầy cô, học sinh bán trú...

Một điểm phấn khởi khác theo Nghị định 66 là mở rộng thêm các nhóm đối tượng, theo đó đối tượng nhà trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ tiền ăn trưa mỗi tháng 360.000 đồng... Chia sẻ về điều này, cô Lê Thị Thư, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Lý (Mường Lát), cho biết: Trường hiện có 1 điểm chính và 5 khu lẻ với 201 trẻ. Nếu đáp ứng điều kiện tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định quy định trẻ em nhà trẻ bán trú là trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi học và ăn, ngủ trưa tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trường chỉ có 15 cháu ở khu chính được hưởng chế độ. Các điểm còn lại do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nên chưa tổ chức ăn bán trú cho cả nhóm nhà trẻ và mẫu giáo. Dự kiến thời gian tới, nhà trường sẽ dồn điểm lẻ khu Xa Lung cách đó hơn 3km về điểm trường chính sau khi đã mở rộng, cải tạo xong một số phòng học. Khi đó, các con sẽ có điều kiện ăn uống buổi trưa đầy đủ hơn, góp phần giảm gánh nặng kinh tế cho phụ huynh.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Hóa cho biết: Toàn huyện hiện có 14 trường (tiểu học 6 trường, THCS 8 trường) có học sinh bán trú với 635 học sinh được hưởng các chế độ hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo... Vừa qua, Nghị định 66 thay thế Nghị định 116 của Chính phủ về nâng cao mức hỗ trợ bán trú cho học sinh bán trú cũng như mở rộng thêm các đối tượng học sinh được thụ hưởng chính sách. Về quy mô đã bao gồm tất cả trẻ em bậc mầm non đến phổ thông. Là huyện vùng cao, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, một số nội dung có sự thay đổi, bổ sung trong nghị định mới cơ bản phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, góp phần giúp các em yên tâm học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện...

Bài và ảnh: Viết Trung

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/hoc-sinh-vung-kho-nbsp-don-doi-chinh-sach-moi-37194.htm
Zalo