Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam giành giải Nhất 'Đại sứ giảm nhựa'

Mã Đức Thái, học sinh lớp 7B, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam tự viết lời về ô nhiễm môi trường sống ở Thủ đô dựa trên nền nhạc của bài hát 'Nhắn tuổi 20' của nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm giành giải Nhất cuộc thi 'Đại sứ giảm nhựa' do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Thái là một trong 2 học sinh xuất sắc được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giải Nhất cuộc thi Đại sứ giảm nhựa hồi đầu tháng 12 tại Hà Nội.

Em chia sẻ niềm vinh dự, tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hà Nội – thủ đô của Việt Nam. Nhắc đến Hà Nội, người ta sẽ liên tưởng đến Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Phố Cổ,… với khung cảnh thơ mộng, nên thơ nơi bờ hồ xanh mát và những con con phố nhộn nhịp, là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch.

“Thực tế hiện nay, trên những con đường của Hà Nội, có rất nhiều rác thải đã bị vứt bừa bãi; túi nilon, vỏ chai nước, cốc nước bị bỏ lại ngay sau khi sử dụng. Rác đã khiến một số nơi trên đường phố bốc mùi, có con sông có màu xám đục vì ô nhiễm”, Thái nói.

Thái là một trong 2 học sinh xuất sắc được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giải Nhất cuộc thi Đại sứ giảm nhựa diễn ra hồi đầu tháng 12 vừa qua.

Thái là một trong 2 học sinh xuất sắc được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giải Nhất cuộc thi Đại sứ giảm nhựa diễn ra hồi đầu tháng 12 vừa qua.

Nhận thức được điều đó, trong cuộc sống hằng ngày em và gia đình luôn hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa một lần… Tuy nhiên, nhận thấy chỉ với những hành động của gia đình là chưa đủ, Thái đã tham gia cuộc thi Đại sứ giảm nhựa với mong muốn truyền đi thông điệp, người dân và các bạn cùng chung tay giảm thiểu, tái chế rác thải nhựa và cùng tuyên truyền cho nhiều người có được nhận thức như vậy.

Sau nhiều ngày trăn trở cách làm nào để dễ tiếp cận được với nhiều người nhất, Thái đã chọn tự soạn lời có nội dung bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa dựa trên nền nhạc của bài hát “Nhắn tuổi 20” của nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm. Sau đó, bố là người đưa em đến phòng thu để thu lời bài hát, dựng video.

Ban đầu em định chọn bài rap để dự thi nhưng chính mẹ đã gợi ý nên chọn bài hát có nền nhạc sôi động sẽ dễ dàng truyền tải thông điệp hơn. Trong suốt quá trình làm sản phẩm, Thái cũng đã học được cách thiết kế video trên phần mềm Canva, cách để có thể quay được một video đẹp và cách tìm kiếm thông tin, hình ảnh hiệu quả.

Em lên mạng tìm tòi những hình ảnh ô nhiễm môi trường để dựng video. Trong đó, câu chuyện về những chú rùa biển bị mắc phải rác thải nhựa, những chú cá voi vô tình nuốt phải những túi nilon, chai nhựa… khiến người xem rất đau lòng.

Học sinh nên mang bình nước cá nhân

Theo Thái, người Việt Nam có thói quen đi chợ, đi mua sản phẩm sử dụng túi ni lông quá nhiều. Cần có giải pháp để giảm thiểu rác thải nhựa như: tái chế các túi nilon, chai nhựa, giảm thiểu các sản phẩm nhựa và thay vào đó là các hộp sử dụng nhiều lần, túi vải,…

Mã Đức Thái trong chuyến du lịch cùng gia đình.

Mã Đức Thái trong chuyến du lịch cùng gia đình.

Để dựng video, em đã tự cầm máy đi xung quanh khu vực mình sinh sống để quay tư liệu. Đó là khung cảnh từ những ngày trước và trong Tết, em đã nhìn thấy những xe tải chở rác chất đầy những túi nilon, hộp nhựa, thảm xốp bị vứt đi nhiều hơn mọi ngày. Hay trong Tết, lượng rác nhựa bị thải ra nhiều hơn vì những bác lao công dọn rác về quê đón Tết, một số người dân lén đổ rác tràn ra ngõ hoặc bên lề đường rất mất thẩm mỹ.

Trở về sau cuộc thi, Mã Đức Thái cho rằng, cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để học sinh tự mang bình nước đi học thay thế việc mua nước đóng chai nhằm giảm thiểu lượng chai nhựa.

"Ngoài ra, nhà trường nên tổ chức các buổi diễn đàn cũng như các buổi học ngoại khóa cho học sinh về những tác hại, thực trạng mà rác nhựa đang gây ra. Cần thiết đưa nội dung này vào môn học như: Giáo dục địa phương, Giáo dục công dân để tuyên truyền những biện pháp khắc phục những vấn đề về môi trường, nâng cao ý thức giảm rác nhựa", Thái nói.

Chị Phạm Thị Thanh Huyền, mẹ của Thái cho biết, ở nhà, gia đình cũng thực hiện nhiều hoạt động để giảm thiểu rác thải nhựa như: dùng túi vải để đựng đồ đi chợ; dùng hộp nhựa dùng được nhiều lần để đựng các loại thịt, cá… Mỗi lần đi mua cà phê, thức uống, bố mẹ cũng làm gương cho con bằng cách mang bình nước riêng đi đựng thay vì sử dụng cốc giấy tiện lợi của nhà hàng.

Cũng theo chị Huyền, bên cạnh các môn văn hóa trên lớp, Thái rất thích các hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động đó giúp con năng động, cân bằng tâm lý, kết nối với nhiều bạn bè gần xa nên gia đình cũng rất khuyến khích. Khi con chia sẻ về cuộc thi, mình không biết quy mô, hình thức nhưng cũng động viên con làm việc gì thì cũng cố gắng hết sức, chỉn chu để có sản phẩm dự thi tốt nhất”, chị Huyền chia sẻ.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoc-sinh-truong-thpt-chuyen-ha-noi-amsterdam-gianh-giai-nhat-dai-su-giam-nhua-post1702457.tpo
Zalo