Học sinh vi phạm luật giao thông: Đừng chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng
2.220 là số trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ bị lực lượng CSGT Hà Nội xử lý trong 1 tháng vừa qua; đồng thời, phạt tiền hơn 1,2 tỷ đồng và tạm giữ 1.027 phương tiện.
Vào khoảng 16h56 phút ngày 16/12 vừa qua, tại quốc lộ 6 (đoạn qua xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), 3 thiếu niên ở lứa tuổi học sinh chở nhau trên xe máy biển kiểm soát 29P1-634.xx lưu thông theo hướng Hà Nội - Hòa Bình đã bất ngờ lao sang làn đường đối diện.
Đúng lúc này, xe tải biển kiểm soát 29C-776.xx lưu thông theo hướng ngược lại đã không kịp xử lý nên va chạm với 3 thanh thiếu niên khiến xe máy và 3 nạn nhân này nằm gọn trong gầm xe tải. Vụ va chạm đã làm 1 nạn nhân tử vong tại chỗ, 2 nạn nhân còn lại đưa đi cấp cứu trong tình trạng có tiên lượng rất xấu.
Đây chỉ là 1 trong nhiều vụ TNGT liên quan đến tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ xảy ra trong thời gian qua. Sau khi xem lại clip camera giám sát hành trình của xe tải, ghi lại toàn bộ vụ TNGT này, ông Ngô Đăng Lợi trú tại quận Hoàn Kiếm cho rằng: “Việc này rất nguy hiểm vì làm hại cho xe tải, xe máy các cháu đâm vào sai rõ ràng và bị liên đới. Các cháu đã thiệt rồi nhưng lại thiệt cho cả người khác nữa. Học sinh đi chắc chắn không an toàn như người lớn được là vì các cháu đi ít kinh nghiệm, luật giao thông chưa nắm được, hiểu biết luật kém và tuổi trẻ thì đi bát nháo hơn nên độ an toàn thì rất ít”.
Chia sẻ với PV Kênh VOV Giao thông, ông Lợi cũng cho rằng, mặc dù hằng ngày lực lượng CSGT đã triển khai nhiều tổ công tác trên các tuyến đường, kết hợp tuần tra mật phục để phát hiện và xử lý vi phạm. Thế nhưng, tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn tái diễn khiến nhiều người tham gia giao thông như ông Lợi cảm thấy vô cùng bức xúc.
Theo ông Lợi, để chấn chỉnh tình trạng học sinh điều khiển phương tiện gây mất ATGT thì không chỉ trông chờ vào lực lượng CSGT mà còn cần sự vào cuộc quyết liệt của gia đình và nhà trường giúp nâng cao nhận thức của các học sinh khi tham gia giao thông: “Có nhiều lúc mình đi đường rất điềm đạm nhưng mà các cháu đi lại tạt đầu, có thể gây nguy hiểm cho mình. Nếu giải quyết dứt điểm vấn đề này, cần phải có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường thì sẽ đỡ được tình trạng đó, không thể chỉ trông chờ vào CSGT mà cần liên đới cả gia đình, bố mẹ, nhà trường sẽ đánh vào hạnh kiểm, có thể mạnh hơn lời dạy của bố mẹ ở nhà”.
Ghi nhận thực tế trong những ngày vừa qua, các tổ công tác của Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) vẫn liên tục triển khai các chốt kiểm tra, xử lý phụ huynh và học sinh vi phạm luật giao thông. Trong đó, không khó để bắt gặp các trường hợp học sinh điều khiển xe trên 50 phân khối, nhiều trường hợp thấy lực lượng CSGT đã quay đầu bỏ chạy gây nguy hiểm cho các phương tiện xung quanh.
Tại khu vực đường Thanh Niên (Tây Hồ, Hà Nội), vừa tiến hành lập chốt, tổ công tác đã phát hiện 2 học sinh điều khiển xe mô tô 125 phân khối. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định người điều khiển xe là học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, được bố mẹ giao xe cho đi đến trường: “Cháu chưa đủ tuổi, cháu chuẩn bị đi thi bằng thôi, bố mẹ cháu đưa xe cho đi học để cho đỡ mệt ạ”
Theo Thiếu tá Hoàng Văn Bình, Đội phó Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Hà Nội), việc để học sinh chưa đủ tuổi điều khiển mô tô có dung tích xi lanh trên 50 phân khối sẽ mang lại rất nhiều nguy hiểm. Thực tế đã ghi nhận có những vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn, ý thức tuân thủ của chính các em học sinh chưa cao, gia đình dung túng cho con em sử dụng phương tiện sai quy định và để trốn tránh việc kiểm tra của nhà trường cũng như lực lượng chức năng bằng cách gửi phương tiện tại các bãi trông giữ bên ngoài: “Chiếm tỉ lệ cao là các học sinh gửi ở bãi xe ngoài trường, chúng tôi sẽ phối hợp với công an phường sở tại ký cam kết cho các bãi xe, kiểm tra đột xuất nếu các bãi xe này vi phạm sẽ phối hợp với các CA phường để lập biên bản xử lý vi phạm”, Thiếu tá Bình cho biết.
Theo thông tin từ Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội), từ ngày 15/11-14/12, CSGT toàn thành phố đã xử lý 2.220 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 1,2 tỷ đồng và tạm giữ 1.027 phương tiện.
So với tháng cao điểm liền kề, số trường hợp vi phạm giảm 3.745 trường hợp. Qua phân tích, vi phạm phổ biến nhất vẫn là lỗi không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi điều khiển xe, không chấp hành hiệu lệnh đèn giao thông. Trong đó, đáng chú ý, CSGT còn xác minh, xử lý với 225 trường hợp là phụ huynh, chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Vẫn biết việc đảm bảo ATGT, ANTT là nhiệm vụ của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, không thể vì thế mà gia đình lơ là quản lý con em mình, bất chấp giao xe cho học sinh khi chưa đủ tuổi để tham gia giao thông. Bên cạnh việc quản lý của lực lượng chức năng và gia đình thì nhà trường trường cũng nên có những biện pháp cứng rắn để tạo sức răn đe cho các học sinh, kịp thời phát hiện để uốn nắn, ngăn chặn những hành động và suy nghĩ lệch lạc, tạo môi trường tốt cho các em học sinh phát triển.